Tự tin nuôi con bằng sữa mẹ

Cập nhật, 10:30, Thứ Sáu, 10/08/2018 (GMT+7)

Nuôi con bằng sữa mẹ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả mẹ và bé. Sữa mẹ không chỉ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo nhất cho bé mà còn giúp bé dễ tiêu hóa hơn, dễ hấp thu cũng như phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần và trí tuệ.

Chị Trương Trúc Phương hướng dẫn mẹ mới sinh cho con bú đúng cách.
Chị Trương Trúc Phương hướng dẫn mẹ mới sinh cho con bú đúng cách.

Trẻ sơ sinh cần được bú mẹ sớm

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ 75% trẻ sơ sinh Việt Nam bú mẹ sớm, được WHO đánh giá là “rất thành công”.

Bởi lẽ tỷ lệ trẻ bú sớm ở Việt Nam đã giảm từ 44% năm 2005 còn 27% năm 2013. Xu hướng đẻ mổ tăng nhanh, từ 10% năm 2002 lên 28% năm 2013.

Một nửa ca mổ đẻ đều được thực hiện trước khi có dấu hiện chuyển dạ, có nghĩa là không liên quan đến những lý do y tế.

Nhiều năm qua, để hạn chế các nguy cơ cho cả bà mẹ lẫn em bé, Việt Nam khuyến khích thực hiện các giải pháp chăm sóc sau sinh như thực hiện cho bé da kề da với mẹ, cho bú sớm...

Tiếp xúc da kề da cùng với việc trẻ bú sẽ kích thích người mẹ tăng tiết sữa, bao gồm sữa non. Đây còn được gọi là “vắc xin đầu tiên” của trẻ, rất giàu chất dinh dưỡng và kháng thể.

Mục tiêu là đến năm 2020, khoảng 85% trẻ em Việt Nam chào đời được bú sớm trong vòng một tiếng đồng hồ sau sinh. 

Chị Lê Thúy Hằng (Phường 8- TP Vĩnh Long) vừa đón con gái chào đời vào đầu tháng 8. Bé vừa chào đời, chị được các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long cho con “da kề da” với mẹ và bé tự “trườn” tìm vú mẹ, tận hưởng nguồn sữa non đầu đời.

“Sinh con xong, mình mừng muốn khóc. Rồi thật hạnh phúc khi sinh linh bé bỏng ấy oe oe tìm vú mẹ, cái miệng bé xíu ấy bắt được vú bú thấy yêu thương làm sao á. Bao nhiêu đau đớn của cơn vượt cạn tan biến, mà chỉ còn niềm vui hạnh phúc làm mẹ”.

Theo TS. bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long, khi con nằm trên ngực mẹ, người mẹ sẽ rất hạnh phúc.

Khi được ôm con vào lòng thì những mệt mỏi, đau đớn khi sinh của mẹ cũng tan biến. Đây là thời điểm vàng giúp cho mối quan hệ mẹ và con thêm khắng khít, con không bị stress bởi thay đổi môi trường sống và giúp con bú dòng sữa non đầu tiên, sẽ duy trì được việc nuôi con bằng sữa mẹ lâu dài.

Dạ dày trẻ lúc mới sinh rất nhỏ, không cần phải cho một lượng sữa quá nhiều và sữa non của các bà mẹ là đủ. Trẻ bú cũng giúp tử cung người mẹ co tốt hơn, giảm thiểu nguy cơ băng huyết sau khi sinh.

Trẻ được bú mẹ sớm nhất, tận dụng dòng sữa non, kích thích hệ miễn dịch, tiếp xúc với vi khuẩn có lợi, phòng ngừa hạ thân nhiệt và là cơ hội gắn kết mối thâm giao mẹ con.

Tự tin nuôi con bằng sữa mẹ

Không ít những bà mẹ sau khi sinh con cảm thấy bị stress vì nghĩ mình không đủ sữa cho con. Loay hoay không biết cách cho con bú sao cho đúng; cảm thấy bất lực khi con khóc, con dụi mặt vào vú mẹ nhưng lại khóc oe oe lên và… không chịu bú.

Tại TP Cần Thơ, nhiều “mẹ sữa” sau khi sinh con đã rất biết ơn chị Trương Trúc Phương (giảng viên ĐH Cần Thơ) dành thời gian vào bệnh viện hướng dẫn các mẹ cho bú đúng cách.

Công việc giảng dạy của chị Trúc Phương khá bận rộn, song 2 con trai của chị (bé 5 tuổi và bé gần 2 tuổi) vẫn được hưởng dòng sữa ngọt ngào của mẹ.

Bởi chị trân quý giá trị của từng giọt sữa nên lúc nào có thể là mang con theo và cho con bú mẹ trực tiếp, còn không thì mẹ mang theo máy hút sữa và luôn sẵn sàng mọi tâm thế để hút sữa khi có thời gian.

Theo chị Phương, trong 3 ngày đầu sau sinh, nếu các mẹ cứ mãi chờ sữa về mà không chủ động ôm ấp con, không cho con bú thì dẫn đến hậu quả ít sữa, thiếu sữa, thậm chí mất sữa.

Mẹ chỉ cần ôm con cho bé bú theo nhu cầu bé cần, tu ti sữa mẹ càng nhiều thì sữa càng đáp ứng đủ nhu cầu bé. Bé bú đúng khớp thì tư thế bé nằm bú là: tai, vai, hông bé thẳng hàng.

Bụng bé áp sát bụng mẹ. Đặt bé nằm ở vị trí sao cho núm ti của mẹ ngang vị trí giữa chóp mũi và môi trên bé để bé há miệng, ngước cổ và tự đớp ti.

Cái sai thường gặp của các mẹ là đặt bé ở vị trí núm ti mẹ ngang miệng bé và cực kỳ sai là mẹ cố nhét ti vào miệng con.

“Khi bé ngậm đúng khớp, các mẹ để ý thấy khi mút 2 má bé móp sâu vào và cơ cằm di chuyển lên xuống rất rõ rệt, lưỡi bé chạm được lên các đầu mút dây thần kinh nằm trên quầng thâm ở gần chân ti.

Bé mút, các cơ mút ở má miệng và cơ lưỡi hoạt động được mạnh nhất, khi đó mới tạo được đủ ngưỡng kích thích tác động sâu được các tuyến sữa bên trong giúp hút cạn sữa trong bầu ngực, giúp ngực tái tạo sữa nhanh, nhiều, duy trì được sữa lâu dài”- chị Trúc Phương chia sẻ.

Hiện nay, nhiều mẹ sữa đã tự tin nuôi con bằng sữa mẹ và duy trì sữa mẹ cho con sau khi đi làm bằng cách hút sữa, trữ sữa đông và biết bảo quản để đảm bảo nguồn sữa hợp vệ sinh, đạt chất lượng tốt cho sự phát triển của trẻ.

“Máy hút sữa, bình sữa/ túi trữ sữa là vật bất ly thân của mẹ vừa đi làm, vừa nuôi con sữa mẹ”- chị Nguyễn Ngọc Hân (TX Bình Minh) chia sẻ.

Chị hút trữ sữa cho con từ khi bé được 3 tuần tuổi. Song, con qua đầy tháng chị mới rã đông túi trữ sữa đầu tiên cho con, hâm đúng cách và tập con ti bình.

“Cứ 1 cữ ti mẹ thì cữ sau ti bình cho con quen, để đi làm lại con chịu ti sữa mẹ qua bình. Sữa mẹ sau mỗi lần hút, chị cho vào túi trữ ghi giờ hút và ngày tháng. Và mỗi lần cho con bú thì lấy 1 túi ra hâm. Con chị dễ chịu nên ti sữa mẹ ngon lành”.

Còn chị Kim Thoa chia sẻ: “Đi công tác hút sữa mang về cho con thì hơi lỉnh kỉnh phụ tùng nào là máy hút sữa, túi trữ sữa, túi đá khô, túi giữ nhiệt… nhưng mà riết rồi cũng quen và nghĩ đến quà cho con yêu thì tay xách nách mang vẫn vui”.

Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc đã ban hành 3 khuyến cáo chính: Bắt đầu cho con bú mẹ sớm: đặt trẻ sơ sinh da kề da với mẹ ngay sau khi sinh, và hỗ trợ các bà mẹ bắt đầu cho con bú trong vòng 1 giờ đầu tiên của bé.

Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn: chỉ cung cấp sữa mẹ cho trẻ sơ sinh cho đến 6 tháng tuổi, không có thức ăn hoặc chất lỏng khác (kể cả nước).

Tiếp tục cho con bú sữa mẹ đến 2 tuổi hoặc lâu hơn, ngoài các thực phẩm bổ sung.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN