Chú ý đảm bảo sức khỏe vui xuân

Cập nhật, 13:36, Thứ Sáu, 09/02/2018 (GMT+7)

 

Nên rửa tay sạch và tập cho trẻ thói quen này trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh sẽ giúp phòng một số bệnh truyền nhiễm.
Nên rửa tay sạch và tập cho trẻ thói quen này trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh sẽ giúp phòng một số bệnh truyền nhiễm.

Chuyên gia y tế lưu ý người dân bên cạnh hoạt động ăn uống, vui chơi dịp Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân 2018, cần chú ý đến tiết trời giao mùa dễ phát sinh nhiều dịch bệnh, nhằm đảm bảo sức khỏe mùa lễ tết...

“Mùa” dễ mắc bệnh hô hấp, tiêu hóa

Năm 2017, toàn tỉnh ghi nhận hơn 5.500 ca bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, giảm so năm trước và không có tử vong. Tuy nhiên, bệnh tay chân miệng tăng 45,5% so với năm trước. Bệnh truyền qua đường hô hấp ghi nhận gần 1.700 ca, tăng gần 1.000 ca. Số mắc bệnh quai bị tăng 3 lần, thủy đậu tăng 1,6 lần, cúm tăng 2 lần.

Trước, trong và sau tết nhiệt độ thường thấp, khí lạnh nhiều, trời hanh khô ráo, đây là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, vi rút phát triển và gây bệnh. Đặc biệt với trẻ nhỏ sức đề kháng yếu, khả năng chăm sóc bản thân hạn chế, nên nguy cơ mắc một số bệnh truyền nhiễm cao hơn.

Bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Vĩnh Long (Sở Y tế)- cho biết, các bệnh lý dễ mắc ở trẻ mùa này là bệnh đường hô hấp và tiêu hóa: cúm mùa, quai bị, thủy đậu, sốt phát ban, tay chân miệng, nhất là tiêu chảy cấp do Rotavirus...

Trong đó, đáng chú ý là 2 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hiện chưa có vắc xin điều trị đặc hiệu, mà chỉ điều trị triệu chứng khi trẻ vào viện là sốt xuất huyết và tay chân miệng.

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Tân, mới hôm 7/2, cơ quan y tế dự phòng tỉnh họp giao ban với Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh về phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân mà cao điểm là dịp lễ tết tới đây.

Lãnh đạo Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh thông báo hiện nay tình hình diễn biến bệnh sốt xuất huyết rất phức tạp do thời tiết bất thường. Bệnh có nguy cơ tăng cao ở phía Nam do mới đầu năm mà đã có mưa và mưa lớn, kéo dài.

Thêm nữa người dân những ngày năm hết tết đến thường tập trung lo chuyện tết nhứt mà lơ là phòng bệnh. “2 yếu tố này cộng lại sẽ là điều kiện để bệnh truyền nhiễm nguy hiểm chưa có vắc xin dự phòng và thuốc điều trị đặc hiệu này có nguy cơ bùng phát”- bác sĩ Huỳnh Thanh Tân nói.

Phòng bệnh, giữ sức khỏe từ những việc đơn giản

Theo chuyên gia y tế, tết nhất thường kèm quá trình thay đổi, làm sạch đồ dùng vật dụng sinh hoạt gia đình, và kết hợp điều đó để xử lý môi trường xung quanh để đảm bảo vệ sinh, phòng bệnh.

Theo Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, để phòng sốt xuất huyết nguy cơ gia tăng, ngay từ đầu năm, người dân chú ý dọn dẹp quang quẻ môi trường quanh nhà, đảm bảo đủ ánh sáng và không ẩm thấp nơi ở để hạn chế muỗi trú ngụ. Chú ý đồ dùng chứa nước sinh hoạt, lu hũ, chạn bếp, bình bông bằng cách thay mới, đậy kín hoặc lật úp đổ bỏ nhằm hạ mật độ lăng quăng.

Bác sĩ Huỳnh Thanh Tân cho rằng tết đi cùng quá trình đi lại lớn của người dân từ các tỉnh có khu công nghiệp, khu chế xuất về nhà ăn tết. Một bộ phận trong đó sẽ mang ký sinh trùng, mầm bệnh về quê.

Đôi khi, chính họ là nơi phát tán mầm bệnh. Vậy nên, đối tượng này cần chú ý giữ đảm bảo sức khỏe hoặc thấy có bất cứ biểu hiện bệnh truyền nhiễm thì đến cơ sở y tế để thăm khám, điều trị kịp thời.

An toàn thực phẩm là một mảng lớn cần phải chú trọng dịp lễ tết. Trên báo chí, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cho rằng dịp tết và mùa lễ hội xuân, rau quả, đồ uống, bánh kẹo, thịt,... tăng gấp 10 lần so ngày thường.

Người dân cần ý thức hành vi sử dụng các thực phẩm để đảm bảo sức khỏe. Không nên xem việc cất trữ thực phẩm tủ đông, tủ lạnh như giải pháp cho ngày dài lễ tết.

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Tân, cách đơn giản nhất đảm bảo an toàn thực phẩm là mọi người dân nên rửa tay sạch trước khi chế biến, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Lựa chọn thực phẩm rõ nguồn gốc, tươi sống, sạch; nhất là heo, gà vì tết món liên quan đến sản phẩm thịt này tiêu thụ nhiều; ăn chín uống chín; không ăn tái, sống, tiết canh,...

“Tuân thủ khuyến cáo về an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ hạn chế thấp nhất nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa và ngộ độc thực phẩm xảy ra với người dân”

Tết vẫn tiêm ngừa khi người dân có nhu cầu

 

Bác sĩ khuyên người dân bên cạnh đảm bảo lời khuyên bảo vệ sức khỏe, thì cần tiêm ngừa đầy đủ các bệnh có vắc xin phòng. Ngoài các bệnh được tiêm vắc xin trong tiêm chủng mở rộng, người dân còn có thể đưa trẻ đi tiêm ngừa cúm mùa, tiêu chảy cấp, thủy đậu, viêm màng não... theo hình thức dịch vụ.

 

Toàn tỉnh, có 109 điểm tiêm chủng mở rộng tại 109 trạm y tế. Ngoài ra, còn tổ chức 34 điểm tiêm dịch vụ tại cơ quan y tế dự phòng tỉnh, các trung tâm y tế và một số xã- phường.

 

Rửa tay sạch là hạn chế nhiều bệnh truyền nhiễm 

 

Theo chuyên gia y tế, việc rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng nhiều lần trong ngày là đã hạn chế được nguy cơ mắc một số bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp, tiêu hóa.

Bài, ảnh: MINH THÁI