Để nâng cao hiệu quả phân luồng học sinh phổ thông

Cập nhật, 06:43, Thứ Hai, 18/03/2024 (GMT+7)
Phân luồng hiệu quả, học sinh tự tin với con đường mình chọn.
Phân luồng hiệu quả, học sinh tự tin với con đường mình chọn.

Thực hiện Đề án Giáo dục (GD) hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong GD phổ thông Vĩnh Long đã phấn đấu và đạt được một số kết quả tích cực. Song song đó, việc thực hiện đề án này còn nhiều khó khăn chưa đạt kết quả như mong muốn, cần sự thực hiện nhiều giải pháp và có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các ban, ngành và toàn xã hội.

Sau 5 năm phân luồng

Theo Sở GD-ĐT, qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án “GD hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong GD phổ thông giai đoạn 2018-2025”, tỉnh đạt một số kết quả như: 100% trường THPT có chương trình GD hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; 100% giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ… Bên cạnh đó, đề án đã có sự phối hợp giữa các cơ sở GD phổ thông, có trên 95% học sinh, sinh viên sau đào tạo (ĐT) có việc làm.

Theo đánh giá của Giám đốc Sở GD- ĐT- Trương Thanh Nhuận, các mục tiêu, nhiệm vụ đã được thực hiện đúng tiến độ và đạt được một số kết quả
quan trọng.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn một số tồn tại như tại địa phương có ít cơ sở GD nghề nghiệp và doanh nghiệp nên việc đảm bảo chỉ tiêu số lượng học sinh tốt nghiệp THCS, THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở GD nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn. Theo đó, hiện nay, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học nghề chỉ đạt 7,64%, học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học nghề chỉ đạt 8,1%.

Việc thiếu các thông tin về nguồn tuyển sinh, thị trường lao động và xuất khẩu lao động… gây khó khăn trong tư vấn hướng nghiệp. Ngoài ra, đội ngũ tư vấn hướng nghiệp là giáo viên kiêm nhiệm, mặc dù đã được tập huấn, tích cực tự học, tự nghiên cứu nhưng việc hướng nghiệp cho học sinh vẫn còn lúng túng, hiệu quả chưa cao; một số phụ huynh và học sinh chưa nhận thức đầy đủ, không muốn học nghề sớm và còn lúng túng trong việc định hướng nghề nghiệp phù hợp.

Mặc dù có kế hoạch ngay từ đầu năm, kết quả thực hiện công tác tổ chức tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS tại Trường THCS Đông Bình (TX Bình Minh) trong những năm qua từng bước có chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn thấp so với kế hoạch chung của thị xã.

Thầy Đặng Tấn Trung- Hiệu trưởng Trường THCS Đông Bình, cho biết: “Là trường có 20% là con em đồng bào dân tộc Khmer điều kiện kinh tế khó khăn Trường THCS Đông Bình luôn nỗ lực thực hiện nhiệm vụ phân luồng qua: lồng ghép thông qua các môn học trên lớp, các tiết sinh hoạt lớp; các tiết hướng nghiệp; căn cứ vào thành tích học tập của các em, nhà trường sẽ tư vấn, phân luồng học sinh. Ngoài ra, nhà trường còn phối hợp với các trường nghề tổ chức các buổi hướng nghiệp cho học sinh khối 9 để các em có cái nhìn thực tế hơn về ngành nghề, nhu cầu việc làm, từ đó có sự lựa chọn phù hợp”.

Cần nhiều giải pháp

Theo Sở GD-ĐT, để thực hiện hiệu quả công tác phân luồng học sinh thời gian tới cần định hướng đi phù hợp với năng lực, sở trường, nguyện vọng, hoàn cảnh và đặc điểm tâm sinh lý của bản thân học sinh.

Bà Trương Thanh Nhuận mong muốn: “Các ngành có liên quan và các địa phương tích cực phối hợp xây dựng thông tin xu hướng nghề nghiệp, nhu cầu nhân lực trong từng ngành, từng lĩnh vực để tư vấn, định hướng phù hợp. Bên cạnh đó, hỗ trợ ngành GD trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức phụ huynh, học sinh và cộng đồng xã hội về ý nghĩa và mục tiêu của công tác phân luồng học sinh”.

Đặc biệt, các cơ sở GD cần chú trọng nâng cao năng lực, trách nhiệm, kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ làm công tác tư vấn, hướng nghiệp để đúng với năng lực, sở trường của học sinh và nhu cầu nghề nghiệp của xã hội, hướng đến mục tiêu cuối cùng là đảm bảo quyền được học tập của học sinh.

Góp ý giải pháp cho đề án, ông Dương Quốc Thạnh- Trưởng Phòng Quản lý GD nghề nghiệp, Sở Lao động-TB-XH, đề nghị: “Chú trọng công tác dự báo, nắm bắt nhu cầu, xu hướng phát triển ngành nghề, xu hướng của thị trường lao động. Song song đó là chú trọng huy động, bố trí các nguồn lực cho đầu tư tăng cường, mở rộng, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị ĐT nhằm nâng cao quy mô tuyển sinh”.

Theo thầy Trần Quang Huy- Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Xuân (Trà Ôn), những khó khăn trong phân luồng học sinh phổ thông là nhà trường ở xã thuộc vùng sâu của tỉnh, nhiều gia đình đi làm ăn xa, các em ở với ông bà nên việc tư vấn hướng nghiệp giúp đỡ các em chưa sâu sát. Thời gian tổ chức các hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh còn ít. Học sinh ít được tham gia trải nghiệm tại các cơ sở GD ĐH hay các trường dạy nghề trong và ngoài tỉnh vì không có kinh phí,…

Xác định khó khăn, Trường THPT Vĩnh Xuân đã thành lập được tổ tư vấn hướng nghiệp, trong đó phân công 1 phó hiệu trưởng trực tiếp làm tổ trưởng và phụ trách công tác GD hướng nghiệp. Ngoài ra, nhà trường đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết, cử lãnh đạo đến các trường THCS trên địa bàn các xã ngay từ đầu học kỳ 2 của năm học trước để tổ chức khảo sát nhu cầu học tập các môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập của học sinh lớp 9.

Công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển. Song, quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tiếp tục điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách một cách đồng bộ và toàn diện từ khâu vận động tuyên truyền đến chất lượng ĐT nguồn nhân lực và đặc biệt là sử dụng hiệu quả nguồn lực lao động sau khi tốt nghiệp nghề.

Theo đề án, phấn đấu đến năm 2025 Vĩnh Long đạt một số chỉ tiêu như: 100% trường THCS và THPT có chương trình GD hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; duy trì tỷ lệ 100% trường THCS và THPT có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ; 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại cơ sở GD nghề nghiệp ĐT trình độ sơ cấp, trung cấp; 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại cơ sở GD nghề nghiệp ĐT trình độ trung cấp, CĐ...

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Các tin khác: