Chung tay giáo dục đạo đức, lối sống học sinh

Cập nhật, 16:30, Thứ Tư, 18/12/2019 (GMT+7)

Song song với việc học kiến thức trong nhà trường, các em học sinh (HS) cũng rất cần được sự giáo dục đạo đức, lối sống, từ đó hình thành ý thức tích cực, nhân cách sống phù hợp với thời đại mới.

Ở mọi lứa tuổi, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh là công tác hết sức cần thiết.
Ở mọi lứa tuổi, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh là công tác hết sức cần thiết.

Cần giáo dục đạo đức

Theo đánh giá hiện nay, trước nhiều nguy cơ, hệ quả xấu từ lối sống thiếu lành mạnh, đi ngược lại với đạo đức xã hội của một bộ phận thanh thiếu niên, đã làm ảnh hưởng ít nhiều đến môi trường giáo dục. Từ đó, đòi hỏi các trường đều phải quan tâm đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS bằng nhiều hình thức khác nhau.

Theo Sở GD- ĐT, thời gian qua, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS, sinh viên đã đạt được những kết quả tích cực. Phần lớn HS có đạo đức tốt, kính trọng ông bà, cha mẹ, thầy cô, người lớn tuổi.

Đồng thời có tinh thần đoàn kết, tích cực học tập, rèn luyện, tu dưỡng, có ý thức chấp hành pháp luật tốt, lối sống đẹp, lành mạnh… Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận HS, sinh viên chưa có ý thức học tập tốt, có biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống, tình trạng bạo lực học đường, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật vẫn còn diễn ra.

Cũng theo Sở GD- ĐT, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do công tác giáo dục đạo đức, lối sống vẫn chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức. Đồng thời, sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội thiếu đồng bộ, chặt chẽ.

Bên cạnh đó, còn do mặt trái của nền kinh tế thị trường, hành vi bạo lực xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống xã hội, trên phim ảnh, sách báo… đã tác động trực tiếp đến sự hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống của HS, sinh viên.

Đặc biệt là do đặc thù tâm lý lứa tuổi, nếu không được tư vấn, hỗ trợ kịp thời để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong học tập, các mối quan hệ xã hội, sẽ dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Theo cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Tiến- Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Vĩnh Long), một bộ phận HS hiện nay có biểu hiện lệch lạc về đạo đức, lối sống dễ dẫn đến nhiều hệ lụy. Một trong những hệ lụy chính là tình trạng bạo lực học đường hoặc vi phạm pháp luật… đều sẽ để lại ảnh hưởng xấu đối với chính bản thân các em.

“Ở lứa tuổi này, các yếu tố nhà trường, gia đình, xã hội sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các em. Có thể do gia đình thiếu quan tâm, giáo viên thì chưa thật sự quan tâm, sẻ chia,… khiến một số HS không được tư vấn giải quyết vấn đề đúng hướng. Từ đó, các em có xu hướng tìm sự giúp đỡ từ bên ngoài, mà chưa chắc các em biết điều đó đúng hay sai”- cô Nguyễn Thị Tiến chia sẻ.

Theo ThS.Nguyễn Văn Lượm- giảng viên Khoa Văn hóa- Du lịch (ĐH Đồng Tháp) thì giáo dục đạo đức, lối sống cho các em HS, sinh viên là công tác hết sức cần thiết: “Qua giáo dục định hướng, giáo dục đúng đắn sẽ giúp các em có được cái nhìn đúng đắn hơn về cuộc sống, cái gì đúng, cái gì sai,… Từ đó dần hình thành ý thức tốt trong mỗi HS”.

Đa dạng hóa hình thức giáo dục

Xác định giáo dục đạo đức, lối sống cho HS, sinh viên là hoạt động trọng tâm, Bộ GD- ĐT cũng đã có chỉ thị tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho các em thông qua các hoạt động GD-ĐT và trải nghiệm.

Theo thầy Hiệu trưởng Đặng Hoàng Dũng- Trường THPT Vĩnh Long, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh được quan tâm và được tổ chức với nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, sẽ tuyên truyền, giáo dục các em trong các giờ sinh hoạt đầu tuần, chuyên đề hay sinh hoạt chủ nhiệm. Song song đó là lồng ghép các buổi tư vấn tâm lý cho các em.

“Thời gian gần đây, nhà trường cũng đã thành lập được CLB trải nghiệm. Thông qua các hoạt động của CLB này, các em cũng được giáo dục đạo đức, lối sống hiệu quả hơn. Từ đó hình thành nhân cách sống tích cực”- thầy Đặng Hoàng Dũng cho biết.

ThS. Nguyễn Văn Lượm cho biết, có nhiều hình thức để giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Một trong những hình thức cho hiệu quả cao là sinh hoạt chuyên đề: “Ví dụ như sinh hoạt chuyên đề về bạo lực học đường, làm thế nào để các em hiểu được tác hại cũng như cảm nhận được chính các em là nạn nhân để các em hiểu, tự ý thức tránh xa cũng như tuyên truyền với các bạn học khác… Từ đó kéo giảm tình trạng bạo lực học đường đang diễn ra phức tạp như hiện nay”.

Từ đó hình thành nhân cách, lối sống tích cực cho học sinh.
Từ đó hình thành nhân cách, lối sống tích cực cho học sinh.

Hiện nay, các trường đều thành lập được phòng tư vấn tâm lý và đều phân công giáo viên hỗ trợ tâm lý cho các em. Theo thầy Đặng Hoàng Dũng, nếu bộ phận này thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ sẽ góp phần không nhỏ trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống cũng như giải quyết các vấn đề tâm lý còn khúc mắc cho các em.

Trong khi đó, có khá nhiều ý kiến cho rằng công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS, sinh viên hiện nay không thể “nhường sân” cho nhà trường mà cần có sự phối hợp với gia đình và xã hội. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến yếu tố gia đình.

“Trong gia đình, nhân cách của một đứa trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều từ cha mẹ, ông bà. Sự hình thành ý thức, nhân cách và đào tạo con người có đạo đức trước tiên phải xuất phát từ yếu tố gia đình. Đây là nền tảng để các em tiếp nhận những điều mới mẻ, điều hay lẽ phải từ trong môi trường học tập, xã hội…”- một phụ huynh chia sẻ.

Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Kết nối cộng đồng Vĩnh Long Trần Hoàng Túy chia sẻ, ở lứa tuổi HS, nhất là HS đầu cấp sẽ rất dễ bị sốc tâm lý bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Hệ quả là một số em đi sai hướng, dẫn đến nhiều hậu quả không tốt. “Điều cần thiết là sự quan tâm từ chính những thành viên trong gia đình, sau đó là sự quan tâm, giáo dục từ phía nhà trường, thầy cô… làm thế nào để các em nhận thức được những cái sai ở bên ngoài xã hội. Nếu được như vậy thì các em sẽ được định hướng điều hay, hình thành nhân cách tốt trong một xã hội hiện đại nhiều biến động…”- thầy Trần Hoàng Túy chia sẻ.

 

Bài, ảnh: CÔNG NGÔN