Dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con

Cập nhật, 11:33, Thứ Sáu, 14/09/2018 (GMT+7)

Lây truyền HIV từ mẹ sang con là 1 trong 3 con đường chính làm lây truyền HIV/AIDS, với nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con là 25- 40%. Song, nếu được phát hiện và điều trị dự phòng sớm thì tỷ lệ mẹ truyền HIV sang con chỉ còn 2- 6%, thậm chí là 0%.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ của mẹ và thai nhi nhằm hạn chế tối đa việc lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Ảnh mang tính minh họa
Kiểm tra sức khỏe định kỳ của mẹ và thai nhi nhằm hạn chế tối đa việc lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Ảnh mang tính minh họa

Mẹ nhiễm HIV vẫn có thể sinh con không bị nhiễm HIV

Mẹ bị nhiễm HIV mang thai có thể làm lây truyền HIV từ mẹ sang con, nhưng không phải tất cả các mẹ nhiễm HIV thì con của họ đều bị nhiễm HIV. Chỉ có 1/3 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV sẽ nhiễm HIV.

Nếu 100 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV không được chăm sóc điều trị thích hợp, không được dùng thuốc kháng HIV để phòng HIV lây truyền từ mẹ sang con thì trung bình có 30- 35 trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ.

Trong khi đó, nếu được phát hiện sớm và điều trị thích hợp, tỷ lệ này giảm xuống còn dưới 5% (100 trẻ sinh ra có thể chỉ có 3- 5 trẻ nhiễm HIV từ mẹ hoặc thậm chí không bị nhiễm).

Theo ngành y tế Vĩnh Long, các trường hợp trẻ em nhiễm HIV chiếm khoảng 6% tổng số người nhiễm HIV được phát hiện trong tỉnh. Mà nguyên nhân chủ yếu là do lây truyền từ mẹ sang con.

Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị dự phòng trong thời gian mang thai và nuôi con nhỏ thì tỷ lệ mẹ truyền HIV sang con sẽ giảm còn rất thấp.

Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giảm đáng kể tỷ lệ trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ.

Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản và phòng chống HIV/AIDS ngay từ tuyến cơ sở đã mang lại kết quả trong công tác phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS từ mẹ sang con.

Để giảm tỷ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ xuống dưới 0% vào năm 2020, Vĩnh Long đang triển khai nhiều giải pháp dự phòng và nâng cao kiến thức người dân về con đường lây truyền HIV.

Tăng cường dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con

Giúp người dân hiểu các quy định của pháp luật trong công tác phòng chống HIV/AIDS, tình hình lây nhiễm HIV và các biện pháp phòng chống, đặc biệt là con đường lây truyền từ mẹ sang con là một trong những giải pháp đang được ngành y tế Vĩnh Long đẩy mạnh.

Thông qua các buổi tọa đàm, truyền thông trực tiếp đã giúp nhiều người nhận thức đúng hơn về căn bệnh này và các biện pháp dự phòng lây truyền.

Bên cạnh đó, các cơ sở y tế còn tư vấn cho sản phụ đến khám thai về mục đích, ý nghĩa cũng như hiệu quả của việc xét nghiệm máu và điều trị dự phòng để hạn chế lây truyền HIV cho con khi chẳng may bị nhiễm.

Đồng thời, triển khai xét nghiệm tầm soát HIV miễn phí cho phụ nữ đến khám thai tại các trạm y tế. Qua đó, nhiều người đã thông hiểu và tự nguyện xét nghiệm máu.

Chị Phan Thị Hải Vy (Phường 4- TP Vĩnh Long) cho biết: “Đi khám thai ở trạm thì mấy chị có tư vấn xét nghiệm HIV bởi phát hiện sớm không may bị bịnh thì kịp thời chữa trị cho mẹ lẫn con nên tôi đồng ý xét nghiệm”.

Theo TS. bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh: “Đối với chị em chuẩn bị mang thai, nên đi khám tầm soát những bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là tầm soát xem có nhiễm HIV hay không để chúng ta có phương pháp điều trị dự phòng sớm.

Trong năm vừa rồi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh những trường hợp dự phòng sớm và người mẹ tuân thủ điều trị dự phòng thì hầu như không có trẻ nào sinh ra bị nhiễm HIV”.

Cục Phòng chống HIV/AIDS nhấn mạnh, dự phòng sớm việc chẩn đoán tình hình sức khỏe cũng như khả năng nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai rất quan trọng đối với công tác bảo vệ thế hệ tương lai.

Do đó, phụ nữ bị nhiễm HIV khi có dấu hiệu mang thai nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn, khám và quản lý thai kịp thời. Ngay cả những phụ nữ chưa xác định tình trạng nhiễm HIV của mình, khi mang thai cũng cần đến các cơ sở y tế xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt, để được tư vấn cách phòng tránh lây nhiễm.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG