Dự phòng các đường lây truyền HIV

Cập nhật, 16:21, Thứ Sáu, 02/11/2018 (GMT+7)

 

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tập huấn xử trí phơi nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp cho nhân viên phòng chống HIV/AIDS bệnh viện tỉnh, trung tâm kiểm soát bệnh tật, trung tâm y tế tuyến huyện, cán bộ công an.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tập huấn xử trí phơi nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp cho nhân viên phòng chống HIV/AIDS bệnh viện tỉnh, trung tâm kiểm soát bệnh tật, trung tâm y tế tuyến huyện, cán bộ công an.

Phân bố nhiễm HIV theo nguy cơ các đường lây truyền, cho thấy: 39,5% lây qua đường tình dục, 37,5% lây qua đường máu, 18% không rõ đường lây truyền và 5% lây truyền từ mẹ sang con. Theo giới tính, tỷ lệ nam nhiễm HIV 69,4%, nữ 30,6%. Về độ tuổi, người nhiễm HIV chủ yếu là ở nhóm tuổi 15- 49.

Báo cáo tình hình nhiễm HIV của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thuộc Sở Y tế Vĩnh Long cho biết, HIV đang trong giai đoạn dịch tập trung. Nhóm nguy cơ nhiễm HIV cao và lây lan ra cộng đồng là nhóm nghiện chích ma túy, phụ nữ mại dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới. Lây nhiễm HIV qua đường máu và đường tình dục chiếm tỷ lệ cao.

Tuyên truyền hạn chế lây nhiễm HIV trong cộng đồng cần phổ quát tất cả các đường lây truyền, trong đó chú ý sâu rộng với các đường lây nhiễm tỷ lệ cao trên.

Lây truyền qua đường máu

Vi rút HIV tồn tại trong máu, do đó HIV có thể lây truyền qua máu. Lây truyền HIV từ người này sang người khác qua các dụng cụ xuyên chích qua da, như dùng chung bơm kim tiêm, các dụng cụ pha thuốc, nhất là với người tiêm chích ma túy. Đây là con đường lây nhiễm HIV phổ biến hiện nay. Người dùng chung kim xăm trổ, kim châm cứu, dụng cụ xăm mi, xăm mày, dao cạo râu... cũng có nguy cơ.

Trong y tế có thể do dùng chung dụng cụ phẫu thuật, dụng cụ khám chữa bệnh có xuyên cắt qua da; từ các sản phẩm của máu hoặc ghép mô, tạng bị nhiễm HIV hoặc qua các dụng cụ truyền máu, lấy máu không được tiệt trùng đúng cách.

Lây truyền HIV qua đường máu còn nguy cơ từ các tiếp xúc trực tiếp với máu khác như: dính máu của người nhiễm HIV vào nơi có các vết thương hở hoặc da, niêm mạc bị xây sát; khi băng bó, cấp cứu cho người nhiễm HIV mà da bị xây xát, tổn thương.

Lây truyền qua đường tình dục

Do vi rút HIV có nhiều trong dịch sinh học (tinh dịch của nam và dịch tiết âm đạo của nữ) với lượng đủ có thể làm lây truyền từ người này sang người khác, cho nên về nguyên tắc mọi sự tiếp xúc trực tiếp với dịch sinh dục của người mà ta không biết chắc chắn là người đó có nhiễm HIV hay không đều có nguy cơ bị nhiễm HIV.

Trong quan hệ tình dục, vi rút HIV còn có thể lây qua đường máu. Trường hợp này có thể là máu kinh nguyệt, máu từ vết thương, vết loét ở cơ quan sinh dục hay từ các vết xước do giao hợp gây ra.

Từ các lý do trên, có thể nói tất cả các hình thức quan hệ tình dục (dương vật- hậu môn; dương vật- âm đạo; dương vật- miệng...) với một người nhiễm HIV đều có nguy cơ lây nhiễm HIV. Các kiểu quan hệ tình dục không xâm nhập (tay- dương vật; tay- âm đạo...) nếu có tiếp xúc với dịch sinh dục cũng có nguy cơ lây nhiễm HIV nếu một trong hai bạn tình đã nhiễm HIV.

Phòng HIV qua đường máu và tình dục

Dự phòng lây HIV qua đường tình dục với nguyên tắc chung là tránh mọi sự tiếp xúc trực tiếp với dịch sinh dục của người khác, đặc biệt là những người mà không biết chắc chắn có bị nhiễm HIV hay không.

Các biện pháp dự phòng lây truyền HIV qua đường tình dục: trì hoãn không quan hệ tình dục; sống chung thủy từ cả 2 phía; hạn chế quan hệ tình dục với nhiều người, giảm tối đa bạn tình; không quan hệ tình dục với người mua dâm, bán dâm; xét nghiệm HIV trước khi kết hôn; sử dụng bao cao su đúng cách...

Theo khuyến cáo, nên áp dụng các biện pháp quan hệ tình dục an toàn như: không xâm nhập (không làm cho dịch sinh dục của người này sang người khác); quan hệ tình dục tay- dương vật, tay- âm đạo (không xuất tinh); vuốt ve, âu yếm bên ngoài. Ngoài ra dự phòng, phát hiện, điều trị sớm các bệnh lây truyền qua đường tình dục sẽ làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường tình dục.

Với dự phòng lây nhiễm HIV qua đường máu, nguyên tắc chung là tránh mọi sự tiếp xúc trực tiếp với máu và các dịch tiết sinh học (máu, mủ, chất dịch tiết ra từ vết thương hở...) của người khác, nhất là những người mà không biết chắc chắn có bị nhiễm HIV hay không.

Không dùng ma túy, nếu đã dùng thì phải cai nghiện ngay. Nếu chưa cai được thì giảm dần bằng việc hút, hít và tiến đến cai hẳn chứ không nên tiêm chích.

Mọi dụng cụ tiêm chích qua da dùng trong tiêm, chích, thủ thuật, phẫu thuật, chữa bệnh, làm đẹp... đều dùng riêng hoặc sau khi tiệt trùng đúng cách. Mang găng tay, đồ lót tay, kính bảo vệ mắt, khẩu trang để tránh tiếp xúc trực tiếp với máu khi cấp cứu bệnh nhân có chảy máu...

TƯỜNG VÂN (ghi)