Du học sinh Lào ở Vĩnh Long

Cập nhật, 14:12, Thứ Tư, 16/08/2017 (GMT+7)

Hàng chục du học sinh Lào học tại các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đang dần thích nghi với môi trường học tập cũng như phong tục tập quán địa phương và xem Việt Nam như quê hương thứ hai của mình.

Trường có số SV Lào theo học nhiều nhất tỉnh Vĩnh Long là Trường ĐH Cửu Long với 42 SV.
Trường có số SV Lào theo học nhiều nhất tỉnh Vĩnh Long là Trường ĐH Cửu Long với 42 SV.

Hòa nhập với môi trường mới

Trường có số sinh viên (SV) Lào theo học nhiều nhất tỉnh Vĩnh Long là Trường ĐH Cửu Long với 42 SV, trong đó có 32 SV do trường tiếp nhận, 10 em còn lại do Trường CĐ Y tế tỉnh Đồng Tháp đưa sang học lớp tiếng Việt nâng cao.

Cô Nguyễn Thanh Tâm- trợ lý Trưởng phòng Quản lý khoa học sau đại học và hợp tác quốc tế Trường ĐH Cửu Long, cho biết trong số SV do trường tiếp nhận, 1 em vừa bảo vệ xong luận văn thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh đang chờ tốt nghiệp, 10 em học ĐH, số còn lại đang học chứng chỉ tiếng Việt.

Đa số SV Lào đến từ các tỉnh Champasak, Salavanh… và được ăn ở miễn phí trong ký túc xá của trường. 

SV Keokhamphet Souksavanh (21 tuổi, ngụ tỉnh Champasak), đang học năm thứ ba ngành tài chính ngân hàng, cho biết em đăng ký học ở Trường ĐH Cửu Long theo nguyện vọng của... bà ngoại, hiệu trưởng một trường CĐ ở tỉnh Champasak.

Trong một lần đi giao lưu với tỉnh Vĩnh Long, bà ngoại Souksavanh có tham quan Trường ĐH Cửu Long nên khi về quê đã quyết định gửi em qua học trường này.

“Lúc mới qua cũng bỡ ngỡ, bởi chưa biết tiếng Việt, việc ăn uống cũng tương đối khác, như ở Lào bữa ăn chính là ăn xôi, ở Việt Nam ăn cơm. Giờ đã quen rồi.

Thầy cô ở trường dạy rất nhiệt tình; bạn bè cũng gần gũi, chan hòa. Em đã quen dần với cách sống ở đây. Với em, Trường ĐH Cửu Long như mái nhà thứ hai”- Souksavanh chia sẻ.

Còn SV Thiphommachanl Soksay (20 tuổi, ngụ TP Viêng Chăn), một trong những SV Lào có thành tích cao trong học tập, chia sẻ: “Khi mới qua đây em rất khó khăn do bất đồng ngôn ngữ, tiếng Việt khó học, do có nhiều nghĩa. Bên cạnh đó môi trường sống khác, ăn uống, sinh hoạt... cũng còn lạ.

Nhờ các bạn Việt Nam hướng dẫn tận tình nên em đã dần bắt kịp được chương trình học cũng như quen cách sinh hoạt. Bây giờ em cảm thấy tự hào vì đã học được kiến thức chuyên sâu của ngành kế toán và có thêm nhiều bạn bè tốt”.

SV Khamanivong Sisamay cũng bộc bạch: "Các bạn Việt Nam rất vui, thường hay giúp đỡ trong học tập, do có một số thuật ngữ không hiểu, nhờ các bạn giúp giải thích. Những ngày nghỉ các bạn cũng rủ về quê bạn chơi, thỉnh thoảng cũng có đi, nhưng phải hỏi xin thầy cô quản lý. Nhà trường quản lý kỹ lắm, để đảm bảo an toàn cho các em".

Hỗ trợ chi phí học tập và sinh hoạt

Phút thư giãn của các em sau giờ học
Phút thư giãn của các em sau giờ học

Tại Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long hiện có 7 SV Lào vừa học xong chương trình 3 năm và đang chờ tốt nghiệp, trong đó có 3 SV ngành kế toán, 3 SV ngành quản trị kinh doanh và 1 SV ngành tài chính- ngân hàng.

Cô Nguyễn Thị Min- Phó trưởng phòng Chính trị và Công tác học sinh sinh viên, cho biết, trước đó 3 SV Lào học tại trường đã tốt nghiệp và đi làm.

Hầu hết SV Lào đều thích nghi khá nhanh với môi trường học tập và phong tục tập quán của nước ta, có SV đạt học lực giỏi. Đa phần các em giỏi thể thao nên thường xuyên tham gia phong trào văn hóa thể thao của trường và giao lưu với trường khác. Từ đó, tạo sự gắn bó, đoàn kết giữa SV hai nước Việt- Lào.

Theo Sở GD- ĐT Vĩnh Long, thực hiện Bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Xiêng Khoảng (Lào), từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã đào tạo hàng chục SV Lào.

Trước khi đến học ở Vĩnh Long, các em đều được học qua khóa tiếng Việt tại Trường Dự bị ĐH TPHCM.

Ngoài 2 trường ĐH Cửu Long và CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long, SV Lào còn học tại các trường: ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long, ĐH Xây dựng miền Tây, CĐ Cộng đồng Vĩnh Long... SV Lào học theo diện trên đều được tỉnh và trường hỗ trợ chi phí học tiếng Việt, chuyên ngành và sinh hoạt phí.

Bài, ảnh: BÁ HÙNG