Dai dẳng nỗi đau bạo lực gia đình

Cập nhật, 06:06, Thứ Tư, 28/06/2017 (GMT+7)

Gia đình là tổ ấm nhưng không ít người vợ đã phải chạy trốn khỏi tổ ấm ấy bởi chính đòn roi của người chồng. Hậu quả lớn nhất không chỉ là tan vỡ hạnh phúc gia đình, gây đau khổ cho người phụ nữ mà còn ảnh hưởng nặng nề tới con trẻ.  

Gia đình hạnh phúc từ sự yêu thương của thành viên.
Gia đình hạnh phúc từ sự yêu thương của thành viên.

Những án mạng đau lòng

Phát biểu tại buổi lễ phát động chiến dịch truyền thông tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) 2017, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định: “BLGĐ đã và đang vi phạm danh dự, nhân phẩm và tính mạng của các nạn nhân, nhất là phụ nữ và trẻ em. Là nguyên nhân làm suy giảm hạnh phúc gia đình”.

Theo kết quả điều tra của Ủy ban Các vấn đề về xã hội, BLGĐ chủ yếu xuất phát từ phía người chồng. Trong đó có đến 63,7% trường hợp là do lạm dụng rượu, bia.

Tháng 4/2014, chỉ vì câu nói của vợ, sẵn có “ma men” trong người, tên nát rượu- người chồng Phan Văn Quy (xã Tân An Thạnh- Bình Tân) đã dùng búa “dạy vợ” khiến vợ bị khuyết sọ, tỷ lệ thương tật 35%.

Nghĩ về tình cảm vợ chồng bao năm, người vợ không yêu cầu bồi thường mà còn có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho chồng... nhưng Quy đã bị kết án 10 năm tù tội “Giết người”.

Gia đình tổ chức đám cúng tuần cho đứa con trai xấu số, nhưng Huỳnh Văn Nghĩa (xã Trung Nghĩa- Vũng Liêm) nhậu vào lại đi đập phá tài sản trong nhà.

Xót của, người vợ trình báo công an khiến Nghĩa ấm ức trong lòng. Mặc dù, Nghĩa làm cam kết không tái phạm nhưng khi về tới nhà, hắn liền ra tay độc ác với vợ. Nghĩa xé mùng làm dây xiết cổ vợ và đè đổ thuốc độc vào miệng vợ. Người vợ chỉ thoát chết trong gang tấc khi được người dân kịp thời giải cứu.

Bia rượu là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra BLGĐ. Điều đáng nói là tình trạng này xảy ra không chừa một ai, trong bất cứ gia đình nào.

Theo chuyên gia tâm lý, khi những ông chồng uống bia rượu, lý trí phần nào đã không còn tỉnh táo. Thêm vào đó, lại bị người vợ do bực bội, dẫn tới chỉ trích, trách móc khiến họ rơi vào trạng thái không thể kiểm soát được hành vi, dù chỉ là trong khoảnh khắc. 

Người trí thức, người lao động chân tay say xỉn đều có thể dẫn đến không tự chủ, đánh đập vợ con. Những người phụ nữ có nguy cơ là nạn nhân của nạn BLGĐ- cần cư xử khéo léo và kiên nhẫn, tránh đôi co với người đang say vì khi ấy, người say không đủ tỉnh táo để suy xét vấn đề.

Phòng chống BLGĐ

11 tuổi, lẽ ra em Đ. (xã An Phước- Mang Thít) phải được sống trong tình yêu thương, đùm bọc của gia đình. Song, giờ đây bé phải sống trong nỗi sợ hãi, kinh hoàng khi bị chính người có máu mủ ruột rà xâm hại mình.

Mẹ bé Đ. lúc đầu khi nghe con kể chuyện bị ông nội và cha xâm hại, chị đã chọn cách im lặng vì sợ hãi những trận đòn của ông chồng có máu bạo hành.

Mẹ Đ. la rầy, không cho con nói vì sợ “tao và mày bị đánh”. Còn Đ. thì: “Cha “quýnh” con, cha với ông nội đòi “quýnh”, hăm chém chết nên con hổng dám nói với ai”. Chính sự im lặng ấy đã khiến em bị nỗi đau dằng xé cả thể xác lẫn tinh thần.

Với trẻ em, gia đình là nơi nương tựa vững chắc nhất trong những năm tháng đầu đời. Được sống cùng người thân, được yêu thương chăm sóc là quyền chính đáng của trẻ thơ.

Được vậy, khi trưởng thành thì trẻ sẽ có lòng nhân ái, tự tin, có sức khỏe và nền tảng trở thành người hữu ích. Ngược lại, nếu con trẻ sống trong gia đình không ấm êm, bị bạo hành thì có thể trẻ sẽ bị tiêm nhiễm thói bạo lực, khiến trẻ từ hiền lành trở nên hung hăng.

Những bé trai dần hình thành suy nghĩ là đàn ông có quyền đánh đập phụ nữ. Còn bé gái sẽ trở nên cam chịu, có ác cảm với đàn ông, dẫn đến nạn bạo hành cứ tiếp diễn.

Có những đứa trẻ lớn lên trong ám ảnh, ngày ngày chứng kiến những vụ BLGĐ. Không ai dám chắc, cuộc sống gia đình sau này của các em sẽ không dành chỗ cho BLGĐ.

Biểu đồ tình trạng bạo lực gia đình tỉnh Vĩnh Long qua các năm.
Biểu đồ tình trạng bạo lực gia đình tỉnh Vĩnh Long qua các năm.

Không ít người nghĩ BLGĐ là “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, bên cạnh còn có BLGĐ về tinh thần. BLGĐ tinh thần gây ra sự ức chế, tổn thương về tinh thần như người phụ nữ không được tham gia bàn bạc các công việc chung trong gia đình, bị chồng đay nghiến về việc sinh con trai hay con gái; chuyện tiền nong, hay bị ép quan hệ tình dục;…

So với các năm trước, tình trạng BLGĐ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã giảm đáng kể, từ khi triển khai mô hình can thiệp phòng, chống BLGĐ tại 52 xã- phường-thị trấn.

Với quyết tâm kéo giảm tối đa nạn BLGĐ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp, nâng cao trách nhiệm của BCĐ công tác gia đình các cấp trong việc phát huy tốt vai trò tham mưu, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống BLGĐ; tăng cường công tác tuyên truyền, phát huy hiệu quả, duy trì, nhân rộng mô hình can thiệp phòng, chống BLGĐ rộng khắp trên địa bàn tỉnh;…

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh yêu cầu trong thời gian tới, để công tác phòng, chống BLGĐ được thực thi hiệu quả, đề nghị các bộ ngành, địa phương và các tổ chức tập thể thực hiện một số nhiệm vụ như:

Thực hiện tốt các quy định của pháp luật và các nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình hành động quốc gia liên quan tới công tác phòng, chống BLGĐ, hướng tới nâng cao chất lượng sống cho người dân, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Đề nghị Bộ VH, TT và DL chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và địa phương tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nhân cách người Việt Nam bắt đầu từ giáo dục đạo đức trong gia đình.

Theo nghiên cứu về BLGĐ ở Việt Nam, khoảng 48% phụ nữ nông thôn, 38% phụ nữ ở đô thị từng trải qua bạo hành thể chất trong đời. Theo số liệu báo cáo của các địa phương, từ 2012- 2016, cả nước đã xảy ra 127.258 vụ BLGĐ. Trong đó, nam giới chiếm 83,69% đối tượng gây thương tích. BLGĐ đã làm tổn hại tinh thần, ảnh hưởng tới kinh tế và năng suất lao động. Gần 80% số vụ ly hôn xuất phát từ BLGĐ.

Luật Phòng, chống BLGĐ có hiệu lực từ tháng 7/2008.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG

TIN LIÊN QUAN