Sơ cứu người ngạt nước

Cập nhật, 14:06, Thứ Năm, 30/05/2013 (GMT+7)

Thời gian gần đây, ở nhiều nơi liên tục xảy ra các vụ học sinh chết đuối thương tâm. Theo các bác sĩ và nhà chuyên môn, cứu người bị nạn dưới nước phải có kỹ năng, đặc biệt là phải biết cách sơ cứu ban đầu mới hi vọng cứu sống nạn nhân.


Các em thiếu nhi học bơi tại CLB bơi lội Kỳ Đồng, Q.3, TP.HCM - Ảnh: Minh Đức

Các bác sĩ cho biết trong số bệnh nhân bị nạn do ngạt nước được đưa vào bệnh viện cấp cứu thì đa số ở lứa tuổi đang học cấp II, cấp III. Đây là lứa tuổi tò mò, thích mạo hiểm, hiếu kỳ.

Trái với suy nghĩ của nhiều người là chết đuối chỉ xảy ra ở những trẻ không biết bơi, trong thực tế các bệnh viện vẫn tiếp nhận nhiều trẻ biết bơi mà vẫn bị nạn. Lý do là trong lúc bơi trẻ bị vọp bẻ, bị kiệt sức hoặc bơi ở vùng nước chảy xiết...

Những cảnh báo

Bác sĩ Lê Hoàng Sơn - giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ - cho biết thời gian qua có nhiều trẻ bị chết là do các trường nghỉ hè, học sinh rảnh rỗi nên thường rủ nhau đi tắm sông, suối, ao, hồ... Từ đầu năm đến nay bệnh viện tiếp nhận 12 trường hợp trẻ em bị ngạt nước đến cấp cứu, đó là chưa kể các trường hợp đưa đến bệnh viện quận huyện và nhiều trường hợp đã chết trước khi đến nơi cấp cứu.

Vụ chết đuối gần đây nhất (ngày 18-5) tại Cần Thơ là ở khu vực Long Thạnh A, phường Thốt Nốt. Trong vụ này có Đoàn Quốc Anh, Đoàn Minh Tuệ con ông Đoàn Minh Cảnh và cháu Nguyễn Văn Quang bị nạn. Gia đình ông Cảnh cho hay lúc đến nơi thì thấy thi thể mấy đứa nhỏ được vớt lên nằm vắt ngang trên bờ đê.

Nhiều người cản không cho ông Cảnh vào vì sợ “kỵ”, những người cứu được vác các cháu nạn nhân lên vai chạy vòng vòng để xốc nước theo cách dân gian, khoảng 30 phút sau mới chở đến Bệnh viện đa khoa Thốt Nốt nhưng chỉ có Nguyễn Văn Quang (8 tuổi) còn thấy có nhịp tim nên bác sĩ cho cháu thở máy và chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ.

Bác sĩ Hà Anh Tuấn - trưởng khoa hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Nhi đồng - nói: “Bệnh nhân đưa đến quá muộn và không được sơ cứu tại hiện trường đúng cách nên đến bệnh viện thì ngưng thở, dù đã được tích cực cứu chữa nhưng tim phổi bệnh nhân rất yếu. Thấy vậy, gia đình xin về và sau đó cháu tử vong”.

Bác sĩ Tuấn cho biết đối với người bị nạn do cũng có thời gian vàng, nếu vớt lên được sơ cấp cứu tại chỗ đúng cách trước khi đến bệnh viện thì khả năng sống sẽ cao hơn. Bác sĩ Hà Anh Tuấn cảnh báo có khá nhiều loại kinh nghiệm dân gian sai lầm trong việc cấp cứu cho người bị đuối nước, khiến nạn nhân chết do thiếu ôxy quá lâu hoặc sống cũng để lại di chứng nặng nề.

Sơ cứu tại chỗ rất quan trọng

PGS.TS Đoàn Thị Ngọc Diệp, trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM, nói cách sơ cứu tại chỗ và đúng kỹ thuật sẽ quyết định đến sự sống còn hay di chứng não của người bị ngạt nước. Đầu tiên, khi đưa người ngạt nước lên cần kiểm tra xem người đó có thở được hay không.
 
Nếu người bị nạn không thở được cần phải hồi sức ngay. Nếu trẻ bị ngạt nước tại sông suối, kênh, rạch... cần kiểm tra xem có vật gì trong miệng và nhanh chóng lấy ra. Tiếp đến là tiến hành hà hơi thổi ngạt cho người bị nạn.

Sau khi hà hơi thổi ngạt (nhiều nhất là năm lần) mà người bị nạn vẫn chưa thở được, hoặc tím tái hôn mê thì xem như tim của người bị nạn đã ngưng đập và cần ấn tim ngoài lồng ngực cho nạn nhân. Ấn vào vùng nửa dưới xương ức của nạn nhân theo các cách sau:

1. Trẻ dưới 1 tuổi, dùng hai ngón tay cái ấn ở vị trí giữa và dưới đường nối hai đầu vú khoảng bằng bề ngang một ngón tay.

2. Trẻ trên 1 tuổi và người lớn, dùng hai bàn tay đặt chồng lên nhau ấn vào phía trên mỏm ức khoảng 2 lần bề ngang của ngón tay.

Thời gian sơ cứu cho người bị ngạt nước được tính bằng giây, bằng phút nhưng thực tế cho thấy nhiều người lại không sơ cứu hoặc sơ cứu không đúng cách, dẫn đến người ngạt nước tử vong hoặc bị di chứng não do thiếu ôxy.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Nhân, trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết cách sơ cứu không đúng thường gặp là dốc ngược người bị ngạt nước, vác trên vai chạy vòng vòng để xốc nước ra ngoài.

Nhiều người nghĩ rằng khi bị ngạt nước, nước sẽ vào đầy phổi nhưng thật ra lượng nước vào phổi rất ít và lượng nước này sẽ được tống xuất ra ngoài khi người bị nạn thở lại. Việc xốc nước này đã làm mất thời gian vàng trong sơ cứu bệnh nhân.
 
Cũng theo bác sĩ Ngọc Diệp, có người cho rằng người bị ngạt nước thường bị lạnh nên đốt lửa trong lu để lăn người bị nạn lên trên cho ấm. Cách làm này cũng làm người bị nạn có thể bị phỏng, làm tụt huyết áp...

Theo bác sĩ Ngọc Diệp, để phòng ngừa ngạt nước, nhà trường nên dạy trẻ học bơi đồng thời dạy trẻ biết cách cứu người bị ngạt nước. Những gia đình có trẻ nhỏ nên đậy kín các vật chứa nước trong nhà và không cho trẻ chơi một mình gần ao, hồ, kênh, rạch, sông, suối...

Theo SK&ĐS