Có những lựa chọn khác trung học phổ thông

Cập nhật, 08:14, Thứ Bảy, 23/06/2018 (GMT+7)

Những học sinh không trúng tuyển vào lớp 10 công lập thì có thể đi học học nghề, học ở hệ thống giáo dục thường xuyên. Đó là mục tiêu hướng đến của đề án phân luồng học sinh sau THCS, nhằm giúp các em chọn ngành học phù hợp với năng lực và sở thích.

Các em cần tìm hiểu kỹ thông tin, chọn những hướng đi phù hợp với mình.
Các em cần tìm hiểu kỹ thông tin, chọn những hướng đi phù hợp với mình.

Điểm sáng học nghề

Báo cáo tổng kết năm học 2016- 2017 của Bộ GD-ĐT thừa nhận chương trình giáo dục phổ thông hiện hành chưa chú trọng đến công tác định hướng nghề nghiệp và phân luồng. Việc phối hợp giữa các trường phổ thông với các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất... trong việc hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh THCS, THPT chưa thực sự hiệu quả.

Tuy nhiên, gần đây vấn đề phân luồng đã được quan tâm hơn, bằng chứng là nhiều học sinh đã không còn quá tha thiết phải vào ĐH bằng được, thậm chí có những em đã thi đậu vào ĐH nhưng không nhập học hoặc bỏ ngang đi học nghề hoặc xuất khẩu lao động để kiếm vốn về tự kinh doanh, đi học nghề,…

Ths. Trần Anh Tuấn- Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Vĩnh Long- phấn khởi cho biết đợt tuyển sinh đầu tiên vào tháng 5/2018 đã thành công hơn sự mong đợi. Ông nói: “Mọi năm đây là đợt tuyển sinh nhận được ít hồ sơ nhất, nhưng năm nay thì chúng tôi đã nhận hơn 50% chỉ tiêu, tức gần 300 hồ sơ rồi”.

Có nhiều học sinh vừa hoàn thành chương trình học THCS đã đăng ký vào học trung cấp nghề ở trường này.

Kết quả này đánh dấu cả quá trình phấn đấu thực hiện đề án phân luồng học sinh sau THCS của tỉnh Vĩnh Long cũng là phản ánh công tác tư vấn tuyển sinh của Trường CĐ Nghề Vĩnh Long. “Từ treo băng rôn, khẩu hiệu, phát tờ rơi… chúng tôi tiến tới tư vấn trực tiếp cho phụ huynh và cả học sinh, mời họ lên tận trường tham quan, giới thiệu”- Ths. Trần Anh Tuấn nói thêm.

Học viên ra trường biết nghề, thạo việc và có việc làm ngay tạo nên uy tín cho trường nghề. Bên cạnh dạy học chất lượng, nhà trường còn liên kết doanh nghiệp trong khâu đào tạo và tuyển dụng. “Học sinh được học từng mô đun tại doanh nghiệp, nhờ đó thực hành càng sát thực tế hơn”.

Một ưu điểm khác là các học sinh học TRUNG CẤP có thể đăng ký học hệ GDTX vào buổi tối để tiếp tục hoàn thành chương trình THPT. Ths. Trần Anh Tuấn cười thật tươi: “Niềm vui của tôi là nhìn ánh đèn sáng trưng từ các lớp học buổi tối. Có hơn 300 học sinh tham gia học chương trình THPT buổi tối tại trường. Vậy là các em sau khi ra trường vừa có bằng TRUNG CẤP nghề vừa có bằng tốt nghiệp THPT”.

Những cái được của “luồng khác”

Bắt đầu từ năm học 2017- 2018, tất cả học sinh tốt nghiệp THCS vào học hệ TRUNG CẤP tại các trường trung cấp nghề đều được miễn 100% học phí theo Luật Giáo dục nghề nghiệp do Chính phủ quy định thì việc phân luồng học sinh sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

Trong đó, việc phân luồng nếu làm khoa học và chặt chẽ sẽ tạo điều kiện cho các trường nghề phát triển, giúp học viên có được công việc ổn định, phù hợp tránh tình trạng tất cả cùng chăm chú vào mục tiêu đậu ĐH để rồi sau đó ra trường thất nghiệp.

Cùng các bạn tham quan Trường CĐ Nghề Vĩnh Long, Nguyễn Phúc Vinh (TX Bình Minh) cho biết: “Sau khi nghe tư vấn, em định chọn nghề điện lạnh, em học trung bình và thích học nghề gì đó hơn là học tiếp phổ thông”.

Còn những con đường khác sau THCS như vào học ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên. Tại đây, các em có thể học văn hóa song song với học nghề. Ưu điểm của việc học ở các trung tâm này là chương trình vừa phải, bên cạnh các em có thể chọn học nghề mà mình yêu thích.

Một hướng đi khác nữa là học các nghề như nấu ăn, trang điểm, làm tóc, chăm sóc da… ở các cơ sở dạy nghề với thời gian học khoảng 1 năm. Em Nguyễn Thị Thu Trang- học sinh Trường THCS Mỹ Thạnh Trung- cho biết: “Bên cạnh thi THPT vào Trường THPT Trần Đại Nghĩa thì em cũng định học nghề làm tóc, trang điểm cô dâu để tự ra mở tiệm”.

Có thể thấy, ngoài việc rộng cửa đón học sinh tốt nghiệp THCS vào học với việc tổ chức tuyển sinh nhiều đợt trong năm, mở thêm ngành nghề đào tạo xã hội đang cần thì các trường cũng cần xây dựng các chương trình liên kết với doanh nghiệp, cơ sở lao động để tăng cường thực hành cho học viên cũng như bảo đảm đầu ra khi tốt nghiệp cho người học nghề.

Tại Vĩnh Long, năm học 2016-2017 có 10.436/13.082 học sinh tốt nghiệp THCS năm học 2015-2016 vào học THPT, chiếm 79,77%; vào học giáo dục thường xuyên 1.006 học sinh, chiếm 7,69%; học trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề có 773 học sinh, chiếm 5,91%; còn lại 867 học sinh đi theo luồng khác, chiếm 6,63%.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN