Khoảng trống sau dịch chuyển nguồn nhân lực y tế

Kỳ 2: Bác sĩ dứt áo ra đi vì cơm áo gạo tiền?

Cập nhật, 06:38, Thứ Bảy, 03/11/2018 (GMT+7)

Trước kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa IX, ông Trương Văn Sáu- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long- đã chủ trì buổi gặp mặt tham vấn đội ngũ cán bộ, y- bác sĩ (BS).

Đây được xem như “Hội nghị Diên Hồng” để lãnh đạo tỉnh lắng nghe tâm tư những người trong cuộc, tìm hiểu nguyên nhân sâu xa, từ đó làm cơ sở quyết nghị đưa ra các quyết sách quan trọng.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh- Trương Văn Sáu chủ trì “Hội nghị Diên Hồng”  về nhân lực y tế ở hệ thống y tế công hiện nay.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh- Trương Văn Sáu chủ trì “Hội nghị Diên Hồng” về nhân lực y tế ở hệ thống y tế công hiện nay.

“Nhiều lý do tôi dứt áo ra đi”

Theo BS Nguyễn Công Tuấn- Phó Giám đốc Sở Y tế, đa phần BS bỏ đi vì thu nhập thấp đều có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm làm việc trên 10 năm. Thời gian qua, ngành y tế rất chủ động công tác đào tạo đội ngũ kế thừa, nhưng... không kịp bù đắp, nguồn nhân lực đã thiếu lại càng hụt khiến áp lực rất lớn.

Trong khi hiện nay, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Vĩnh Long đang hướng tới áp dụng các kỹ thuật y tế cao, khi đơn vị là cơ sở vệ tinh cho 4 bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến cuối tại TP Hồ Chí Minh, gồm: Thống Nhất, Chợ Rẫy, Từ Dũ, Nhi đồng 1.

Một nữ BS (xin không nêu tên) công tác 13 năm và đang là phó phòng tại BVĐK tỉnh cho biết: “Lương chính thức của tôi hơn 5 triệu đồng, trong khi ra ngoài với vai trò vị trí tương tự, lương sẽ là 40 triệu đồng”. Hơn chục năm làm nghề, nữ BS thừa hiểu “bệnh viện tư quá hấp dẫn”, nên “mình vẫn ở lại đây làm nghề là vì cái tâm chứ không phải hoàn toàn vì vật chất”.

Đúng, vì cái tâm mà rất nhiều BS đã cống hiến với y tế công không tính toán thiệt hơn. “Ai không mong muốn có cuộc sống thoải mái, an tâm công tác, ít lo cơm áo gạo tiền? Bệnh viện công trả lương 10 triệu, bệnh viện tư trả 30 triệu đồng/tháng thì phải suy nghĩ chứ.

Tôi tính hết các khoản thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng, chỉ riêng đi đám tiệc đã không dưới 8 triệu/tháng thì sao sống nổi”- một BS chuyên khoa I (CK1) được biết đến là “đôi tay vàng” phẫu thuật của một bệnh viện tuyến huyện nói thật- “Rời khỏi nơi từng gắn bó hơn 29 năm không phải là việc dễ dàng, nhưng chung quy vì cuộc sống, đành dứt áo ra đi”.

Phía sau những câu chuyện ra đi còn rất nhiều yếu tố, những nguyên nhân khách quan, chủ quan “bủa vây” tạo thành cơn sốt không ai mong muốn này.

BS Phạm Văn Diên- Giám đốc Bệnh viện Tâm thần- cho rằng, việc BS muốn rời khỏi y tế công đã có mầm mống từ lâu và đến nay khi Vĩnh Long có thêm 2 bệnh viện tư nhân thì mới bùng phát, trong khi chính sách chung chưa phù hợp, chưa đảm bảo đời sống.

Thu nhập đảm bảo đời sống là mong muốn chính đáng. Tuy nhiên, cũng có do “môi trường làm việc không thuận lợi mới khiến anh em nghỉ việc nhiều, do công việc quá tải kéo dài “thấm mệt”, bất mãn ra đi. Việc bố trí công việc không đúng chuyên môn, có tay nghề mà phân công làm hành chính thì rất buồn”- BS Nguyễn Văn Kiệt- Trưởng Phòng Y tế huyện Tam Bình- giải bày.

Trong khi, có cả những vấn đề gai góc của căng thẳng, mâu thuẫn từ nhiều phía, cần sự khách quan, công tâm nhất để có thể truy đến ngọn nguồn của “những cuộc ra đi”.

Trường hợp một BS.CK2, trưởng phòng y tế tuyến huyện có quá trình cống hiến lâu năm đã quyết định xin “về hưu non” vì thấy việc điều động đến nơi khác là không còn phù hợp với tuổi tác và... nguyện vọng.

Vợ ông- BS chuyên khoa sản nhi- tâm sự “dù rất buồn vì không được cầm dao mổ” nhưng cũng nghỉ việc theo chồng và họ dự định mở phòng khám tư nhân để tiếp tục làm công việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho mọi người.

Tại đơn vị này, một BS quản lý cũng đã nghỉ việc. Đây cũng là trường hợp đáng quan tâm vì nơi đây cùng lúc mất đi 3 BS giỏi nghề, có kinh nghiệm quản lý lâu năm.

Môi trường làm việc căng thẳng, việc phân công chưa hợp lý cũng là nguyên nhân Sở Y tế xác định khiến ngành mất cán bộ, BS. Chính vì thế, rất nhiều BS cho rằng bên cạnh các chính sách cấp thiết hỗ trợ cho cán bộ, BS yên tâm công tác, thì cũng cần tạo môi trường làm việc tốt, có điều kiện phát triển.

Bác sĩ Phạm Văn Diên trình bày tâm tư của các đồng nghiệp tại “Hội nghị Diên Hồng” ngành y tế Vĩnh Long.
Bác sĩ Phạm Văn Diên trình bày tâm tư của các đồng nghiệp tại “Hội nghị Diên Hồng” ngành y tế Vĩnh Long.

“Hội nghị Diên Hồng” của ngành y tế

Chúng tôi gọi buổi gặp mặt tham vấn đội ngũ cán bộ, y- BS do ông Trương Văn Sáu- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long- chủ trì ngày 21/6/2018 là một “Hội nghị Diên Hồng”, từ đó làm cơ sở quyết nghị đưa ra các quyết sách quan trọng đối với vấn đề nguồn nhân lực y tế hiện nay.

Với tinh thần cầu thị và lắng nghe của lãnh đạo tỉnh, những tâm tư, bộc bạch của người trong cuộc cho thấy nguyên nhân sâu xa, đồng thời bật ra nhiều vấn đề khác.

BS Đoàn Văn Hùng- nay là Giám đốc BVĐK tỉnh Vĩnh Long (tại thời điểm “Hội nghị Diên Hồng” ngành y tế là Giám đốc Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long) đã xác định 3 lý do BS dứt áo ra đi khỏi y tế công là vì: kinh tế, môi trường làm việc và điều kiện thăng tiến.

Trong đó nguyên nhân kinh tế là quan trọng nhất, BS đặt vấn đề cần làm gì, hỗ trợ thế nào tăng thu nhập cho BS và đề xuất giải pháp tự chủ tạo nguồn lực mới cho bệnh viện.

Sở Y tế xác định chính sự chênh lệch tiền lương quá lớn giữa y tế công và y tế tư nhân, nên nguồn nhân lực dịch chuyển sang y tế tư nhân là một thực trạng chung của cả nước chứ không chỉ riêng Vĩnh Long.

Đó cũng là quy luật theo cơ chế thị trường đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra. Chính vì thế, cùng với việc tìm ra những nguyên nhân trên đây, vấn đề tự chủ, mở cơ chế làm dịch vụ cho bệnh viện công cũng là đề xuất nhận rất nhiều ý kiến đồng tình.

“Cuộc sống cũng là vì tiền! Nhưng BS vẫn muốn tay nghề được “múa”, có tay nghề cao để phục vụ cho người bệnh”- một BS khẳng khái.

Điều này cho thấy ngoài chuyện thu nhập (nhiều BS không nghèo, có biệt thự, xe hơi…), nhiều BS ra đi vì mong muốn thay đổi môi trường làm việc tốt hơn. Ngoài mức thu nhập cao gấp 3- 4 lần, “tôi choáng ngợp ở bệnh viện tư nhân mới có 6 phòng phẫu thuật có hệ thống đèn camera trực tiếp, máy móc hiện đại... Ở đó tay nghề được phát huy hơn”- một BS cho biết.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh- Trương Văn Sáu đã đúc kết 6 nguyên nhân BS nghỉ việc tại y tế công tỉnh Vĩnh Long, trong đó nguyên do rất căn cơ là thu nhập thấp, kế đến là áp lực công việc nặng nề, môi trường công tác, chính sách của địa phương chưa phù hợp, bố trí ngành nghề không phù hợp, trong khi hoàn cảnh gia đình- sức khỏe không phải lý do chi phối.

Ông bày tỏ qua cuộc họp này, lãnh đạo tỉnh mới hiểu rõ hơn tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, y- BS ngành y tế, bên cạnh nhiều đề xuất rất bổ ích, tâm huyết và trách nhiệm giúp Thường trực HĐND xây dựng chính sách cụ thể, sát hơn. Đồng thời, “tôi đề nghị các đồng chí chuyên môn, nội vụ cần đánh giá, tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo tỉnh có giải pháp cho sát thực tế từ 6 nguyên nhân này”- ông Trương Văn Sáu nhấn mạnh.

Ông Trương Văn Sáu- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh

Chúng ta thấy vấn đề giữ chân nguồn nhân lực quá bức xúc, nhưng lãnh đạo ngành y tế có lỗi khi tham mưu chính sách không kịp thời. Tôi đề nghị cần xây dựng, tập hợp ý kiến, HĐND sẽ có cuộc họp bất thường thông qua vấn đề này.

Tôi mong muốn cán bộ, y- BS hãy bình tĩnh, vững vàng. Chúng ta vì người dân phục vụ, cần có trách nhiệm, tâm huyết nghề nghiệp để không phải vì lý do hoàn cảnh gia đình, vì thu nhập mà rời bỏ y tế công. Chúng tôi đã thấy, đã phát hiện cơ chế, chính sách chưa phù hợp và sẽ điều chỉnh trong sức chịu đựng của ngân sách địa phương. Tỉnh đang nghiên cứu mở hướng tự chủ, cơ chế hỗ trợ từng bước, tạo điều kiện cho anh em y tế có thêm thu nhập.


Ông Nguyễn Văn Quang- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

Vấn đề giữ chân BS ở tỉnh ta chỉ khích lệ thôi, chứ chưa có chính sách cụ thể. Như Sóc Trăng đã có chính sách giữ chân BS, Bệnh viện Thống Nhất điều trị bệnh theo yêu cầu.

Tỉnh khác làm được sao Vĩnh Long không học tập? Mình làm không trật quy định, khó thì tháo gỡ... Theo tôi, ngành y tế phải tham mưu cho tỉnh những vấn đề đó. Những việc của ngành y tế hiện nay, các sở, ban ngành phải cùng nhau giải quyết vấn đề chung, chứ không mạnh ai nấy làm.

Bài, ảnh: NHÓM PV

>> Kỳ cuối: Cùng giải “bài toán” cho nguồn nhân lực