Không nên chủ quan với bệnh cúm mùa

Cập nhật, 11:51, Thứ Sáu, 08/06/2018 (GMT+7)

Cúm A/H1N1 là loại cúm mùa, thường gây ho, sốt cho người bệnh khoảng một tuần rồi tự khỏi. Thực tế tại nhiều địa phương trong tỉnh, hàng năm ghi nhận nhiều ca cúm mùa như vậy.

Người dân nên tiêm ngừa đúng lịch, đủ liều với các loại vắc xin, đồng thời được tư vấn bảo vệ sức khỏe. Ảnh minh họa
Người dân nên tiêm ngừa đúng lịch, đủ liều với các loại vắc xin, đồng thời được tư vấn bảo vệ sức khỏe. Ảnh minh họa

Mắc cúm mùa rồi tự khỏi- chớ chủ quan

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh cúm A/H1N1 được gây ra bởi vi rút cúm A/H1N1- loại vi rút cúm phát hiện hồi năm 2009. Lúc đó, Việt Nam là quốc gia thứ 23 trên thế giới có người nhiễm cúm A.

Những tháng cuối năm 2009, bệnh bùng phát mạnh, cả nước ghi nhận gần 10.000 ca bệnh, hơn 20 trường hợp tử vong. Triển khai phòng chống trên diện rộng, dịch bệnh này được khống chế, đẩy lùi vào giữa năm 2010.

Tổ chức Y tế thế giới cho biết, những người có nguy cơ mắc bệnh cúm mùa là phụ nữ có thai, trẻ em dưới 5 tuổi, người già từ 65 tuổi trở lên, nhân viên y tế, người có các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, viêm phổi, hen suyễn, tiểu đường...

Cúm A/H1N1 là cúm mùa, thường gây ho, sốt khoảng một tuần rồi tự khỏi. Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thuộc Sở Y tế Vĩnh Long, bệnh cúm lây qua đường hô hấp, từ giọt nước bọt bắn hay dịch tiết mũi họng của người bệnh do ho, hắt hơi.

Mới đây, ổ dịch cúm A/H1N1 với nguồn lây từ một phụ nữ điều trị phụ khoa ở Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh) đã gây lo lắng ở nhiều người. Bởi không ít người hàng ngày có thể bị bệnh cúm mùa đã uống thuốc để hết bệnh hoặc tự khỏi sau đó.

Tới ngày 5/6, tổng cộng bệnh viện trên ghi nhận 28 trường hợp có dấu hiệu nhiễm cúm, trong đó có nhân viên y tế. Gần 20 người qua xét nghiệm cho kết quả dương tính với vi rút cúm A/H1N1.

Với ổ dịch cúm A/H1N1 ở bệnh viện Từ Dũ, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh khuyến cáo nhân viên y tế ở đây chủng ngừa cúm A/H1N1 để tránh lây nhiễm vi rút cúm cho bệnh nhân, thai phụ và trẻ nhỏ tại bệnh viện.

Chú ý phòng cúm mùa cho mình và cộng đồng

Anh Dương (31 tuổi) làm công việc tiếp thị ở TP Vĩnh Long cho biết, anh ho và thấy ấm ấm người. Nghĩ là cảm cúm thông thường, anh không uống thuốc và khoảng tuần sau đó, cũng hết bệnh.

Nói về cúm mùa, một phụ nữ ngoài 30 khác chia sẻ chắc chắn mình bị lây bệnh từ đứa con hơn 4 tuổi vẫn hay hôn hít lúc chăm bẵm ở nhà. Không mua thuốc uống vì ngại tác dụng phụ, người phụ nữ này chấp nhận “hít hà” nhưng chú ý ăn uống và nghỉ ngơi, để bệnh sẽ tự khỏi.

Báo cáo bệnh truyền nhiễm hàng tháng của Trung tâm Y tế dự phòng cho thấy bệnh cúm mùa rải rác ở một số huyện.

Các ca bệnh ghi nhận nhiều nhất là ở tháng 1 của năm- thời điểm giao mùa Đông Xuân, dễ lây lan cúm mùa nhất- khi có hàng chục ca bệnh. Số liệu Sở Y tế đến tháng 5/2018, đã phát hiện 111 ca cúm mùa, giảm so 165 ca cùng thời điểm năm ngoái.

Hầu hết ca bệnh cúm mùa tự khỏi hoặc người bệnh chủ động điều trị khỏi. Tuy nhiên theo bác sĩ Tân, người mắc cúm mùa nên đến cơ sở y tế thăm khám để được điều trị kịp thời, tránh biến chứng nhất là đối với người lớn tuổi có bệnh mãn tính, trẻ em.

Quan trọng là người bệnh được cơ sở y tế tư vấn cách phòng tránh cúm mùa cho người thân trong gia đình và cộng đồng, vì bệnh rất dễ lây lan.

Do có vắc xin, cách tốt nhất để phòng tránh cúm là người dân nên chủng ngừa cúm mỗi năm.

Để phòng chống cúm A/H1N1, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo:

- Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt và mũi, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.

- Không khạc nhổ bừa bãi, sử dụng dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng, mắt.

- Tránh tiếp xúc gần với người bệnh hoặc người nghi nhiễm cúm.

- Ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm vi rút cúm.

- Thường xuyên vệ sinh, lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường, mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc.

- Cách tốt nhất để phòng tránh cúm là chủng ngừa cúm mỗi năm.

- Những trường hợp sốt cao, khó thở cần chủ động cách ly, đeo khẩu trang và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử lý, phòng tránh lây lan. Việc nhận biết và phát hiện sớm các dấu hiệu mắc bệnh có thể giúp điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong.

 - Các gia đình nên đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi, tiêm nhắc lại để chủ động phòng tránh dịch bệnh.

Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN