"Nội chiến" gia đình

Cập nhật, 15:55, Thứ Năm, 27/09/2018 (GMT+7)
Một gia đình đầm ấm thì các thành viên phải cùng nhau vun đắp.  Ảnh minh họa
Một gia đình đầm ấm thì các thành viên phải cùng nhau vun đắp. Ảnh minh họa

Trong gia đình, mối quan hệ giữa nàng dâu và mẹ chồng đã lắm chuyện, nói chi đến trong một nhà mà có 2 nàng dâu cùng sống chung với mẹ chồng. Nếu không bình tĩnh và có thiện ý xây dựng mối quan hệ ôn hòa thì gia đình sẽ có một cuộc chiến không hồi kết.

Đó là trường hợp gia đình cô N.T. S. (60 tuổi), cô có 2 con trai đều đã đi làm, cưới vợ và có con nhỏ. Nhà ở vườn rộng rãi, lại chưa đủ điều kiện ra riêng nên cả 2 cặp vợ chồng đều sống chung với vợ chồng cô.

Cô con dâu lớn ở nhà nội trợ, dâu nhỏ thì làm công nhân nên phải đi làm từ sáng sớm đến chiều tối mới về tới nhà. Một hai ngày đầu còn vui vẻ niềm nở với nhau, nhưng dần qua ngày tháng, vì ở nhà phải làm việc quần quật phụ với mẹ chồng cũng có phần hơi khó tính, nên cô dâu lớn cảm thấy mệt mỏi và ganh tị.

Cô so bì với em dâu, đi suốt ngày về tới là có cơm ăn liền đã vậy còn được mẹ chồng cưng chiều, vì đi làm có tiền thỉnh thoảng mua vài món về nhà hoặc tặng cha mẹ chồng vài thứ cần thiết. Cô em dâu lại là người khá biết ăn nói lấy lòng cha mẹ chồng nên luôn được mẹ chồng bênh vực

Cô dâu lớn ngày càng tỏ thái độ khó chịu, cau có trong nhà, thậm chí chẳng thèm chào hỏi, cười nói với em dâu, có món gì ăn ngon cũng không thèm mời vợ chồng em chồng. Cô em dâu cũng chỉ quan tâm lấy lòng cha mẹ chồng, cũng không hề muốn ôn hòa, nhỏ nhẹ với anh chị chồng. Không khí gia đình từ đó ngột ngạt, căng thẳng.

Vì thấy thái độ của 2 chị em bạn dâu như thế nên mẹ chồng lên tiếng “dạy bảo” lại 2 cô con dâu, nhưng cô S. lại có phần không công bằng với cô dâu lớn nên giữa mẹ chồng và nàng dâu tiếp tục mâu thuẫn.

Còn 2 anh con trai thì mạnh ai nấy bênh vợ mình khiến chuyện xích mích dẫn đến tranh cãi. Đến chuyện của mấy đứa trẻ nhỏ trong nhà chơi đùa cùng nhau, xảy ra xô xát chảy máu thì vấn đề càng đi xa hơn đến nỗi chồng cô S. cũng không giải quyết được ổn thỏa.

Mâu thuẫn gia đình có thể xảy ra với bất kỳ ai và vào bất kỳ thời điểm nào trong cuộc sống. Một mái nhà với nhiều thành viên thì hiển nhiên sẽ có bất đồng về nhiều thứ. Điều quan trọng là khi mâu thuẫn xảy ra, ta biết cách xử lý và hòa giải như thế nào cho êm thắm mọi việc.

Tạo dựng được một nếp nhà tốt, bền vững đòi hỏi người trụ cột trước hết phải ý thức được vai trò của gia đình; hiểu rõ được tính nết mỗi thành viên và biết cách cư xử, cách giải quyết những tình huống, những mâu thuẫn xảy ra cho phù hợp.

Không có công thức chung cho việc giải quyết từng mâu thuẫn vì “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, mỗi người mỗi tính... nhưng theo các chuyên gia thì vẫn có những nguyên tắc, yêu cầu chung trong việc giải quyết các loại mâu thuẫn gia đình đạt được hiệu quả cao nhất.

Khi mâu thuẫn xảy ra, người trong cuộc sẽ luôn cảm thấy lý lẽ của mình là đúng đắn và không có ý muốn hạ mình nhường nhịn, nhưng để tránh phải hối hận về sau khi có những lời nói, hành động không hay lúc nóng giận thì trước hết là cần phải bình tĩnh, giảm cơn tự ái cá nhân, đề phòng tính ích kỷ của bản thân. Đừng khoét sâu mâu thuẫn khi chỉ nhìn vào cách cư xử hiện tại của đối tượng, không nên chỉ nhìn thấy mặt tiêu cực của đối tượng.

Cố gắng khách quan đánh giá cách xử sự của bản thân, điểm nào được, điểm nào chưa được hoặc chưa thích hợp, đặt mình vào vị trí của đối tượng để tìm nguyên nhân mâu thuẫn.

Nhận thức đúng mới có biện pháp và hành động đúng. Quan trọng là giải quyết các mâu thuẫn trên cơ sở tình nghĩa, không đem lý lẽ, pháp luật ra thách đố; không lấy lợi ích vật chất, tinh thần cá nhân ra so đo, tị nạnh, tính toán hơn thua; thuyết phục hơn đấu trí và sẵn sàng nhường nhịn.

Vì dù sao đi nữa thì cuối cùng mọi người vẫn sống chung một mái nhà, ra vô đụng mặt mà mâu thuẫn không nhìn mặt nhau thì rất khó chịu, ngột ngạt, không dễ gì sống thoải mái. Là người thân chung nhà thì không nên hơn thua nhau từng chút một mà mỗi người nên dẹp bỏ cái tôi nhường nhịn nhau, một tập thể đoàn kết thì mới phát triển được.

Cuộc sống gia đình có yên ổn, con người mới có sức sống, sức vươn lên. Mỗi người chúng ta nên tỉnh táo, xử lý thông minh khéo léo trước những vấn đề của gia đình, đừng để chuyện bé xé ra lớn, biến gia đình thành một trận chiến, ảnh hưởng xấu đến hạnh phúc gia đình.

Bài, ảnh: ĐĂNG KHÔI