Điều trị bệnh lao và hàng loạt thách thức

Cập nhật, 09:19, Thứ Sáu, 24/03/2017 (GMT+7)

 

Tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Vĩnh Long, bác sĩ làm thủ tục chuyển tuyến cho một bệnh nhân về y tế cơ sở điều trị lao hạch cổ.
Tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Vĩnh Long, bác sĩ làm thủ tục chuyển tuyến cho một bệnh nhân về y tế cơ sở điều trị lao hạch cổ.

Công tác phòng chống lao của Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận với đánh giá kết quả điều trị rất tốt.

Tuy nhiên, số phát hiện bệnh lao mới hàng năm còn nhiều, dịch tễ lao trong cộng đồng còn cao; đáng lo ngại là có gần 6% bệnh nhân lao siêu kháng thuốc; cũng như 21% bệnh nhân lao trong cộng đồng không được điều trị, khống chế nguồn lây...

Đây được coi là thách thức đặt ra cho Chương trình Chống lao quốc gia trong những năm tới.

Quản lý sát bệnh nhân lao

Đang làm công nhân ở TP Hồ Chí Minh, Phùng Thị T.T. (quê Tam Bình) đi khám bệnh và được chẩn đoán mắc bệnh lao hạch. T.T. được bệnh viện này hướng dẫn về y tế ở địa phương điều trị.

Hôm 22/3, đến khám tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Vĩnh Long, bác sĩ ở đây kiểm tra lại và cho giấy chuyển tuyến về Trung tâm Y tế huyện Tam Bình với hướng điều trị “thu dung lao ngoài phổi mới” (lao hạch cổ).

Cũng khám tầm soát tại bệnh viện chuyên khoa ở tỉnh mới đây, bệnh nhân Nguyễn A.T. được bác sĩ chẩn đoán bị lao phổi (AFB+) và chỉ định nhập viện điều trị. Quá trình bệnh lý ghi: bệnh phát cách nhập viện khoảng 2 tuần, bệnh nhân ho/khạc đàm, ăn uống kém, sụt cân, sốt nhẹ về chiều.

Theo khoa Khám bệnh tại bệnh viện, mỗi ngày có tầm 50- 70 người đến khám các triệu chứng, dấu hiệu nghi ngờ bệnh lao. Với hầu hết bệnh nhân lao mới được chẩn đoán, chiếm nhiều nhất trong đó là lao phổi, lao ngoài phổi.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Quyền- Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Vĩnh Long cho biết trong năm 2016, chương trình chống lao của tỉnh khám tầm soát, phát hiện 1.408 bệnh nhân lao mới.

Số này có chiều hướng giảm so với trước. Năm 2016, chương trình cũng ghi nhận 45 bệnh nhân lao kháng thuốc (ít hơn yêu cầu cần phát hiện là 55 so với dịch tễ lao trong cộng đồng). Trong số đó 38 bệnh nhân đưa vào điều trị theo phác đồ lao kháng thuốc. Số còn lại đã mất khi chưa kịp đưa vào điều trị hoặc do thiếu hợp tác.

Còn theo số liệu Sở Y tế, đến nay tổng số bệnh nhân quản lý điều trị bệnh lao là 673 trường hợp. Tính từ đầu năm đến nay, số bệnh nhân điều trị khỏi bệnh hơn 300 trường hợp.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Quyền, so chỉ tiêu Chương trình Chống lao quốc gia giao hàng năm phải trên 90% bệnh nhân lao mới điều trị khỏi bệnh (AFB+), thì năm 2016, tỉnh đạt trên 97%. Qua đó cho thấy bệnh nhân lao được quản lý sát từ tỉnh đến cơ sở, bệnh nhân hợp tác điều trị tốt, thuốc men đầy đủ và được cung cấp kịp thời, kiến thức phòng chống lao trong cộng đồng cải thiện...

Việt Nam có kết quả điều trị bệnh lao rất tốt

Theo thông cáo báo chí của Chương trình Chống lao quốc gia (Bộ Y tế) đưa ra hưởng ứng ngày Thế giới Phòng chống lao (24/3) năm 2017, công tác phòng chống lao của Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận.

Việt Nam có kết quả điều trị bệnh lao rất tốt. Hàng năm, cả nước đã phát hiện và điều trị cho trên 100.000 người mắc lao với tỷ lệ chữa khỏi trên 90% trường hợp mắc mới.

Tuy vậy trên quy mô quốc gia, dịch tễ bệnh lao cao, vẫn còn 16.000 người chết vì bệnh lao hàng năm.

Việt Nam hiện là nước đứng 14/30 nước có số bệnh nhân lao cao nhất thế giới, đứng 11/30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất toàn cầu. Mỗi năm có khoảng 130.000 người mắc lao mới, trong đó có 7.000 người mắc lao đồng nhiễm HIV, hơn 5.000 bệnh nhân lao đa kháng thuốc, đáng lo ngại là có gần 6% lao siêu kháng thuốc. Số người mắc lao phổi chiếm hơn 1/2.

Tuy nhiên, chỉ 79% số người mắc bệnh được phát hiện, tư vấn, điều trị, quản lý; còn 21% vẫn tồn tại trong cộng đồng mà không được điều trị, khống chế nguồn lây.

Theo chương trình chống lao của tỉnh: thuận lợi là UBND tỉnh rất quan tâm tới kinh phí để phòng chống lao tại địa phương.

“Thuốc điều trị bệnh lao không thiếu”- bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Quyền cho biết trong bối cảnh kinh phí trung ương dành cho chương trình thường đưa về trễ, và tỉnh đã kịp thời cấp ngân sách để phục vụ quản lý, phòng chống bệnh lao.

Mặt khác, có cơ sở y tế chuyên khoa nên “giúp phát hiện bệnh nhân lao mới, lao kháng thuốc nhanh hơn; bệnh nhân có giai đoạn điều trị ban đầu thuận tiện; góp phần làm giảm nguồn lây, dịch tễ lưu hành”.

Về khó khăn của phòng chống lao, có thể nói là đội ngũ bác sĩ chuyên lao phổi hiện nay tại tuyến tỉnh và huyện rất ít. Điều đó ảnh hưởng đến khám tầm soát, phát hiện, tư vấn điều trị từ chuyên khoa trước khi phối hợp đưa về điều trị tại cộng đồng. Dù tỷ lệ cán bộ chuyên trách ở xã- phường hiện nay cơ bản phủ kín để quản lý bệnh nhân, cấp phát thuốc, hướng dẫn người dân phòng chống lao tại cơ sở...

 

Các phác đồ điều trị bệnh lao mới là 6 tháng, lao tái phát là 8 tháng, lao kháng thuốc là 20 tháng. Ở điều trị lao mới và lao tái phát, nếu người bệnh tuân thủ điều trị và đảm bảo chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, tỷ lệ khỏi bệnh từ 90%. Với lao kháng thuốc, nếu người bệnh không tuân thủ phác đồ điều trị, sẽ có khả năng chuyển sang lao đa kháng thuốc và nguy cơ tử vong.

  • ™Bài, ảnh: MINH THÁI