Ung thư và vai trò tầm soát sớm

Cập nhật, 07:12, Thứ Sáu, 02/03/2018 (GMT+7)

 

Khám tầm soát sớm các bệnh để phát hiện và ngừa nguy cơ tiến triển ung thư. Trong ảnh: Bệnh nhân chờ khám tầm soát bệnh hen- COPD tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long.
Khám tầm soát sớm các bệnh để phát hiện và ngừa nguy cơ tiến triển ung thư. Trong ảnh: Bệnh nhân chờ khám tầm soát bệnh hen- COPD tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long.

Hiện nay, nguy cơ tiềm ẩn ung thư không chỉ đến với người nhiều tuổi hoặc yếu tố di truyền, mà còn xuất hiện ở các đối tượng nhỏ tuổi, không xuất hiện nguyên nhân rõ ràng... Theo chuyên gia y tế, từ đó việc tầm soát ung thư là rất cần được quan tâm.

Ung thư không chừa một ai...

Hơn tháng nay, gia đình anh N.V.L. (Phường 1- TP Vĩnh Long) hết sức lo lắng cho đứa con trai duy nhất mới hơn 30 tháng tuổi. Anh L. kể hồi trước tết, con anh đau bụng và phát hiện có hạch ở cổ, anh chở con đến một bệnh viện ở TP Cần Thơ khám và không phát hiện điều gì bất thường.

Đến khoảng gần tết, con tiếp tục đau bụng nên anh đã đưa con đi khám tại một bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh. Tại đây, các bác sĩ cho biết con anh đã bị ung thư giai đoạn cuối và tư vấn gia đình xạ trị.

Anh L. cho biết, bác sĩ nói con anh đã bị ung thư từ trong bào thai, do đó mới hơn 30 tháng mà ung thư đã ở giai đoạn cuối. “Gia đình không có ý xạ trị vì sợ con còn nhỏ không chịu nổi, giờ chỉ biết cho uống thuốc Nam để duy trì sự sống”- anh L. rưng rưng nói.

Tương tự trường hợp của anh L., chị N.T.T. (xã Phú Đức- Long Hồ) hiện cũng chưa vơi nỗi mất mát lớn khi đứa con trai mới 5 tuổi đã ra đi mãi mãi vì căn bệnh ung thư máu. Theo chị T., từ lúc mới sinh đến khi phát hiện bệnh, con chị không có biểu hiện gì bất thường.

Đến khi bé có dấu hiệu bệnh, xét nghiệm thì đã ung thư giai đoạn cuối. “Tuyệt vọng là suy nghĩ của gia đình khi bé là đứa con trai duy nhất nhưng kinh phí điều trị quá cao mà không có kết quả chắc chắn!”- chị T. tâm sự.

Hàng trăm ngàn ca ung thư mới mỗi năm tại Việt Nam được ghi nhận, trong đó khoảng 70% số người bị phát hiện muộn và tử vong. Không ít người cho rằng, ung thư là “số trời”. Tuy nhiên hiện nay, ung thư có thể được tầm soát từ các phương pháp hiện đại, thậm chí là trong khám sức khỏe định kỳ.

Có nhiều bệnh lý có thể qua khám tầm soát phát hiện sớm để có phương án điều trị kịp thời. Nhiều mô hình bệnh tật có thể tiến triển nặng hoặc kèm dấu hiệu ung thư: máu, vú, cổ tử cung, phổi, đại tràng, tuyến tiền liệt,... với người lớn hay với một số trường hợp trẻ em bị từ sơ sinh, như đã nêu.

Bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Yến- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long- cho biết, CLB Hen- COPD (COPD: bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính) lập ra với hàng chục thành viên và sinh hoạt khoảng 2 năm nay đã giúp tầm soát và phát hiện sớm các bệnh hen, COPD ở người lớn tuổi.

Hầu hết bệnh nhân COPD tại đây đều có tiền sử hút thuốc lá lâu năm, được phát hiện bệnh trễ (cả giai đoạn 3 và 4 khoảng 72%) qua những đợt cấp cùng bệnh lý đi kèm. Qua CLB, bác sĩ tư vấn cho người bệnh cách giảm triệu chứng, hạn chế thấp nguy cơ bệnh tiến triển ung thư, nhất là ung thư phổi.

Vai trò của tầm soát sớm

Thời gian gần đây, chị Hoàng Trâm (Phường 1- TP Vĩnh Long) cứ thúc hối chồng đưa cả nhà đi khám sức khỏe. Bởi chị Trâm nói, đã biết nhiều trường hợp ung thư ngay khi tuổi còn nhỏ nên cũng lo và muốn làm các xét nghiệm tầm soát cho cả gia đình để yên tâm. “Tuy giá dịch vụ xét nghiệm khá cao nhưng phòng bệnh hơn chữa bệnh, có gì cũng phát hiện sớm và điều trị kịp thời”.

Trong khi đó, gia đình chị Bạch Thị Mai (xã Trung Hiệp- Vũng Liêm) cứ định kỳ khoảng 6 tháng là đi khám bệnh cho 2 con nhỏ. Chị Mai cho biết, do gia đình cũng có người thân từng mắc bệnh ung thư máu, và ung thư cũng có yếu tố di truyền nên cứ đi khám định kỳ cho các con để yên tâm hơn.

“Bây giờ có nhiều yếu tố để dẫn đến căn bệnh ung thư, do đó đi khám bệnh định kỳ cũng là một cách để phòng bệnh”- chị Mai nói.

Số liệu của Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư thuộc Bệnh viện K cách đây 10 năm. Nhiều loại bệnh ung thư được cho là đã tăng trong 10 năm qua.
Số liệu của Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư thuộc Bệnh viện K cách đây 10 năm. Nhiều loại bệnh ung thư được cho là đã tăng trong 10 năm qua.

Mới đây tại hội nghị khoa học kỹ thuật bệnh viện tỉnh Vĩnh Long, Thạc sĩ, bác sĩ Lê Quang Thanh- Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh)- trình bày đề tài lợi ích của tầm soát sớm bệnh ung thư vú ở nữ.

Các phương pháp tầm soát ung thư vú: đánh giá nguy cơ, tự khám vú, khám vú lâm sàng, siêu âm 2D, nhũ ảnh, MRI,... để tuyên truyền đến nữ giới kiểm soát nguy cơ bệnh âm thầm tiến triển.

Bác sĩ dẫn tài liệu cho biết, ung thư vú là nguyên nhân gây tử vong cao thứ 5 toàn cầu. Độ tuổi 40- 49, bằng chứng ung thư vú không rõ ràng, tỷ lệ mắc thấp. Tuổi cao hơn nguy cơ ung thư vú cao đồng thời khó phân biệt với các nguyên nhân gây tử vong khác.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long năm 2017 tiếp nhận, can thiệp viêm dạ dày ruột và đại tràng do nhiễm trùng 1.172 ca, viêm ruột thừa 963 ca, viêm dạ dày 927 ca,...

Đây là 3 trong 10 bệnh có số lượng nhập viện cao nhất tại bệnh viện năm qua và những bệnh này nếu không khám tầm soát để có hướng điều trị kịp thời thì sẽ có nguy cơ tiến triển thành bệnh ung thư. Như vậy, mỗi người cần tự ý thức về việc khám tầm soát để khi có bệnh thì được can thiệp sớm và phù hợp.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY- MINH THÁI