Khoảng trống sau dịch chuyển nguồn nhân lực y tế

Kỳ cuối: Cùng giải "bài toán" cho nguồn nhân lực

Cập nhật, 05:40, Thứ Ba, 06/11/2018 (GMT+7)

Nếu ví vấn đề bác sĩ (BS) ở y tế công ồ ạt nghỉ việc và đa số tham gia vào y tế tư nhân như quy luật tất yếu và là một bài toán nhân sự, thì từ “Hội nghị Diên Hồng” dành cho ngành y tế, mong mỏi của người trong cuộc (BS) và cả công luận, 2 nghị quyết về đào tạo, thu hút nguồn nhân lực y tế tỉnh nhà được HĐND tỉnh thông qua là mẫu số để giải bài toán đó.

Vấn đề là trong bối cảnh khó khăn về biên chế, một mặt phải giải bài toán hiện tại này, một mặt đang manh nha một “bài toán” nữa đặt ra trước khi thu hút, đãi ngộ là hãy tính tới giữ chân nguồn nhân lực...

Nhiều tâm trạng khác nhau của đội ngũ y- bác sĩ khi nói về các cơ chế, chính sách đối với ngành y tế.
Nhiều tâm trạng khác nhau của đội ngũ y- bác sĩ khi nói về các cơ chế, chính sách đối với ngành y tế.

Những cơ chế “chưa mở” cho nhân lực y tế

Theo số liệu Sở Y tế về tình hình biên chế sự nghiệp và hợp đồng ngoài biên chế của các đơn vị, tổng nhu cầu tăng thêm là 756 biên chế theo định mức Thông tư 08.

BS Huỳnh Minh Đức- Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ (Sở Y tế)- cho biết thống kê đến tháng 5/2018, toàn ngành có nhu cầu 4.216 biên chế, trong khi được giao tới năm 2017 chỉ 3.608 biên chế, tức là còn thiếu tới 608 biên chế (chuyên môn).

Một nghịch lý từ năm 2013 đến nay, theo Sở Y tế thống kê là biên chế được giao không đủ, không tăng thêm mà còn bị cắt giảm.

Trong khi nhiều bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, chuyên khoa được đầu tư cải tạo, xây dựng mới đã tăng hàng trăm giường bệnh, có nhu cầu tăng thêm hàng trăm biên chế.

BS Nguyễn Hữu Phước- Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bình Tân- nêu thực tế: “Bệnh viện Bình Tân 120 giường, nhưng từ khi đi vào hoạt động đến nay chỉ giao biên chế 80 giường”.

Còn tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, theo BS Huỳnh Minh Đức, chỉ tiêu 600 giường (chưa phân bổ đủ) nhưng thực chất bệnh viện phục vụ tới trên 860 giường do phải kê thêm giường đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh.

“Tình trạng quá tải lúc nào cũng đè lên cán bộ, y- BS nên rất dễ xảy ra vấn đề trong giao tiếp, ứng xử, sai sót chuyên môn. Bệnh viện nào cũng thiếu biên chế. BS không có đủ thời gian nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe”- BS Huỳnh Minh Đức nói lên thực tế.

“Trong khi biên chế tại đơn vị không đủ khiến hoạt động bệnh viện đã khó khăn, nay một số BS xin nghỉ việc, lại không thể nhận hợp đồng, nên khó chồng thêm khó”- BS Minh Đức nói.

Đây cũng là điều chúng tôi ghi nhận trong câu chuyện của nhiều BS rời bỏ y tế công, cho thấy một nguyên nhân khác mà nhiều BS bảo rằng vì hoàn cảnh gia đình hoặc sức khỏe và điều kiện công tác là thật, nhưng không hẳn chính yếu.

Mà các BS nói cái chính lại là biên chế, áp lực và môi trường làm việc. Một BS cho biết, có khoa 5- 7 người, nay 1- 2 BS đã nghỉ, nếu những người còn lại hoặc không ở lại hoặc không giữ họ thì họ cũng sẽ tiếp tục ra đi.

BS y tế công nghỉ việc nhiều khi còn do môi trường làm việc không thuận lợi, do công việc quá tải, kéo dài khiến họ “thấm mệt”.

BS Trần Văn Út- tại thời điểm “Hội nghị Diên Hồng” ngành y tế và tham vấn thêm đội ngũ BS trước khi thông qua 2 nghị quyết HĐND về nhân lực y tế là Giám đốc Sở Y tế- cho biết thực hiện sắp xếp, tinh giản biên chế toàn ngành đã giảm 164 biên chế.

Như vậy, so với biên chế sự nghiệp được giao, tới thời điểm này ngành vẫn còn thiếu 444 biên chế và ngành y tế đã kiến nghị xem xét, bổ sung số biên chế này cũng như bổ sung biên chế theo Nghị định 68.

Và trước khó khăn về con người, ngành đề nghị được tiếp tục hợp đồng ngoài biên chế. Tình hình biên chế thiếu hụt đã không đáp ứng kịp thời sự phát triển ngành.

Để khắc phục khó khăn trước mắt, Sở Y tế đã nhiều lần tự cân đối trong tổng số biên chế sự nghiệp y tế được giao hàng năm và đến nay... vẫn không tự cân đối được. 

Do nhu cầu khám chữa bệnh càng cao, áp dụng kỹ thuật hiện đại để chẩn đoán và điều trị, các cơ sở y tế đã hợp đồng thêm hàng trăm cán bộ y tế trực tiếp làm chuyên môn và lao động hợp đồng. Các đơn vị chi trả từ nguồn thu dịch vụ khám chữa bệnh.

Con đường nào chúng ta đi?

Hiện nay, đội ngũ y- bác sĩ đang phải “gánh gồng” quá nhiều công việc, áp lực cao.
Hiện nay, đội ngũ y- bác sĩ đang phải “gánh gồng” quá nhiều công việc, áp lực cao.

Mở cơ chế là góc nhìn của dược sĩ Nguyễn Thị Thu Hiệp- nguyên Giám đốc Sở Y tế. Bà cho rằng bên cạnh chính sách thu hút BS, hỗ trợ đào tạo nhân lực y tế, tỉnh trước hết nên chú trọng giữ chân BS, cán bộ y tế. Nhưng làm sao và giữ cách nào?

Theo bà, ngành y tế phải phân công, bồi dưỡng, đào tạo... và làm sao tạo môi trường làm việc tốt. Rồi quan trọng phải có cơ chế chính sách bổ nhiệm, thu nhận, hợp đồng thuận lợi. Chứ biên chế không cho, hợp đồng không được, thì coi như... “chặt chân, chặt tay” bệnh viện.

Hơn nữa, tới đây tỉnh áp dụng chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực y tế, thì các BS đào tạo liên thông nói “hơi bị tủi thân”.

BS Nguyễn Trọng Thi- Phó Khoa Chẩn đoán hình ảnh (BVĐK tỉnh)- cho rằng y- BS các tuyến y tế cơ sở như điều dưỡng, kỹ thuật viên... phải tự bỏ tiền túi đi học. Họ nâng cao trình độ chuyên môn cũng để phục vụ y tế công. “Chúng tôi mong có chính sách hỗ trợ các đối tượng cân bằng hơn”.

Nói như BS Nguyễn Hữu Phước- Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bình Tân, đối tượng đào tạo liên thông là đội ngũ y- BS từ cơ sở, gắn bó rất lâu dài nhưng “chúng ta lại bỏ quên lực lượng này”.

Chính sách hỗ trợ cân bằng và nhất quán cũng là mong muốn của đội ngũ y- BS. BS Văn Công Minh- quyền Giám đốc Sở Y tế- cho rằng, chính lực lượng 121 BS ở 109 trạm y tế, nếu tận dụng tốt bằng các hỗ trợ nào đó, sẽ vừa đảm bảo công tác lại có thể trưng dụng luân phiên từ cơ sở lên tuyến trên trong lúc các bệnh viện thiếu BS và dự báo tới đây “BS nghỉ việc sẽ còn tiếp tục”.

Bởi rất nhiều BS thấy chính sách hỗ trợ thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập.

Cốt lõi vấn đề ở đây là gì? BS nghỉ việc và phải giải bài toán đó. Trước khi giải, thực tế đặt thêm “bài toán” nữa là giữ chân BS vẫn còn ở lại.

Ngay sau “Hội nghị Diên Hồng”, tại kỳ họp HĐND tỉnh tháng 7/2018, Nghị quyết “về việc ban hành chính sách thu hút cán bộ y tế về công tác trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2018- 2021” và Nghị quyết “về việc ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực ngành y tế, giai đoạn 2018- 2021” đã được HĐND thông qua.

2 nghị quyết cụ thể hóa thời gian, trình độ đào tạo, học hàm học vị, thu hút phục vụ, loại hình chuyên môn... cũng như số tiền hỗ trợ cho mỗi trường hợp tương ứng.

UBND tỉnh cùng các sở ngành- nhất là ngành y tế- ngay từ lúc 2 nghị quyết có hiệu lực thi hành đã phải bắt tay ngay vào triển khai thực hiện.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh- Trương Văn Sáu, để phát triển một ngành, một lĩnh vực thì một chính sách là chưa đủ, nó còn phụ thuộc rất nhiều điều kiện khác và phải có sự tác động nhiều chiều, sự tương tác từ nhiều phía, nhiều ngành, sự đồng thuận của nhân dân.

Nhiều BS tâm sự với chúng tôi, họ nôm na nhưng thẳng thắn: hy vọng nhưng không mong gì nhiều về việc sẽ có người này người kia với học hàm học vị, chuyên môn cao về tỉnh... Nên họ vẫn mong “tạo thêm lối nữa” để giữ những người còn ở lại an tâm, yên lòng cho nhiệm vụ cao cả.

Xã hội hóa y tế trong đó phát triển y tế tư nhân đồng hành với y tế công lập trên địa bàn luôn là nhiệm vụ đặt ra cho ngành y tế, hướng tới đa dạng sự chọn lựa của người dân trong chăm sóc
sức khỏe.

Nhìn lại một cách tổng thể và biện chứng từ hiện tượng đội ngũ y- BS ồ ạt rời cơ sở y tế công chuyển qua bệnh viện tư nhân, chúng ta nên nhận rõ thách thức để có những giải pháp cấp bách trước mắt;

nhưng về lâu dài nên xem đây là cơ hội để có dịp đi đến tận cùng “mổ xẻ” bản chất vấn đề, từ đây tạo nên vị thế mới cho bệnh viên công, nhất là trả lại sự “công bằng” cho đội ngũ thầy thuốc lâu năm, giỏi nghề nhiều năm qua vẫn lặng lẽ cống hiến cho sự nghiệp y tế tỉnh nhà.

Một vấn đề căn nguyên, nên tự tin một điều rằng hệ thống y tế công được sự đầu tư to lớn từ Trung ương, cùng với sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh, nếu dám mạnh dạn đột phá khâu quản lý, quản trị hệ thống bệnh viện và nhân sự, thì không lý do vì không đủ sức cạnh tranh sòng phẳng, lành mạnh với hệ thống y tế tư nhân.

Hệ thống y tế công- tư cùng song hành phát triển sẽ đảm bảo tốt hơn cho công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân.

Sở Nội vụ tại “Hội nghị Diên Hồng”của ngành y tế cũng nhìn nhận BS nghỉ việc y tế công còn có nguyên nhân về biên chế. Sở rất quan tâm, chia sẻ và sẽ trao đổi với ngành y tế về định mức biên chế theo Thông tư 08.

Trên thực tế, tính toán biên chế của 2 ngành chênh nhau, không thống nhất được. Số liệu của Sở Nội vụ, biên chế ngành y tế hiện nay 3.600 phân bổ, đến tháng 3/2018 đã phân bổ 3.380, 227 biên chế chưa tuyển dụng.

BVĐK tỉnh 668 biên chế, hiện nay là 631 biên chế và còn thiếu 37 biên chế. Từ đề xuất của các cơ sở y tế, Sở Nội vụ và Sở Y tế sẽ phải tính toán lại biên chế thống nhất để trình UBND tỉnh xem xét, sao cho sát tình hình thực tế.

Bài, ảnh: NHÓM PV