Lo châm cứu thất truyền

Cập nhật, 12:52, Thứ Sáu, 31/05/2013 (GMT+7)


Người dân vẫn có sự tin tưởng nhất định đối với phương pháp trị liệu cổ truyền này tại các địa bàn trong tỉnh.

Trong bối cảnh y học hiện đại ngày càng phát triển, những vị thầy thuốc tâm huyết với trị liệu châm cứu có cơ sở để lo lắng khả năng mai một của phương pháp điều trị y học cổ truyền này. Cũng như nguy cơ thất truyền của một nghề khi mà lớp tiền nhân nay đã già và việc đào tạo lớp hậu duệ còn thiếu mặn mà, nặng nề hình thức.

“Phủ sóng” phương pháp trị liệu cổ truyền

Theo Hội Châm cứu tỉnh Vĩnh Long, trong năm 2012, hoạt động điều trị của các cấp hội đạt 355.410 lượt người, trong đó châm cứu xung điện chiếm trên 322.000 lượt người. Con số “ấn tượng” này đến từ công tác kiện toàn phát triển các cấp hội, tổ hội, đội ngũ kỹ thuật viên thời gian qua.
 
Tổng giá trị quy thành tiền trong hoạt động châm cứu xung điện đạt trên 1,6 tỷ đồng. Tính đến hiện tại có 11 đơn vị trực thuộc tỉnh hội với tổng số 315 hội viên, 7/8 huyện- thị- thành đều có hội châm cứu, trừ huyện Bình Tân chưa đại hội thành lập hội.

Lương y đa khoa Lê Bình An- Chủ tịch Hội Châm cứu tỉnh Vĩnh Long và cũng là Phó Chủ tịch Hội Châm cứu Việt Nam, phụ trách khu vực ĐBSCL- cho biết, đến nay Hội Châm cứu Vĩnh Long đã được Trung ương hội chuyển giao phác đồ điều trị 59 bệnh.

Đó là các bệnh lý rất thường gặp ở người dân như: chứng phong kinh lạc tạng thủ (các bệnh tai biến: liệt chi trên, liệt chi dưới, liệt mặt), chứng túy (các bệnh đau nhức), vị quản thống (bệnh bao tử), bế kinh (kinh nguyệt không đều),...

“Đây hầu hết là những bệnh mà tỉnh hội đã kinh qua, điều trị hiệu quả cao. Sắp tới chúng tôi sẽ triển khai rộng rãi phác đồ điều trị các bệnh lý này cho hội trực thuộc và các tỉnh hội trong khu vực có nhu cầu”- Lương y Lê Bình An cho biết.

Cũng theo ông, Trung ương Hội Châm cứu Việt Nam cũng thống nhất thành lập văn phòng tại Vĩnh Long để điều hành công tác hội tại ĐBSCL. Đây là điều kiện tốt để hội viên các tỉnh thành khu vực liên kết chặt chẽ, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao chất lượng hoạt động hội nói chung, giúp chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân.

Hiện tại, tỉnh hội phấn đấu khám điều trị từ 15- 30 người/ngày, huyện hội 14- 20 người/ngày, tuyến cơ sở khoảng 10 người/ngày. Tỉnh hội khuyến khích các cấp hội tăng cường kết hợp Đông y, y tế cơ sở mở rộng khám điều trị bằng phương pháp châm cứu không dùng thuốc.

Lo mai một, sợ thất truyền!

Ông Nguyễn Văn Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long- trong lễ trao quyết định cho Lương y đa khoa Lê Bình An phụ trách chức danh Phó Chủ tịch Trung ương Hội Châm cứu Việt Nam mới đây- bày tỏ vui mừng, vinh dự khi tỉnh có người giữ vai trò cao trong y học cổ truyền.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho hay, tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện để người đảm nhận cương vị mới này hoàn thành tốt nhiệm vụ, đưa thành tựu châm cứu áp dụng hiệu quả vào chăm sóc sức khỏe người dân, đưa hội ngày càng phát triển...

 

Năm 2012, các cấp hội châm cứu, cơ sở y tế trong tỉnh đã điều trị 355.410 lượt người bằng trị liệu châm cứu, trong đó châm cứu xung điện nhiều nhất với trên 322.000 lượt người. Tổng giá trị quy thành tiền trong hoạt động châm cứu xung điện đạt trên 1,6 tỷ đồng.

Châm cứu Việt Nam được đánh giá rất cao trên thế giới, xếp thứ 2/135 quốc gia có áp dụng phương pháp trị liệu này.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tài Thu- Chủ tịch Hội Châm cứu Việt Nam kiêm Phó Chủ tịch Hội Châm cứu thế giới- cũng vừa có chuyến công tác tại các tỉnh- thành phía Nam để truyền đạt, chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp cho các hội châm cứu địa phương.

Làm việc mới đây với Tỉnh hội Vĩnh Long, Giáo sư Nguyễn Tài Thu đã đánh giá cao nỗ lực và kết quả hoạt động châm cứu mà tỉnh hội đạt được thời gian qua.

Theo Giáo sư Nguyễn Tài Thu, Vĩnh Long là một trong số ít các địa phương đứng đầu cả nước về điều trị, phát triển và xây dựng cơ sở; Hội Châm cứu tỉnh và một số huyện hội được công nhận hội đặc thù; công tác phối hợp giữa Hội Châm cứu và Hội Đông y, hệ thống y tế cơ sở chặt chẽ, hoạt động hiệu quả...

Tuy vậy, trong bối cảnh y học hiện đại ngày càng phát triển, vị thầy thuốc nhân dân 84 tuổi Nguyễn Tài Thu không khỏi lo lắng khả năng mai một của phương pháp điều trị bằng y học cổ truyền này. Và nguy cơ thất truyền của một nghề khi lớp tiền nhân thạo nghề nay đã già và việc đào tạo lớp hậu duệ còn thiếu mặn mà, nặng nề hình thức!...

 

Bài, ảnh: MINH THÁI