Bất ngờ với những vụ ngộ độc thực phẩm

Cập nhật, 07:25, Thứ Sáu, 26/08/2016 (GMT+7)

 

Cá kho tiêu trong một bữa cơm gia đình.
Cá kho tiêu trong một bữa cơm gia đình.

Theo ghi nhận, ít nhất có 3 trong 4 vụ ngộ độc thực phẩm bắt nguồn từ bữa cơm gia đình xảy ra trong tỉnh từ đầu năm đến nay. Thức ăn trong các bữa ăn đơn giản: mắm tép, canh hầm... dường như ai cũng có thể gặp ngay trên bàn ăn hàng ngày của mình.

Ngộ độc từ bữa cơm gia đình

Trong 6 tháng đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ ngộ độc thực phẩm, liên quan đến ăn uống thông thường hàng ngày. Đó là vụ ngộ độc thực phẩm ngày 2/7 tại ấp An Thạnh (xã Bình Ninh- Tam Bình) do ăn... mắm tép, 6 người mắc được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Trà Ôn điều trị. Tất cả 6 trường hợp sau đó xuất viện.

Và gần đây nhất ngày 31/7, cơ quan chức năng ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm trong bữa cơm với thức ăn có canh đu đủ hầm đầu- giò- cánh- lòng vịt, tại một gia đình ngụ ấp Vĩnh Tiến (xã Vĩnh Xuân- Trà Ôn).

Trong 6 người ăn, có 4 người ngộ độc phải vào Bệnh viện Đa khoa huyện Trà Ôn. Sau đó 1 trường hợp tiếp tục chuyển Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Tuy nhiên tất cả trường hợp đều ổn định, xuất viện.

Theo ghi nhận đây là vụ ngộ độc thực phẩm thứ 4 tại tỉnh, trong đó gồm 1 vụ ngộ độc thực phẩm do nước uống, còn lại là các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra từ bữa cơm gia đình.

 

Liên quan đến an toàn thực phẩm, đầu tháng 8, thanh tra Sở Y tế phối hợp thanh tra chuyên đề an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nước mắm trong tỉnh. Kết quả trong 23 mẫu (16 mẫu nước mắm, 7 mẫu nước chấm) có 19 mẫu đạt chất lượng, 4 mẫu không đạt và đang mời các cơ sở để xử lý.

Trước đó hôm 2/5, cơ quan y tế ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm tại một gia đình ở ấp Tân Phú (xã Tân Hòa- TP Vĩnh Long).

Bữa cơm gia đình này có canh xương đầu heo hầm củ cải đỏ, bắp cải, củ sắn. 5 người ăn đều bị ngộ độc, 3 trường hợp được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa TP Vĩnh Long, sau đó 2 người chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long.

Trước nữa, tháng 3, nhóm lao động ở thị trấn Trà Ôn uống nước đá lạnh để qua đêm và bị ngộ độc thực phẩm, được đưa vào Bệnh viện Trà Ôn, sau đó ổn và xuất viện.

Bác sĩ Trần Văn Ba- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trà Ôn- cho biết đơn vị đến nay tiếp nhận điều trị các trường hợp ngộ độc thực phẩm do nước uống, mắm tép và canh hầm vịt trên địa bàn huyện và ở Tam Bình đưa qua.

Tất cả ca ngộ độc thực phẩm đến nay được cấp cứu kịp thời và đã xuất viện. Chỉ có ca nặng chuyển lên TP Cần Thơ theo dõi và xuất viện sau đó. “Ở góc độ điều trị, chúng tôi luôn sẵn sàng thuốc men, dịch truyền để điều trị kịp thời khi có ca ngộ độc thực phẩm, khi có yêu cầu thì phối hợp trung tâm y tế huyện lấy mẫu và báo cáo theo quy định”- bác sĩ Trần Văn Ba nói.

Thức ăn nhiễm vi sinh

Bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Vĩnh Long- thì nói ở góc độ dự phòng, đơn vị cũng phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh để lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm khi có vụ ngộ độc.

Thường mẫu bệnh phẩm sẽ được bệnh viện lấy tại đó hoặc trung tâm y tế huyện lấy tại cộng đồng để gửi về trên. “Có những mẫu bệnh phẩm đơn vị đủ điều kiện thì xét nghiệm và đưa kết quả: rau củ quả có dư lượng thuốc trừ sâu, vi khuẩn, vi rút. Còn những mẫu bệnh phẩm phức tạp hơn thì gửi tuyến trên kiểm tra”.

Lấy mẫu để kiểm tra, cơ quan y tế mới đây xác định vụ ngộ độc thực phẩm từ món canh hầm thịt vịt ở Vĩnh Xuân là do vi sinh. Theo ngành y tế, có vụ ngộ độc thực phẩm được xác định do nhiễm vi sinh, nhưng có vụ không rõ nguyên nhân do không lấy được mẫu để kiểm tra.

Vấn đề đặt ra trong khi các cơ quan chức năng chỉ thanh tra, kiểm tra ở những hàng quán, bếp ăn tập thể có quy mô với thực phẩm phổ biến: thịt heo, gà, bò, hải sản, rau cải, các sản phẩm từ thịt, các loại gia vị, phụ gia,... và tình hình ngộ độc từ những món ăn trong bữa cơm do gia đình chế biến như vậy thì mọi người không được chủ quan. Nguy cơ ngộ độc có thể đến từ nồi canh hầm, hủ mắm tép, ơ thịt kho,... như đã từng xảy ra.

Các bác sĩ cũng khuyên người dân trước hết cần cẩn thận cho mình và gia đình trước miếng ăn thức uống hàng ngày, để hạn chế rủi ro “đau bụng, nhức đầu, chóng mặt, tiêu chảy...”, do bị hoặc nghi ngộ độc thực phẩm.

 

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Vĩnh Long cho biết đang chuẩn bị kế hoạch để triển khai đảm bảo an toàn thực phẩm trong mùa bão, lũ năm 2016; tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các khu du lịch, khu nghỉ dưỡng, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh; đồng thời đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu năm nay.

™Bài, ảnh: MINH THÁI