Không chú ý vết thương, nguy cơ bệnh uốn ván

Cập nhật, 13:42, Thứ Sáu, 16/03/2018 (GMT+7)

2 trường hợp vào điều trị uốn ván từ đầu năm đến nay tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long cho thấy điều đó. Bác sĩ khuyên điều quan trọng là người dân khi bị bất cứ vết thương nào trên cơ thể nên đi chích ngừa phòng uốn ván. Bởi khi bị bệnh sẽ điều trị tốn kém và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.

Bác sĩ thăm khám bệnh nhân T. gần 70 tuổi bệnh uốn ván, hiện tại tình trạng ổn và chuẩn bị xuất viện.
Bác sĩ thăm khám bệnh nhân T. gần 70 tuổi bệnh uốn ván, hiện tại tình trạng ổn và chuẩn bị xuất viện.

Bệnh nhân Nguyễn Văn T. (68 tuổi, ngụ xã Ngãi Tứ- Tam Bình) ngày 9/3 được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Trung ương Cần Thơ về BVĐK tỉnh Vĩnh Long để tiếp tục theo dõi điều trị bệnh uốn ván.

Qua khai thác bệnh sử (bệnh mới phát hiện gần đây) cho thấy bệnh nhân T. trước đó 7 ngày ở nhà đã mỏi hàm và tăng dần rồi sau đó cứng hàm, há miệng hạn chế. Bác sĩ thăm khám, chẩn đoán bệnh nhân bị bệnh uốn ván, kèm tiền căn (bệnh nền) tăng huyết áp.

Bác sĩ Cao Thị Ánh Loan- Phó Khoa Truyền nhiễm tại BVĐK tỉnh Vĩnh Long- cho biết, khi vào viện bệnh nhân T. tuy còn ho nhưng đã há miệng được và tự ăn uống được.

Bác sĩ nhận thấy bệnh uốn ván ở bệnh nhân này “không rõ ngõ vào”. Tuy nhiên bệnh nhân tiền căn bỏng nước sôi trên mặt và vùng ngực. Chẩn đoán kế tiếp tại đây ở bệnh nhân T. là uốn ván trên bệnh nền tăng huyết áp và viêm phổi.

Khoa Truyền nhiễm của BVĐK tỉnh Vĩnh Long tiếp tục truyền dịch, dùng kháng sinh, hạ huyết áp bệnh nhân. Bác sĩ cho biết đến ngày 14/3, bệnh nhân ổn định: không còn co giật, hết sốt, giảm ho... và trong nay mai sẽ xuất viện.

“Giờ tui nhớ nhà lắm rồi. Tui thấy người mình khỏe lại rồi, chỉ mong bác sĩ mau cho về thôi”- nằm trên giường bệnh để bác sĩ kiểm tra tình trạng, ông T. nói.

Trùng hợp là trong ngày 9/3, cũng có bệnh nhân uốn ván chuyển từ TP Cần Thơ về BVĐK tỉnh nhà điều trị. Đó là bệnh nhân Lê Thanh H. (52 tuổi, ngụ xã Hòa Lộc- Tam Bình).

Bệnh nhân được chẩn đoán “uốn ván với ngõ vào rõ rệt hơn khi có 2 vết thương gây áp xe ở 2 cẳng chân”. Khai thác bệnh sử bệnh nhân H. cho thấy, cách 4 ngày trước khi vào bệnh viện thì bệnh nhân hay nuốt nghẹn, sưng hàm, há miệng không được, gồng cơ từng cơn.

Đồng thời, bệnh nhân có bệnh nền đái tháo đường tuýp 2. Bệnh viện tiến hành điều trị kháng sinh, truyền dịch, thuốc chống co giật và hạ đường huyết.

Tại BVĐK tỉnh, bác sĩ cho bệnh nhân thở oxy, dùng kháng sinh, truyền dịch, thuốc chống co giật, hạ huyết áp. Đến hôm 13/3, theo nguyện vọng người nhà, trường hợp này chuyển Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh.

Nói về tình hình bệnh nhân H., bác sĩ Ánh Loan cho rằng “đã đỡ nhưng bệnh nhân nói còn khó nghe, ho đàm và thỉnh thoảng còn gồng người”. Có thể do bệnh nền nhiều nên người nhà lo lắng xin đi.

Qua 2 trường hợp bệnh uốn ván trên, 1 ca rõ rệt ngõ vào (nguyên nhân) và 1 ca không rõ nhưng cả 2 đều có nhiều bệnh nền.

“Đó là các trường hợp nguy hiểm”- bác sĩ Ánh Loan nói và cho rằng, một khi người nào đó có bất kỳ vết thương nào trên cơ thể, thì nên nghĩ liền đến việc đi chích ngừa để phòng bệnh uốn ván. “Không kể già trẻ, bất cứ vết thương do vật dụng bẩn gây nên thì đều không loại trừ nguy cơ uốn ván”.

Dù giờ đây người dân đã ý thức cao việc tiêm ngừa uốn ván do vết thương gây ra nhưng thỉnh thoảng bệnh viện vẫn tiếp nhận một vài ca.

Và dù điều trị được nhưng do có trường hợp đưa đến bệnh viện trễ nên bệnh diễn tiến nặng như viêm nhiễm, co thắt phế quản, gồng người, ức chế hô hấp, ngưng thở.

Bác sĩ ở Khoa Truyền nhiễm cho biết, ở đây từng tiếp nhận bệnh nhân uốn ván trong tình trạng há miệng khó và gồng cứng người. Chuyển tức tốc lên bệnh viện tuyến trên nhưng vẫn không khống chế được và bệnh nhân đã tử vong.

Uốn ván nói trên là ở người lớn với nguy cơ do vết thương và phân biệt với uốn ván sơ sinh. Nhưng nhìn chung con người có thể nhiễm vi khuẩn uốn ván qua các vết thương do dụng cụ bẩn gây nên. Hiện trong tiêm chủng mở rộng, với phụ nữ mang thai lần đầu, nếu trước đó chưa tiêm phòng uốn ván thì cần được tiêm 2 mũi vắc xin trước khi sinh. Sau đó tiêm nhắc lại 3 mũi theo lịch chủng ngừa. Trẻ nhỏ tại thời điểm 2- 3- 4 tháng tuổi, theo lịch tiêm phòng sẽ được miễn dịch cơ bản bằng 3 liều vắc xin DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván). Những lần tiêm này sẽ ngừa uốn ván sơ sinh cho trẻ.

Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN