Lưu ý một số chủ đề quan trọng của môn địa lý

Cập nhật, 13:25, Thứ Sáu, 22/06/2018 (GMT+7)

Như các em đều biết kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 môn địa lý vẫn thi bằng hình thức trắc nghiệm, nhưng một điểm mới so với kỳ thi năm trước là đề thi năm nay sẽ có chương trình địa lý lớp 11.

Chương trình lớp 12

Cấu trúc đề thi minh họa năm 2018 và đề thi chính thức kỳ thi THPT quốc gia 2017 được phân bổ theo 5 chủ đề như sau: địa lý tự nhiên (7 câu), địa lý dân cư (3 câu), địa lý các ngành kinh tế (10 câu), địa lý vùng kinh tế (10 câu), thực hành (10 câu). Do vậy, khi ôn tập chương trình địa lý lớp 12 các em cần lưu ý một số vấn đề sau:

Ôn tập theo chủ đề, tránh "học tủ, học vẹt":

Mục đích của việc ôn tập là hệ thống, củng cố, hoàn thiện kiến thức, kỹ năng nên các em cần ôn tập theo chủ đề như: tự nhiên, dân cư xã hội, các ngành kinh tế và các vùng kinh tế.

Thí sinh nên lập các biểu bảng tổng kết ngắn gọn để dễ ôn tập, nắm vững các nội dung cốt lõi cũng như các vấn đề cần giải quyết của mỗi chủ đề.

Cũng nên dành thời gian đọc đi đọc lại các nội dung tài liệu, đánh dấu các nội dung cơ bản, số liệu cần chú ý sau đó thử trình bày, viết lại các vấn đề đó ra giấy rồi so sánh với tài liệu để xem mình nhớ được những gì, cái gì chưa nhớ. Đánh dấu lại phần chưa nhớ để ôn lại.

 Nên trình bày các nội dung ôn tập dưới dạng bản đồ tư duy (mindmap) cô đọng nhưng chứa đựng đủ các kiến thức cốt lõi cần ôn tập. Dán bản đồ tư duy ở chỗ dễ quan sát nhất của góc học tập để người học có nhiều cơ hội tiếp xúc và lưu nó trong trí nhớ của mình.

Đề thi trắc nghiệm có khả năng bao quát chương trình hơn, kiến thức kiểm tra rộng hơn so với thi tự luận, vì thế học "tủ" là điều cấm kỵ.

Ở mỗi vấn đề quan trọng các em chỉ cần nắm "từ khóa" nói lên nội dung của vấn đề đó chứ không nên học thuộc lòng như trước. Thí sinh không được bỏ bất kỳ phần nào trong sách giáo khoa địa lý lớp 12, từ kênh chữ đến kênh hình, kể cả các bài đọc thêm, các bài thực hành.

Sử dụng hiệu quả Atlat địa lý Việt Nam:

 Đối với môn địa lý lớp 12, Atlat có vai trò hết sức quan trọng. Thí sinh có thể lấy kiến thức trong Atlat để làm bài thi, Atlat sẽ là phương tiện nhớ kiến thức, giúp thí sinh giảm bớt việc học thuộc lòng và ghi nhớ máy móc. 

 Để sử dụng hiệu quả Atlat trong quá trình ôn tập và làm bài thi, các em cần xem kỹ trang ký hiệu chung (trang 3) vì hầu hết các đối tượng địa lý biểu hiện trên các bản đồ đều được thể hiện ở trang này, bên cạnh đó các em cũng cần nắm được nội dung các trang bản đồ thông qua trang mục lục (trang 31).

Các em cần kết hợp kỹ năng tính toán, nhận xét, phân tích, giải thích các số liệu và biểu đồ có trong Atlat.

Nói tóm lại, Atlat địa lý Việt Nam là "cuốn sách giáo khoa thứ hai" của môn địa lý lớp 12 nên các em cần tập trung khai thác một cách tốt nhất để đạt kết quả cao trong bài thi.

  Nắm vững kỹ năng phân tích, nhận xét bảng số liệu và biểu đồ:

Theo cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2017 số lượng câu hỏi cho phần trắc nghiệm biểu đồ và bảng số liệu sẽ là 5 câu.

Vì vậy, cùng với việc ôn tập lý thuyết, kỹ năng sử dụng Atlat thì thí sinh phải làm các bài tập về nhận xét và phân tích biểu đồ, bảng số liệu.

Với dạng câu hỏi về biểu đồ thí sinh phải nắm vững kiến thức để nhận diện dạng biểu đồ thích hợp (ví dụ: cơ cấu thì vẽ biểu đồ tròn, miền; tốc độ tăng trưởng thì biểu đồ đường biểu diễn hay đồ thị…).

Với dạng câu hỏi về bảng số liệu thí sinh nên đọc kỹ yêu cầu câu dẫn là chọn nhận xét "đúng" hay không "đúng", phải nhìn bảng số liệu cả hai chiều dọc và ngang trên cơ sở tính toán nếu cần thiết rồi đưa ra lựa chọn tốt nhất.

Thí sinh xem Atlat trước khi thi môn địa lý THPT quốc gia. Ảnh: Hoàng Triều
Thí sinh xem Atlat trước khi thi môn địa lý THPT quốc gia. Ảnh: Hoàng Triều

Chương trình địa lý lớp 11   

Khác với địa lý lớp 12, chương trình địa lý lớp 11 trang bị cho các em kiến thức về kinh tế - xã hội thế giới, đặc điểm tự nhiên, dân cư - xã hội, kinh tế của một số khu vực và quốc gia trên thế giới, gồm hai chủ đề như sau:

Chủ đề 1: Khái quát nền kinh tế - xã hội thế giới

- Sự tương phản về trình độ phát triển kinh tế - xã hội của các nhóm nước. Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại.

- Xu hướng toàn cầu hóa, khu vực hóa nền kinh tế.

- Một số vấn đề mang tính toàn cầu.

- Một số vấn đề của châu lục và khu vực.

Với chủ đề này các em cần nắm vững một số đặc trưng của kinh tế - xã hội trên thế giới hiện nay, ví dụ: sự phân chia các nhóm nước,  xu hướng toàn cầu hóa kinh tế, sự xuất hiện các vấn đề mang tính toàn cầu…

Chủ đề 2: Địa lý khu vực và quốc gia

- Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

-  Liên minh châu Âu.

- Liên bang Nga.

- Nhật Bản.      

- Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

- Khu vực Đông Nam Á.

Đây là phần kiến thức cụ thể của từng quốc gia và khu vực nên các em cần nắm chắc kiến thức cơ bản của từng bài.

Chú ý đến việc làm rõ mối quan hệ giữa yếu tố tự nhiên, dân cư, kinh tế - xã hội của từng quốc gia ví dụ: biết được đặc điểm tự nhiên phần phía Đông, phía Tây và phần Trung tâm của Hoa Kỳ các em sẽ giải thích được sự phân bố dân cư của quốc gia này…

Trong quá trình ôn tập thí sinh cần bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng, chú ý nội dung giảm tải mà Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn, nên kết hợp với cuốn Tập bản đồ Thế giới và các châu lục do Nhà Xuất bản Giáo dục phát hành nhằm ghi nhớ kiến thức lâu hơn.

Ở một số bài học các em nên liên hệ với kiến thức địa lý lớp 12 để hiểu bài hơn (ví dụ bài 11. Khu vực Đông Nam Á liên hệ bài 2.Vị trí địa lý và phạm vi lãnh thổ, Atlat trang 4-5 bản đồ Việt Nam trong Đông Nam Á).

Khi ôn tập chương trình địa lý lớp 11 các em cần chú ý rèn luyện các kỹ năng: tính toán, nhận xét và giải thích bảng số liệu, vẽ biểu đồ,…

Với môn địa lý, các em cần mang theo Atlat địa lý Việt Nam do Nhà Xuất bản Giáo dục phát hành từ năm 2009 đến nay, máy tính cầm tay (nằm trong danh mục cho phép của Bộ GD - ĐT), viết chì, tẩy…

Tránh tạo áp lực cho bản thân: Các em hãy chuẩn bị tâm lý tự tin, vững vàng trong phòng thi, không nên đặt quá nhiều kỳ vọng để tránh áp lực thi cử làm giảm chất lượng bài thi.

Phân bố thời gian hợp lý cho từng câu hỏi: Bài thi trắc nghiệm môn địa lý có 40 câu, thời gian làm bài 50 phút.

Như vậy, thí sinh có khoảng 1 phút 15 giây để trả lời một câu hỏi. Nếu qua khoảng thời gian đã định này mà vẫn chưa tìm ra được đáp án, thì nên bỏ qua câu này để làm sang câu khác và quay trở lại những câu hỏi này khi còn thời gian.

Thí sinh nên dành thời gian để kiểm tra lại phiếu trả lời xem đã làm đầy đủ chưa, không nên bỏ trống phương án trả lời.

Sử dụng kỹ năng phỏng đoán - loại trừ:  Phỏng đoán không phải là một cách hay, tuy nhiên khi các bạn không chắc chắn về câu trả lời thì việc phỏng đoán một cách logic và khoa học là một trong những giải pháp cho thí sinh.

Một số câu hỏi dùng ngôn từ khẳng định hoặc nhấn mạnh trong các đáp án đề thi có như luôn luôn… thì thường là những đáp án đúng. Nếu không thể xác định được chắc chắn được phương án nào đúng cho câu hỏi này thì hãy loại bỏ tất cả những phương án sai và chọn cho mình một đáp án chính xác nhất

Theo NLĐO