Bệnh tâm thần- trị sớm, phục hồi tốt

Cập nhật, 14:16, Thứ Sáu, 29/11/2013 (GMT+7)


Em Vy trong vòng tay yêu thương của mẹ.

Thời gian qua, chương trình bảo vệ sức khỏe tâm thần tại cộng đồng đã giúp bệnh nhân tâm thần trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long được quản lý, chăm sóc và điều trị hiệu quả.

Tỉnh Vĩnh Long hiện có gần 4.400 người bị bệnh tâm thần, người bị rối nhiễu tâm trí cần được chăm sóc, trợ giúp, nhưng mới có hơn 3.050 người được hưởng trợ cấp xã hội; trong đó gần 3.020 người được hưởng trợ cấp tại cộng đồng và 42 người đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Hiện, tỉnh đang quản lý để hướng dẫn phục hồi chức năng tại cộng đồng là 396 người.

Ngành y tế Vĩnh Long đã triển khai đến tất cả các huyện- thị- thành Dự án Bảo vệ sức khỏe tâm thần tại cộng đồng. Vào ngày 14 hàng tháng, người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân đến các trạm y tế nhận thuốc, nghe hướng dẫn trị liệu.

Nếu bệnh nhân đúng ngày quy định mà không đến trạm nhận thuốc thì các cán bộ y tế trực tiếp đi cấp thuốc cho người bệnh tại gia đình kết hợp theo dõi trị liệu của bệnh nhân tại cộng đồng. Dự án này không chỉ giúp người bệnh ổn định sức khỏe mà còn giúp gia đình người bệnh giảm chi phí rất nhiều so với việc phải đi lại, khám chữa bệnh tại các bệnh viện.

Chú Võ Hồng Gấm (50 tuổi, Phường 1- TP Vĩnh Long) phát bệnh tâm thần hơn 30 năm. Em dâu chú- cô Trần Thị Muối cho biết: “Hồi trước ảnh đập phá dữ lắm, rượt bà già chạy nữa nhưng nhờ điều trị và được uống thuốc do trạm y tế cấp hàng tháng nên bệnh đỡ nhiều lắm, không còn quậy nữa”.

Cầm trên tay bịch thuốc, chú Gấm khoe: “Ngày uống 2 viên đỏ, 1 viên trắng. Tui nhớ uống thuốc đủ. Sáng tui thức 4 giờ rưỡi đi bộ tới 6 giờ về. Khỏe re!”

Bị bệnh động kinh nên em Nguyễn Quốc Anh Vy (Phường 1- TP Vĩnh Long) trông mảnh mai so với tuổi 26. Xe bánh mì trước nhà là phương tiện mưu sinh của gia đình em. Nhìn con gái, mẹ Vy xót xa: “Con bé bị giựt té hoài, đầu bị may mấy lần rồi đó. Nhờ uống thuốc bệnh đỡ hơn nhưng vợ chồng cô cũng coi chừng con hoài. Sợ con té đau”.

Em Vy nắm tay mẹ, ôm mẹ. Cô xúc động: “Vợ chồng cô có mỗi bé Vy là con, lại bệnh tình vậy cũng buồn, thương con lắm chứ. May mà có dự án cấp thuốc miễn phí, chứ trước đó uống thuốc mua bệnh viện không hà”.

Cô Nguyễn Thị Kim Sang- y sĩ Trạm Y tế Phường 1 cho biết: “Hiện trạm cấp phát thuốc cho 30 đối tượng bị tâm thần phân liệt và 15 đối tượng bị động kinh. Các khâu cấp phát thuốc được trạm thực hiện nghiêm ngặt, kết hợp với theo dõi, quản lý và tăng cường sự trao đổi với gia đình người bệnh giúp các y- bác sĩ nắm bắt kịp thời diễn biến tâm lý đồng thời có hướng điều trị kịp thời”.

Theo Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long, qua theo dõi việc thực hiện Dự án Bảo vệ sức khỏe tâm thần tại cộng đồng, đến hết tháng 10/2013 có 137/212 người mắc chứng tâm thần phân liệt, 99/149 người mắc bệnh động kinh và 11/11 người mắc chứng trầm cảm trên địa bàn có kết quả phục hồi chức năng tốt, số còn lại phục hồi khá, không còn ai có các hành vi gây nguy hại cho gia đình và cộng đồng như khi chưa được tham gia Dự án Bảo vệ sức khỏe tâm thần tại cộng đồng.


Chú Gấm luôn nhớ uống thuốc đúng liều mỗi ngày.

Hiện nay, Vĩnh Long tập trung xây dựng, nâng cấp cơ sở bảo trợ xã hội, đầu tư trang thiết bị cho cơ sở theo hướng nuôi dưỡng, tổ chức lao động trị liệu, trị liệu tâm lý kết hợp phục hồi luân phiên cho người bệnh tâm thần.

Sở Y tế Vĩnh Long đã tổ chức 11 lớp tập huấn nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe tâm thần cho 220 nhân viên, cộng tác viên y tế; tập huấn kỹ năng phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho người khuyết tật dạng thần kinh, tâm thần cho 78 nhân viên y tế.
 
Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh kết hợp với Trường Đại học Lao động- Xã hội (cơ sở II) tổ chức 3 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng năm 2013 cho 140 cán bộ xã- phường ở 4/8 huyện- thị- thành.

Nhờ làm tốt công tác chăm sức khỏe tâm thần tại cộng đồng đã góp phần quan trọng giúp người bệnh hòa nhập với gia đình và cộng đồng, hạ thấp tỷ lệ bệnh tái phát. Qua đó, góp phần tích cực vào công tác đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Bệnh tâm thần là do rối loạn hoạt động của não bộ, gây nên những biến đổi bất thường về lời nói, ý tưởng, hành vi, tác phong, tình cảm...
 
Bệnh không gây chết đột ngột nhưng làm giảm sút khả năng lao động, học tập, làm đảo lộn sinh hoạt, gây căng thẳng cho các thành viên trong gia đình và tổn hại về kinh tế, nếu không được chữa trị kịp thời dẫn đến trạng thái tâm thần sa sút, người bệnh trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

 Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG