Tuyển sinh 2018: những bức tranh khác màu

Cập nhật, 13:19, Thứ Tư, 10/10/2018 (GMT+7)

Các trường ĐH, CĐ đóng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã lần lượt khai giảng năm học mới 2018- 2019. Bên cạnh số ít nụ cười “được mùa” vẫn còn đó những nỗi lo vì thí sinh “mỗi năm mỗi vắng”.

Các trường cao đẳng đang nỗ lực liên kết doanh nghiệp, đào tạo gắn địa chỉ sử dụng cho sinh viên tìm được việc ngay sau khi ra trường.
Các trường cao đẳng đang nỗ lực liên kết doanh nghiệp, đào tạo gắn địa chỉ sử dụng cho sinh viên tìm được việc ngay sau khi ra trường.

Đại học dần khởi sắc

Tại Vĩnh Long, có 3 trường ĐH; trong đó, ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long tuyển sinh đạt và vượt chỉ tiêu tuyển sinh năm 2018, hơn 104% tân sinh viên nhập học.

Theo kinh nghiệm của thầy hiệu trưởng- PGS.TS Cao Hùng Phi thì “đào tạo cán bộ là nền tảng” để nâng cao chất lượng giáo dục.

Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long khoảng chục năm trước cũng có thời kỳ tuyển sinh khó khăn khi mà số tân sinh viên nhập học chỉ khoảng 60% chỉ tiêu.

Khi các trường ĐH lớn phải hạ điểm sàn xuống 14 thì các ngành đào tạo của trường này có điểm chuẩn từ 15 trở lên.

Theo lãnh đạo trường, công tác tuyển sinh luôn được chuẩn bị kỹ lưỡng song song với đào tạo và trường tổ chức cho học sinh tham quan, tư vấn tại trường liên tục trong năm.

Khi các em được tận mắt chứng kiến trường về các ngành học và được nghe tư vấn kỹ về các ngành của trường thì sẽ “thấm và nhớ” lâu hơn.

Dù không đạt chỉ tiêu tuyển sinh nhưng Trường ĐH Xây dựng Miền Tây trong năm học này tuyển sinh đạt hơn 70%. Hiện tại, trường này đào tạo 8 ngành ĐH với hơn 3.000 sinh viên.

TS. Nguyễn Văn Xuân- Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Miền Tây- cho biết: “Điểm mới của năm 2018 là Trường ĐH Xây dựng Miền Tây dành 30% để xét tuyển theo hình thức điểm trung bình học tập THPT”.

Trường này còn cấp học bổng cho tất cả tân sinh viên năm nay để hỗ trợ đào tạo Tiếng Anh và Công nghệ thông tin cơ bản đạt chuẩn.

Trong khi đó, Trường ĐH Cửu Long đã dần khẳng định được thương hiệu và tình hình tuyển sinh cũng khả quan hơn, với gần 600 tân sinh viên nhập học.

Đặc biệt, trường mở rộng đào tạo và liên kết đào tạo nhiều ngành sau ĐH. Ngoài ra, tại trường này còn đào tạo hơn 70 sinh viên Lào và Campuchia.

Gần đây nhất, Trường ĐH Cửu Long phối hợp ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội tuyển sinh sau ĐH ngành báo chí học.

PGS.TS Lương Minh Cừ- Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long cam kết: “Nhà trường sẽ giành những điều kiện tốt nhất cho sinh viên trong quá trình sống, lao động, làm việc và học tập tại đây. Rất mong các em tham gia tích cực, chủ động vào các hoạt động học tập và giáo dục để có được thành công to lớn trong tương lai”.

Cao đẳng tiếp tục gặp khó

Nhiều học sinh đã chọn lối đi khác sau khi tốt nghiệp THPT, không phải là CĐ, ĐH.
Nhiều học sinh đã chọn lối đi khác sau khi tốt nghiệp THPT, không phải là CĐ, ĐH.

Năm 2018, lần đầu tiên Bộ GD- ĐT bỏ điểm sàn THPT quốc gia, ngay sau đó, nhiều trường ĐH công bố mức điểm sàn từ 13.

Nhiều lãnh đạo trường CĐ đã lo ngại rằng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ đối diện với nguy cơ tuyển thiếu, thậm chí giải thể. Lo ngại này là có cơ sở khi tình hình tuyển sinh “vật vã” đã kéo dài từ những năm trước.

Và bài toán tuyển sinh năm nay lại càng khó khăn hơn với các trường CĐ. Vì những nỗi lo chung “nói mãi” như sự nở rộ của các trường ĐH và cánh cửa vào ĐH rộng hơn,…

Năm 2018 này, nhiều trường THPT lại ghi nhận hiện tượng, học sinh không muốn đi học mà chọn làm ngay sau tốt nghiệp.

Thầy Trần Hữu Phúc- Phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Tam Bình)- cho biết: “Không ít học sinh có thể vào ĐH, CĐ nhưng chỉ chọn xét tốt nghiệp THPT rồi đi làm công nhân luôn”.

Lo lắng vì học sinh, sinh viên ngày càng ít, Ths. Nguyễn Quang Sang- Hiệu trưởng Trường CĐ Cộng đồng Vĩnh Long- nói: “Tình hình tuyển sinh của hệ CĐ ngày càng khó khăn. Chúng tôi chỉ đủ chỉ tiêu hệ trung cấp, còn hệ CĐ có mấy mươi sinh viên thôi”.

Theo ông, đã đến lúc có những sự thay đổi mang tính quyết định hơn cho hệ đào tạo CĐ, nhất là ở Vĩnh Long- nơi có đến 5 trường CĐ như hiện nay. Tương tự, tình hình tuyển sinh của các trường CĐ ở Vĩnh Long cũng khó khăn không kém.

Trong khi đó, Trường CĐ Nghề Vĩnh Long đã đạt tuyển sinh vượt chỉ tiêu năm 2018. Để đạt được kết quả này, Trường CĐ Nghề Vĩnh Long cũng đã từng trải qua những khó khăn và xác định mục tiêu đào tạo “lao động làm được việc theo yêu cầu doanh nghiệp”.

Doanh nghiệp đặt hàng và gửi thông báo tuyển dụng về trường ngày một nhiều hơn. Từ đó, khẳng định được uy tín, thương hiệu và thu hút học sinh đến học.

Nâng cao chất lượng giáo dục hay thay đổi quan niệm xã hội không phải là chuyện “ngày một ngày hai” có thể thực hiện. Bên cạnh sự cố gắng nỗ lực của tập thể sư phạm thì các trường khó khăn, đặc biệt là hệ CĐ cần được hỗ trợ, giúp đỡ để vững mạnh, phát triển.

Trường CĐ Nghề Vĩnh Long như “một gam màu khác” trong hệ CĐ vì đã tuyển sinh vượt chỉ tiêu năm 2018. Ths. Trần Anh Tuấn- Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Vĩnh Long- cho biết: “Chúng tôi đã tuyển hơn 100% chỉ tiêu, dù còn thời gian nhận hồ sơ nhưng do đã đủ theo quy chế tuyển sinh nên trường không nhận tiếp hồ sơ năm nay”.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN