PGS Văn Như Cương: Đừng cố tuyển đủ chỉ tiêu mà hãy lo đào tạo lại nguồn giáo viên sẵn có

Cập nhật, 11:39, Thứ Tư, 09/08/2017 (GMT+7)

“Các trường ĐH, CĐ sư phạm hiện nay dường như đang cố tuyển cho đủ chỉ tiêu để đào tạo mà chưa thực sự quan tâm đến chất lượng đầu vào. Các thầy cô đừng lo vì thiếu sinh viên mà sẽ không có việc làm. Việc cần làm bây giờ là phải hạn chế đào tạo giáo viên mới, dồn lực bồi dưỡng hay thực chất phải là dạy lại giáo viên cũ” - PGS Văn Như Cương cho hay.

Hạn chế đào tạo mới, dạy lại cũ

Theo PGS Văn Như Cương (Chủ tịch HĐQT Trường Lương Thế Vinh, Hà Nội), việc mức điểm chuẩn vào các trường ĐH, CĐ sư phạm thấp kỉ lục, trong khi điểm thi năm nay được đánh giá là tăng cao, cho thấy số lượng thí sinh đăng kí vào ngành sư phạm rất ít. Đó là một nguy cơ lớn. Bởi chúng ta đang làm công cuộc đổi mới cơ bản và toàn diện ngành giáo dục thì động lực đổi mới, yếu tố quan trọng cho đổi mới chắc chắn phải là người giáo viên và yếu tố đầu tiên để đảm bảo thắng lợi trong cuộc đổi mới này phải là chất lượng người thầy.

Trước đây, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội phải lấy đến 25 - 27 điểm thì nay cũng xuống thấp hơn nhiều. Chưa kể các trường ĐH top thấp hơn chỉ lấy bằng hoặc nhỉnh hơn điểm sàn một chút, các trường CĐ chỉ lấy 9 - 10 điểm. Khi điểm vào thấp thì dù có đào tạo tốt thế nào đi nữa, đầu ra sẽ vẫn thấp. Như vậy, hệ luỵ "thầy dốt" khó có "trò giỏi" là điều dễ nhìn thấy. Thầy dốt cũng không cáng đáng được nhiệm vụ đổi mới.

Với lo ngại các trường ĐH, CĐ đang cố lấy cho đủ chỉ tiêu, PGS Văn Như Cương cho hay: Thực tế đáng buồn là dường như các trường ĐH, CĐ sư phạm đang lấy điểm thấp để đủ chỉ tiêu, vì lấy chỉ tiêu ít thì giáo viên tại các trường sư phạm không có việc. Điều này là sai lầm. Hiện nay, chúng ta đang thừa giáo viên nên phải hạn chế đào tạo số lượng giáo viên mới. Các trường ĐH, CĐ sư phạm đang quên đi nhiệm vụ thực hiện bồi dưỡng giáo viên.

Công việc bồi dưỡng hay nói thẳng ra là dạy lại cũng phải thực hiện cho thật chuẩn, có đánh giá kiểm tra thực chất, không tốt nghiệp thì không đủ điều kiện tiếp tục dạy học. “Công việc này phải làm bài bản chứ không phải kiểu hình thức như cử một vài tổ trưởng bộ môn đi nghe truyền đạt kiến thức trong vài ngày rồi về truyền đạt lại cho giáo viên khác. Cách làm này thực chất không hiệu quả” – thầy Văn Như Cương nhận định.

Nên tạo điều kiện thu hút người giỏi

Theo PGS Văn Như Cương, nhiều vấn đề của ngành giáo dục đang không hấp dẫn người giỏi, có thể kể như việc thừa biên chế, lương thấp, áp lực công việc cao... Vì thế, cần cố gắng tạo ra những điều kiện tốt hơn để thu hút giáo viên giỏi. Mà theo thầy Cương, chính sách giảm bớt học phí là điều không nên bỏ để các trường hợp nhà nghèo học giỏi vẫn có thể theo học được.

Ngoài ra, các địa phương phải nắm vững số lượng giáo viên thừa, thiếu mức độ nào, từ đó báo cáo lên Bộ GDĐT để Bộ GDĐT có những điều chỉnh cụ thể.

Chủ tịch HĐQT Trường Lương Thế Vinh cũng cho rằng, cơ hội cho các giáo viên giỏi ra trường vẫn rất lớn. “Trường ngoài công lập không kể tốt nghiệp lâu năm hay vừa mới ra trường, chỉ cần đảm bảo có năng lực là sẽ được nhận. Cái hơn của các trường ngoài công lập là quyền được lựa chọn giáo viên theo ý mình, đảm bảo yêu cầu của nhà trường. Đối với những giáo viên giỏi, thu nhập của họ vẫn ổn định”, PGS Văn Như Cương cho biết.

Tuy nhiên, nhìn nhận vào thực tế, số giáo viên có thu nhập cao, đặc biệt giáo viên có thu nhập rất cao nhờ dạy trực tuyến, dạy thêm vẫn chỉ là con số rất ít. Lương giáo viên vẫn luôn được cho là không đủ sống, trong khi đó, giáo viên ít kiếm được việc làm thêm ngoài. Vấn đề về thu nhập cũng là yếu tố ảnh hưởng đến đầu vào rất nhiều.

Theo Lao Động