Can thiệp vết thương "nghiệt", cứu sống bệnh nhân

Cập nhật, 06:03, Thứ Sáu, 01/12/2017 (GMT+7)

Bệnh nhân là Nguyễn Thị N. (45 tuổi, xã An Bình- Long Hồ) trong sinh hoạt hàng ngày vô tình bị tai nạn hy hữu, vết thương “nghiệt”, liên hoàn ở vị trí: hậu môn, trực tràng, âm đạo, ổ bụng.

Hiện tình trạng bệnh nhân đã tốt sau phẫu thuật, sắp xuất viện.
Hiện tình trạng bệnh nhân đã tốt sau phẫu thuật, sắp xuất viện.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long tiếp nhận cấp cứu, sau đó hội chẩn liên khoa và tiến hành mổ cấp cứu ngay, cứu sống bệnh nhân.

Ngoài chấn thương hiểm trên cơ thể cùng lúc, đáng nói là nạn nhân bị tai nạn vào đêm 24/11 nhưng đến sáng hôm sau (khoảng 8 giờ sau đó) bệnh nhân mới được đưa đến bệnh viện.

Khu cấp cứu bệnh viện cho biết, bệnh nhân vào cấp cứu ghi nhận có vết thương ở vùng hậu môn (ở giờ thứ 8), mạch nhanh/nhẹ, huyết áp không đo được, lơ mơ, niêm mạc xanh...

Chẩn đoán “shock mất máu do vết thương đâm hậu môn”. Các bác sĩ nói tình trạng bệnh nhân vào viện như vậy đã rất trễ.

Bệnh viện huy động Khoa Ngoại tổng quát, Khoa Sản hội chẩn và tiến hành mổ tối cấp cho bệnh nhân sau khi chuyển từ cấp cứu lên thẳng phòng mổ.

Bác sĩ chuyên khoa I Lê Minh- Phó Khoa Ngoại tổng quát- cho biết: Khi mổ, bác sĩ phát hiện trong bụng có máu, vết thương từ hậu môn, âm đạo thấu bụng, đứt động mạch sau bàng quang.

Ê kíp 2 chuyên khoa chia ra: ngoại tiến hành xử lý vết thương trực tràng, động mạch, làm hậu môn nhân tạo; bên sản khoa xử trí vết thương âm đạo.

Theo hồ sơ bệnh án, bệnh nhân sau mổ có chẩn đoán: xuất huyết nội vết thương hậu môn, trực tràng, âm đạo; đứt động mạch sau bàng quang. Ngày 29/11, tức 5 ngày sau mổ, tình trạng vết mổ khô, niêm mạc hồng, bệnh nhân sinh hiệu ổn, tim mềm, phổi trong, hậu môn nhân tạo ổn định... Hiện bệnh nhân tiếp tục được điều trị hồi phục, có thể nay mai xuất viện.

Bà Nguyễn Thị A. là chị dâu và đang chăm bệnh nhân kể lại: Theo lời bệnh nhân, vào đêm xảy ra tai nạn, người này đi vệ sinh bên ngoài nhà.

Xui rủi thế nào, lúc đi vào nhà đã té ngã lên nhánh chà nhãn do người nhà cắm để rào gà quanh gốc đu đủ... Nạn nhân sau đó bất tỉnh nhân sự. Đến sáng, máu vẫn còn rỉ tại vết thương và người nhà đưa đi bệnh viện.

Tiếp cận bệnh nhân tại phòng điều trị, không chỉ người nhà mà các bác sĩ, y tá, điều dưỡng đều nói đây là trường hợp tai nạn thương tích hy hữu, nghiêm trọng và “sống được là may”.

Bác sĩ Lê Minh cho rằng đường đi của thương tích ở bệnh nhân là rất “nghiệt”, mất rất nhiều máu, lại đưa vào bệnh viện quá trễ.

“Trong cái rủi có cái may”- nhiều người nhà các bệnh nhân chung phòng bệnh hậu phẫu nói về trường hợp này. Rất nhiều người quan tâm tới sự cố hy hữu trên và tự nhủ trong sinh hoạt hàng ngày phải cẩn thận.

Đây cũng là lời khuyên của bác sĩ: mọi người phải cẩn trọng với các tình huống có thể gây thương tích cho bản thân. Đặc biệt cần đưa đến bệnh viện sớm khi bị tai nạn thương tích bất ngờ, nặng nề, nguy hiểm, mất máu (cụ thể như trên) để kịp thời can thiệp.

Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN