Nỗi khổ làm mẹ kế

Cập nhật, 17:21, Thứ Năm, 26/07/2018 (GMT+7)

Làm mẹ đã khó, làm mẹ kế càng khó hơn. Nếu quyết định lấy một người đàn ông có con riêng, bạn sẽ phải đối mặt với rào cản giữa mẹ kế- con chồng. Bạn cần trang bị cho mình tâm lý, thời gian, sự kiên nhẫn và nhiều thứ khác nữa mới có thể xây dựng được một mái ấm gia đình thật sự.

Trẻ sẽ phát triển tốt trong một gia đình có đủ tình yêu thương. Ảnh minh họa
Trẻ sẽ phát triển tốt trong một gia đình có đủ tình yêu thương. Ảnh minh họa

“Mấy đời bánh đúc có xương. Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng”, khi nghe nói đến dì ghẻ hay mẹ ghẻ là người ta có ác cảm ngay và tưởng tượng đến những hình ảnh như người mẹ kế luôn ác độc, hành hạ con chồng tàn nhẫn trong câu chuyện Tấm Cám.

Thực tế xã hội ngày nay cũng có rất nhiều trường hợp giống như thế đã được phát hiện và can thiệp kịp thời hoặc chưa phát hiện. Tuy nhiên, cũng có không ít người mẹ kế lại rất đôn hậu, dịu hiền, hết mực thương yêu chăm lo cho con chồng và nhận được tình cảm tốt đẹp từ con chồng nên gia đình luôn hạnh phúc.

Chỉ khi người phụ nữ chuẩn bị trở thành mẹ kế mới hiểu được cái dễ và cái khó của mình để có thể trở thành mẹ một đứa trẻ “con người ta”.

Cô em họ tôi- H.V. (25 tuổi) đang trong tâm trạng lo lắng rối bời vì vừa phải tìm cách thuyết phục cha mẹ để họ hoàn toàn yên tâm, tin tưởng cho cô kết hôn với người đàn ông ngoài 30 đã có một đời vợ và đứa con trai riêng 5 tuổi.

Cũng vì chữ yêu quá sâu đậm mà theo 2 người trong cuộc là “một nửa tâm hồn gặp nhau muộn”, tình yêu chân thành của họ không gì cản trở được, họ quyết đến với nhau mặc cho nhiều rào cản phía trước.

Cha mẹ H.V. khóc hết nước mắt cho cô con gái rượu cũng không làm sao khiến cô hồi tâm, nên cuối cùng cũng phải đồng ý với tâm trạng nặng nề. Hiện, điều H.V. đang lo lắng là không làm sao tiếp cận được với đứa con riêng của chồng.

Thằng bé tuy mới 5 tuổi nhưng rất lanh lợi, khôn ngoan và bé tỏ thái độ không muốn nói chuyện, tiếp xúc mỗi khi gặp H.V. Bé nói với cha rằng: “Con ghét dì đó, con không muốn cha và dì đó cưới nhau”.

H.V. đã tìm đủ mọi cách làm thân với bé từ cho kẹo bánh, chở đi siêu thị hay đi công viên chơi nhưng đều nhận được sự khó chịu, xa cách của bé. H.V. rất buồn và lo lắng cuộc sống chung sắp tới sẽ ngột ngạt, nặng nề biết bao.

Để có cuộc hôn nhân thành công với người đã có con riêng thì phải có sự chuẩn bị tâm lý, một trái tim người mẹ thật sự và nhiều thứ khác để xóa đi rào cản ấy.

Đứa trẻ ấy càng nhỏ thì càng dễ. Bởi nó chưa có định kiến, chưa có lo lắng, sợ hãi trước một bà mẹ kế. Nó là đứa trẻ ngây thơ, hoàn toàn trong sáng, nên luôn sẵn sàng yêu thương bạn vô điều kiện.

Nó tìm ở bạn nguồn hơi ấm đang thiếu khi nó không còn được sống với mẹ nữa. Còn đối với những đứa trẻ lớn, chúng không thể nào chấp nhận việc có một người phụ nữ lạ trong nhà mà người đó không phải mẹ chúng. Sự hiện diện của bạn có thể khiến chúng bị ảnh hưởng tâm lý lâu dài.

Nếu bạn muốn thay đổi tình cảm của chúng, bạn phải xác định đó là một việc làm rất khó khăn. Nếu bạn yêu thương chúng chân thành, không xem con riêng của chồng là một gánh nặng, một cái gai thì với sự nhiệt tình, kiên trì và nhẹ nhàng, bạn sẽ sớm được chúng chấp nhận và yêu thương thôi.

Hầu hết những đứa con riêng của chồng đều không vui vẻ khi bắt buộc phải chung sống với một “người lạ”, thậm chí căm ghét bạn vì cho rằng bạn không chỉ cướp chồng của mẹ mà bạn còn tranh giành tình yêu thương, sự quan tâm của cha chúng.

Nhiều bà mẹ kế đã không thể giữ bình tĩnh trước sự phản kháng dữ dội của đứa con riêng và tức giận trút lên người chồng hoặc đánh mắng đứa trẻ. Điều đó sẽ gây hậu quả không hay khiến ác cảm càng tăng.

Chuyên gia tâm lý khuyên rằng, để thay đổi một thói quen là điều không dễ, vì vậy phải hết sức kiên nhẫn và bình tĩnh mới hy vọng đứa con riêng của chồng vào nề nếp. Đừng bao giờ nôn nóng “uốn nắn” con trẻ theo ý mình ngay những ngày đầu, sẽ khiến bạn trở thành “mụ dì ghẻ độc ác” trong mắt chúng.

Không nên “gồng mình” hay giả vờ yêu thương đứa con riêng của chồng vì chúng rất nhạy cảm. Khi nhận ra sự thật, chúng càng xa lánh bạn. Để đứa trẻ chịu giao tiếp và chấp nhận bạn thì phải bao dung và nhẫn nhịn.

Bạn hãy dành nhiều thời gian, thật nhẹ nhàng, khéo léo tìm hiểu tâm tính, sở thích, ưu khuyết điểm của trẻ để có cách “thuần phục” thích hợp.

Hãy tìm cách gần gũi trẻ, giao tiếp với trẻ bằng ánh mắt, nụ cười, những cái chạm tay tỏ rõ thiện cảm để chúng hiểu bạn hơn. Với sự cảm thông sâu sắc và tình cảm chân thành, chỉ cần kiên trì chắc chắn bạn sẽ dần có được chỗ đứng trong trái tim đứa con riêng của chồng.

Bài, ảnh: ĐĂNG KHÔI