Giữ yêu thương cho gia đình thời @

Cập nhật, 14:21, Thứ Năm, 08/12/2016 (GMT+7)

Con người ngày càng phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ khiến cho sự gắn kết của gia đình không còn bền vững như xưa. Công nghệ phát triển giúp cho cuộc sống chúng ta thêm phong phú và thú vị. Song, ở khía cạnh nào đó, chính công nghệ là tác nhân làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.

Hãy dành thời gian cho con trẻ tiếp xúc với người thân, với thế giới rộng mở bên ngoài, để con tăng khả năng giao tiếp, yêu thương cuộc sống này.
Hãy dành thời gian cho con trẻ tiếp xúc với người thân, với thế giới rộng mở bên ngoài, để con tăng khả năng giao tiếp, yêu thương cuộc sống này.

Ngày nay, sản phẩm công nghệ đã len lỏi đến từng ngóc ngách trong đời sống, công việc và sinh hoạt, mang đến nhiều tiện ích, trải nghiệm mới mẻ cho con người từ thành thị đến nông thôn.

Bên cạnh những lợi ích mà công nghệ mang lại, vẫn có những tác động tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu đến chuẩn mực, giá trị và các mối quan hệ xã hội. Gia đình hiện đại không nằm ngoài cơn bão công nghệ đó. Các thiết bị số len lỏi vào trong từng gia đình đã làm thay đổi như thế nào đến lối sống và quan hệ giữa các thành viên cũng như tương lai con trẻ?

Dịp cuối tuần rảnh rỗi, nhiều gia đình, nhóm bạn trẻ lựa chọn quán cà phê, quán ăn để có dịp ăn uống và thư giãn.

Ra quán cà phê, câu đầu tiên hỏi nhân viên phục vụ là: “Mật khẩu wifi quán là gì?” Có những cuộc gặp mặt nhưng chẳng ai giao tiếp với nhau mà lại cắm cúi điện thoại, có khi họ nói chuyện “ảo” lúc đang ngồi đối diện nhau.

Rồi, có những hình ảnh ba mẹ và con đều chăm chú, dán mặt vào màn hình điện thoại, vừa lướt vừa uống, thi thoảng ngước lên nói với nhau vài câu. Có gia đình, về nhà, ba mẹ con cái nhìn nhau, ngồi với nhau ăn bữa cơm mà mắt thì nhìn chằm chằm màn hình ti vi, tay lướt web. Mỗi người một “khoảng trời riêng” ipad, smartphone,…

Chị Minh Thảo (TP Vĩnh Long) than thở: “Giờ về tới nhà cũng hiếm khi các thành viên sum họp, ngồi trò chuyện cùng nhau. Ai nấy rút vào phòng riêng để “lên mạng”, giờ ăn cơm còn cắm mặt vô điện thoại. Nói thì chồng con trả lời cụt ngủn cụt ngẳn, riết mình như con khùng, nói một mình”.

Không gian sinh hoạt trong gia đình cũng bị chia cắt bởi điện thoại thông minh. Mỗi thành viên, nhất là con trẻ tự cô lập mình với nhu cầu riêng trong thế giới “ảo” mà quên mất rằng, mình có nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu của người thân trong không gian “thực” là gia đình: trò chuyện với ba mẹ, chia sẻ cùng nhau chuyện công việc, học hành, bạn bè; qua lời nói, bằng hành vi cử chỉ.

Điện thoại thông minh, thời đại công nghệ số, thế giới phẳng, nó giúp chúng ta kết nối với những người ở xa ta về mặt địa lý một cách nhanh chóng.

Họ gặp nhau trên facebook, trên điện thoại bất cứ lúc nào. Bác Nguyễn Thị Bảy (Vũng Liêm) cho biết: “Con trai út đi xuất khẩu Nhật 2 năm rồi. Mấy đứa cháu gắn mạng, rồi cứ vài ngày tụi nhỏ gọi điện cho tui thấy mặt con cũng đỡ nhớ. Mạng miếc giờ hay quá”.

Song, cũng chính điện thoại đẩy những thành viên sống cùng một nhà khoảng cách với nhau. Chúng ta say mê “nhấn nhấn, quẹt quẹt” khám phá nó và lãng quên người ngồi bên cạnh; lãng quên những cuộc nói chuyện, bàn tán, và rồi dẫn đến việc hạn chế sự quan tâm, chia sẻ cùng nhau.

Thời đại công nghệ số, những cuộc giận hờn, cãi vã, làm lành, thậm chí là đoán cảm giác của nhau thông qua những gì chúng ta viết lên status. Điều đó làm chúng ta dần dần đánh mất cảm xúc thật của chính mình.

Các sản phẩm công nghệ cũng khiến trẻ con mê tít mà làm ảnh hưởng đến sự phát triển. Như khi bận rộn, không ít ba mẹ thường hay đưa điện thoại và máy tính bảng cho con chơi để con ngồi yên, không quấy phá. Song, ba mẹ nên biết rằng, nếu con cái chỉ “sống” với thế giới ảo trên mạng thì con chỉ thích giao tiếp với thế giới đó, không phải với ba mẹ.

Trẻ con cần phải giao tiếp, kết nối với ba mẹ, với những bài học cuộc sống bên ngoài. Thay vì để con tương tác với điện thoại, với máy tính thì ba mẹ nên dành nhiều thời gian giao tiếp với con, chơi với con bằng ngôn ngữ của con, cho con tiếp xúc với những đứa trẻ cùng trang lứa để giúp chúng tăng kỹ năng giao tiếp, tìm hiểu sự đồng cảm...

Công nghệ chỉ là phương tiện, song mục tiêu phải hướng tới cuộc sống thực này. Nếu xem gia đình là quan trọng thì hãy nuôi dưỡng gia đình bằng những gì tốt đẹp nhất trong đời thật.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG