Chủ động tiêm ngừa, ngăn tử vong do bệnh dại

Cập nhật, 05:24, Thứ Sáu, 11/12/2015 (GMT+7)

Trong thông báo mới nhất của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay tại 20 tỉnh- thành khu vực phía Nam, số trường hợp tử vong do bệnh dại tăng trên 50% (10 ca) so cùng kỳ năm 2014. Đáng nói hơn, nhiều trường hợp tử vong xuất hiện mới ở những địa bàn trước đây không có.

Để ngăn nguy cơ mắc bệnh dại, không nên chủ quan nghĩ chó, mèo nuôi nhà, mà bỏ qua việc tiêm ngừa một khi bị chúng cào, cắn.
Để ngăn nguy cơ mắc bệnh dại, không nên chủ quan nghĩ chó, mèo nuôi nhà, mà bỏ qua việc tiêm ngừa một khi bị chúng cào, cắn.

Chủ động tiêm phòng, ngăn ngừa bệnh dại

Năm 2014, thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng Vĩnh Long, toàn tỉnh có 13.572 người dân đến tiêm vắc xin/huyết thanh phòng bệnh dại khi bị chó, mèo cắn. Đầu năm nay đến tháng 10, số này là 10.258 trường hợp.

Theo bác sĩ Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm thuộc Trung tâm Y tế dự phòng, tùy vết thương hay nguy cơ ảnh hưởng đến hệ thần kinh, não bộ mà bác sĩ chỉ định ngoài tiêm vắc xin còn có tiêm thêm huyết thanh phòng dại.

Cả tỉnh hiện có 33 điểm tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh dại ở tất cả các trung tâm y tế tuyến huyện, trung tâm y tế dự phòng và các cơ sở y tế khác. Trong đó, duy nhất Trung tâm Y tế dự phòng là có tổ chức tiêm huyết thanh trong trường hợp cần thiết.

Bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long- xác nhận nhiều năm qua tỉnh không ghi nhận trường hợp mắc hoặc nghi bệnh dại (từ năm 2008 đến nay). Kết quả là do người dân đã chủ động đi tiêm vắc xin khi bị chó, mèo cắn; nhờ đơn vị thú y chủ động, tích cực tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo hàng năm; và nhờ chương trình tiêm phòng bệnh dại miễn phí cho người nghèo, đối tượng chính sách mà UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch triển khai từ năm 2013 đến nay.

“Nếu một người nào đó bị chó, mèo cắn, thì sau khi rửa sạch vết thương, nên đến ngay cơ sở y tế để tiêm ngừa sớm, tiêm đúng lịch để phòng bệnh”- bác sĩ Mạc Thu Hà- Phó Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm khuyến cáo.

Nói về thông báo của Viện Pasteur gửi 20 tỉnh- thành khu vực phía Nam đánh giá tử vong do bệnh dại đang tăng cao, bác sĩ Mạc Thu Hà nhìn nhận nguyên nhân đa số là các trường hợp chủ quan, không đi tiêm ngừa.

“Phía y tế luôn muốn mỗi người dân phải chủ động ý thức việc đi tiêm phòng một khi bị chó, mèo cắn để giảm đến mức thấp nhất nguy cơ mắc và tử vong do bệnh dại trong cộng đồng”- bác sĩ Mạc Thu Hà nói.

Mắc bệnh dại vì nghĩ chó nuôi, tự đắp thuốc,...

Theo Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, số ca tử vong do bệnh dại tăng trên 50%, đặc biệt có ca tử vong xuất hiện ở các địa phương tuyến huyện mà nhiều năm qua không có. 100% các ca tử vong do không đi tiêm vắc xin/huyết thanh sau khi phơi nhiễm với nhiều lý do như: chủ quan nghĩ chó nhà nuôi, tự đi lấy nọc, đắp thuốc Nam, không biết việc phải đi tiêm vắc xin,...

Đối tượng truyền bệnh dại cho người chủ yếu là chó, mèo, qua các vết cắn, trầy xước do va chạm với chúng gây ra. Để ngăn ngừa bệnh từ xa, biện pháp tốt nhất là tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo.

Theo cơ quan này, công tác tập huấn giám sát phòng chống bệnh dại đã được triển khai cho cán bộ chuyên trách dại của trung tâm y tế dự phòng, bệnh viện các tuyến và trung tâm y tế tuyến huyện là điểm nóng bệnh dại năm 2014, 2015. 

Tuy vậy, việc giám sát, lấy mẫu bệnh phẩm trường hợp dại hay nghi dại cũng như báo cáo chưa đầy đủ, kịp thời ở một số địa phương, ảnh hưởng đến xử lý phòng chống dịch bệnh. Trước tình hình trên, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh yêu cầu các trung tâm y tế dự phòng, bệnh viện đa khoa khu vực, bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh ở 20 địa phương phía Nam, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh tăng cường công tác giám sát, phòng chống bệnh dại.

Theo đó, yêu cầu ngành y tế các địa phương chỉ đạo tăng cường giám sát, phòng chống bệnh dại tại địa bàn, tiêm vắc xin/huyết thanh phòng dại theo quy định Bộ Y tế. Thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm các ca dại/nghi dại gửi Viện Pasteur xét nghiệm và báo cáo ca dại hay nghi dại trong vòng 24 giờ, báo cáo định kỳ hàng tháng.

Tăng cường truyền thông phòng chống bệnh dại trên người tại các điểm tiêm phòng dại để người dân hiểu và đi tiêm ngừa ngay sau khi bị súc vật nghi dại cắn, cào, tránh việc tự đi lấy nọc, chữa trị bằng thuốc Nam, thuốc gia truyền. Cơ quan y tế dự phòng phối hợp ngành thú y địa phương thông tin tình hình bệnh dại ở động vật, đồng thời triển khai các biện pháp giám sát, phòng chống dịch khi có ổ dịch dại.

Bác sĩ Trần Văn Út- Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long- mới đây đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện theo yêu cầu của viện Pasteur.

Tùy vết thương chó mèo cắn, cào đối với người mà bác sĩ chỉ định tiêm vắc xin, huyết thanh phòng bệnh dại. Theo Trung tâm Y tế dự phòng Vĩnh Long, tổng liều vắc xin phòng dại tùy trường hợp tiêm ngừa có giá từ khoảng 440.000 đến hơn 800.000 đồng. Huyết thanh được tiêm tính theo cân nặng của người đó, nên chi phí tiêm ngừa cao hơn.

Bài, ảnh: MINH THÁI