Dạy học an toàn thích ứng tình hình dịch COVID-19

Cập nhật, 07:25, Thứ Sáu, 25/03/2022 (GMT+7)

 

Học sinh Trường TH Thị trấn Long Hồ sẽ được giãn cách theo khối lớp, luân phiên 2 hình thức học trực tuyến và trực tiếp..
Học sinh Trường TH Thị trấn Long Hồ sẽ được giãn cách theo khối lớp, luân phiên 2 hình thức học trực tuyến và trực tiếp..

Từ ngày 21/2, Sở GD- ĐT Vĩnh Long đã triển khai phương án dạy và học thích ứng, an toàn, linh hoạt với tình hình dịch COVID-19. Theo đó, tùy theo tình hình cấp độ dịch, Vĩnh Long sẽ tổ chức nhiều hình thức học trực tiếp, trực tuyến hoặc kết hợp cả hai phương án này.

Hình thức học theo cấp độ dịch

Theo Giám đốc Sở GD- ĐT Trương Thanh Nhuận, từ khi học sinh quay trở lại trường học trực tiếp thì số lượng giáo viên, học sinh bị F0, F1 khá nhiều. Tuy nhiên, với tinh thần quyết tâm thực hiện nhiệm vụ, đội ngũ giáo viên đã cố gắng trong việc vừa dạy học trực tiếp rồi dạy học trực tuyến cũng như đảm bảo công tác phòng chống dịch. “Tôi rất chia sẻ và biểu dương tinh thần của các thầy cô, có những thầy cô F0 nhưng vẫn sắp xếp tự nguyện để dạy học trực tuyến đảm bảo không bỏ sót một tiết dạy nào cho học sinh của mình. Những thầy cô còn lại đã chia sẻ với nhau trong việc dạy học trực tiếp, dạy học trực tuyến”- bà Trương Thanh Nhuận cho biết.

Từ tình hình đó, ngành giáo dục đã có phương án dạy học cụ thể tương ứng với cấp độ dịch COVID-19. Cụ thể, đối với các cơ sở giáo dục như sau: Cấp độ 1 tất cả học sinh học trực tiếp; cấp độ 2 học sinh tiểu học, mầm non học trực tiếp kết hợp trực tuyến, các học sinh ở các khối còn lại học trực tiếp; cấp độ 3 thì học sinh lớp 9, 12 học trực tiếp; học sinh lớp 6, 7, 8, 10, 11 học trực tiếp kết hợp trực tuyến; học sinh tiểu học học trực tuyến; trẻ mẫu giáo, nhà trẻ không dạy trực tiếp mà dạy bằng các hình thức phù hợp tại nhà; cấp độ 4 thì học sinh lớp 9, 12 học trực tiếp, các khối còn lại học trực tuyến.

Trường TH Thị trấn Vũng Liêm có 1.148 học sinh, trong đó, F0 là 7cán bộ giáo viên và 109 học sinh. Thị trấn Vũng Liêm là vùng dịch có cấp độ 4. Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, nhà trường tổ chức cho các em học trực tuyến giống thời khóa biểu các em học trực tiếp. Điều mà ban giám hiệu, thầy cô trường này hiện nay lo lắng là “học sinh lớp 1 học trực tuyến chất lượng không cao”.

Ngành giáo dục đã chỉ đạo cho các cơ sở giáo dục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng các hệ thống dạy học các nền tảng dạy học trực tuyến để thầy cô có thể dạy học. Đồng thời, bố trí những phòng học đa dụng để có thể vừa dạy học trực tiếp vừa dạy trực tuyến cho học sinh khi mà thầy cô và học sinh bị ảnh hưởng dịch COVID-19.

Linh hoạt trực tuyến và trực tiếp

Đối với các cơ sở giáo dục thuộc địa bàn phân loại dịch ở cấp độ 2 và cấp độ 3 thì học sinh tiểu học, mầm non và học sinh các khối lớp 6, 7, 8, 10, 11 học trực tiếp kết hợp trực tuyến. Để thực hiện 2 hình thức học này, các cơ sở giáo dục phải chủ động linh hoạt với tình hình thực tế tại đơn vị mình trong đó phải đảm bảo được yêu cầu về cơ sở vật chất cũng như về đội ngũ.

Cụ thể, có những khối lớp sẽ đi học trực tiếp trong khi những khối lớp khác sẽ học trực tuyến và ngược lại; cũng có thể trong cùng một lớp học thì học sinh vừa học trực tiếp và học trực tuyến. Và, giáo viên vừa dạy trực tiếp trên lớp và cũng có những giáo viên phải dạy trực tuyến vừa trực tiếp trên lớp.

Trường TH Thị Trấn Long Hồ A, thuộc địa phương phân loại dịch cấp độ 2, học sinh học song song 2 hình thức trực tuyến và trực tiếp. Theo đó, khối 1, 2, 3 dạy học trực tiếp buổi sáng, trực tuyến buổi chiều và khối 4, 5 học trực tiếp buổi chiều, trực tuyến buổi sáng để đảm bảo giãn cách. Việc sắp thời khóa biểu gặp nhiều khó khăn, vất vả nhưng trường đang cố gắng đảm bảo an toàn cho học sinh.

Học sinh lớp 9 và lớp 12 sẽ học trực tiếp không bị ảnh hưởng bởi cấp độ dịch.
Học sinh lớp 9 và lớp 12 sẽ học trực tiếp không bị ảnh hưởng bởi cấp độ dịch.

Trường Mầm non Mỹ Thuận (Bình Tân) thuộc địa phương đang ở cấp độ dịch 2, học sinh mầm non được đến trường. Cô Hiệu trưởng Trương Thị Kim Thoa cho biết: “Trường có 1 cán bộ, 8 giáo viên F0 và 4 trẻ F0. Khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu giáo viên, do giáo viên F0 không đi dạy được, giáo viên nghỉ thai sản. Hiện tại, chúng tôi bối rối dù đã cố gắng dạy thay”. Một khó khăn nữa của trường, là chỉ có hơn 100 trẻ học bán trú nên việc hợp đồng nhân viên vệ sinh, cấp dưỡng rất khó khăn. Cô Thoa chia sẻ: “Trước mắt, chúng tôi phải cắt 2 nhân viên hợp đồng để đảm bảo đủ kinh phí thực hiện bữa ăn bán trú cho trẻ”.

Giám đốc Sở GD- ĐT Trương Thanh Nhuận lưu ý: “Phải linh hoạt tất cả các hình thức học phù hợp với điều kiện của nhà trường về hạ tầng công nghệ thông tin, đội ngũ giáo viên… để sắp xếp thời khóa biểu phù hợp đảm bảo giờ lên lớp của giáo viên”.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN