Lối đi nào cho cử nhân "vùng trũng"?

Kỳ cuối: "Định vị" lại bậc đại học và nền kinh tế tri thức

Cập nhật, 04:26, Thứ Năm, 27/10/2016 (GMT+7)

Giải bài toán thất nghiệp, trước hết cần định hướng từ “cái gốc” là bậc học phổ thông cho đến ĐH và tái cấu trúc dạy nghề bậc cao.

Cùng với đó, Chính phủ cần có những chính sách, cơ chế khuyến khích thu hút đầu tư ở phân khúc công nghệ cao; đồng thời hỗ trợ cho khu vực phát triển nền kinh tế tri thức, mà trong đó lấy nền nông nghiệp chất lượng cao làm trung tâm và xem đây vừa là động lực, vừa là mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội ở khu vực ĐBSCL.

Chọn ngành nghề phù hợp, học đi đôi với hành để nói không với thất nghiệp.
Chọn ngành nghề phù hợp, học đi đôi với hành để nói không với thất nghiệp.

“Không sản xuất hàng thứ phẩm”

Ai đã từng học Ngữ văn ở Trường ĐH Cần Thơ hẳn không thể quên Ths. Chim Văn Bé với những câu nói rất “sốc” nhưng càng ngẫm lại lớp lớp sinh viên (SV) chúng tôi đều rất quý mến thầy.

Bộ môn Ngữ văn của trường vẫn thường có câu nói vui về những giảng viên khó tính: “nhất Bé, nhì Tâm, tam Ân, tứ Tín”, vì những môn các giảng viên này phụ trách thì SV thường rớt nhiều.

Năm 2010- năm học cuối cùng của lớp chúng tôi có 8 SV không thể ra trường vì nợ môn Tiếng Việt thực hành của thầy Bé, bởi câu thầy thường nói là “đã ra lò thì không thể ra hàng thứ phẩm”.

GS. TS. Nguyễn Thanh Phương- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ nói về việc khẳng định chất lượng đầu ra của trường: Trường tích cực đầu tư phương tiện giảng dạy, xây dựng chuẩn đầu ra cao và có 3 ngành đạt chuẩn IUM (tiêu chuẩn các trường Đông Nam Á).

“Nói đơn giản là đào tạo sao cho SV ra trường có thể đáp ứng nhu cầu công việc”- ông nhấn mạnh.

Trường CĐ Nghề An Giang đã tạo đầu ra ổn định cho học viên nhờ làm tốt khâu dự báo và việc làm. SV Phạm Thanh Sang cho biết: “Tốt nghiệp xong em sẽ làm ở Toyota Cần Thơ”. Sở dĩ Thanh Sang biết trước công việc vì em được đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.

Từng khó khăn trong tuyển sinh, nay Trường CĐ Nghề Vĩnh Long đã phát triển nhờ “tư vấn theo chiều nghịch”.

Hiệu trưởng Trần Anh Tuấn cho biết: “Thay vì chọn ngành rồi mới tính tới nhu cầu việc làm, khi đi tư vấn tuyển sinh, chúng tôi gửi cho phụ huynh và học sinh xem danh sách các công ty tuyển dụng học sinh, SV của trường sau khi tốt nghiệp”.

Dựa vào danh sách đó có cụ thể tên công ty, ngành cần tuyển, số lượng cần tuyển, trình độ và mức lương mà doanh nghiệp yêu cầu phụ huynh và học sinh sẽ chọn ngành học.

Ông Trần Anh Tuấn cười tươi: “Đến thời điểm này thì hệ trung cấp đã tuyển đủ chỉ tiêu”.

Ông Nguyễn Thanh Toàn- Trưởng Phòng Đào tạo của trường cho biết: “Hôm tốt nghiệp vừa rồi, có 3 công ty đến tuyển dụng trực tiếp nhưng 60% trong số đó đã có việc làm rồi nên họ tuyển không đủ. Bây giờ mà có 1.000 lao động nghề tôi cũng giới thiệu việc làm được”.

Trong khi đó, tại Trường ĐH Bạc Liêu, TS. Trần Mạnh Hùng- Phó Hiệu trưởng trường cho biết: “Chúng tôi chủ trương tập trung cho các ngành có hướng ra rộng, đa chiều”.

Ông ví dụ như trường không mở ngành sư phạm Ngữ văn mà mở ngành Văn học Việt Nam. Trong chương trình đào tạo của ngành này, ngoài các học phần về văn học, ngôn ngữ còn có những học phần về báo chí để SV có thể làm nhân viên văn phòng, tổ chức sự kiện, phóng viên, biên tập viên,…

Trí thức trẻ bản lĩnh

Anh giám đốc trẻ Thái Trung Tín- Công ty TNHH 1TV DV Kỹ thuật Tín Phát- mới 25 tuổi, có dáng dấp rất thư sinh nhưng lời nói thì chắc nịch.

Năm 2007, anh học ngành điện lạnh ở Trường Trung cấp Nghề Vĩnh Long (Trường CĐ Nghề Vĩnh Long ngày nay), sau khi học nghề 6 tháng đã xin theo thầy đi làm thêm.

Anh cho biết: “Lúc đó, ngoài giờ học thì tôi đi làm thêm như sửa chữa các thiết bị điện, điện lạnh. Tôi làm thêm không chỉ vì thu nhập mà còn để học hỏi kinh nghiệm nữa”.

Năm 2009 khi còn đang học, anh đã được DNTN Nhân Hòa Phát ở Phường 3 (TP Vĩnh Long) nhận làm việc với mức lương hơn 4 triệu/tháng.

Sau 2 năm làm việc, anh Tín tự tin ra mở cơ sở riêng và mới thành lập công ty vào cuối năm 2015. Anh cười: “Tôi hiện đang nhận lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng máy lạnh ở nhiều công ty, đơn vị ở Vĩnh Long và vừa thầu được công trình lắp đặt máy lạnh cho Chung cư Quận 5, Long Thành plaza”.

Anh Tín đúc kết: “Học nghề gì, ngành gì cũng vậy, khi bạn thật sự giỏi, có kỹ năng sống, tác phong công nghiệp thì bạn không sợ thất nghiệp”.

Bạn Nguyễn Minh Đức- cựu SV Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long đang làm việc cho một công ty tại tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Tôi tốt nghiệp hơn 8 tháng nay và cũng đi làm 8 tháng rồi”.

Đức thực tập và được công ty ôtô này nhận vào làm việc ngay sau khi ra trường. Với mức lương 4 triệu/tháng, được bao ở và ăn trưa nên Đức có tiết kiệm được tiền gửi về cho gia đình.

Tuy nhiên, Đức cho rằng: “Quan trọng là tôi đã làm đúng ngành mình yêu thích và tôi vui vì được học hỏi nhiều”. Minh Đức rất thích học những giờ thực hành và thường là người về cuối cùng.

Khi đi thực tập, Đức đã cố gắng hết sức làm việc, học hỏi. Đức nói: “Trong trường mình chỉ học có mấy dòng xe thôi nhưng công ty thì đa dạng và mới hơn nhiều nên mình phải chuyên tâm học hỏi hơn nữa”.

Nhờ kỹ năng và vốn ngoại ngữ giỏi, nhiều cử nhân không chỉ tìm được việc tốt mà còn thăng tiến trong công việc.

Huỳnh Như (Sóc Trăng)- cựu SV Trường ĐH Cần Thơ đang làm giám đốc cho một công ty liên doanh nước ngoài cho biết: “Khi xin vào công ty, tôi phải làm trái ngành và chỉ có duy nhất một thứ tài sản là giao tiếp được với thành viên bằng Tiếng Anh”.

Không nản lòng, Huỳnh Như cố gắng học hỏi ở vị trí làm việc mới. Sau 6 năm, Như đã từ một nhân viên lên phó phòng, trưởng phòng rồi Giám đốc kinh doanh. Huỳnh Như vui vẻ “bật mí”: “Chuyên ngành của tôi là Ngữ văn đấy!”

Cần giải pháp liên ngành và vĩ mô

Việc điều tra cung cầu lao động cũng cần phải khoa học, có quy trình chặt chẽ hơn. Bởi khi điều tra mang tính chung chung thì việc tư vấn cho học sinh khi chọn ngành cũng chưa sát với năng lực, sở thích và nhu cầu xã hội.

Theo GS.TS. Nguyễn Thanh Phương: Vấn đề SV ra trường chưa có việc làm do dự báo của mình chưa tốt. Khi mở ngành, Bộ GD- ĐT cũng quy định trên lực lượng giảng viên cơ hữu đảm bảo dạy được 70% chương trình một ngành với 1 tiến sĩ, 3 thạc sĩ.

Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang Nguyễn Kim Hường cho biết: Các trường nghề ở An Giang nhận đặt hàng của doanh nghiệp. Không chỉ đặt hàng suông, doanh nghiệp và nhà trường có hẳn một hợp đồng về chương trình đào tạo và việc làm.

Doanh nghiệp sẽ thỏa thuận họ cần lao động có những kỹ năng nào rồi lên chương trình và nhân viên của doanh nghiệp sẽ trực tiếp giảng dạy SV. SV được thực hành tại công ty, doanh nghiệp đó. Sau khi ra trường, các công ty, doanh nghiệp phải nhận ít nhất 90% SV tốt nghiệp.

Lãnh đạo các trường phổ thông ở Vĩnh Long cho rằng: Nếu thực hiện tốt việc phân luồng thì xã hội sẽ có thêm nguồn lao động có tay nghề.

Thầy Đặng Hoàng Dũng- Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Long cho biết: “Khi tư vấn cho học sinh, chúng tôi khuyên các em chọn ngành học và cấp học hoặc nghề phù hợp với mình. Dù tổ chức nhiều buổi tư vấn lớn nhỏ nhưng nhiều phụ huynh vẫn chọn “chiếc áo quá rộng” cho con.

Một khi học đã không tốt thì ra trường thất nghiệp cũng không khó hiểu. Nhìn chung, theo thầy thì “cần có một luồng gió mới để thay đổi ý thức của phụ huynh và học sinh mạnh mẽ hơn”.

Một vấn đề mà nhiều doanh nghiệp quan tâm và đề xuất là được “gỡ rối” để phát triển. Vì một khi doanh nghiệp phát triển thì kinh tế sẽ phục hồi và giải quyết việc làm cho lao động.

Theo các nhà kinh tế, khi GDP tăng 1% thì tạo được 0,34% việc làm mới. Sự phát triển ổn định của doanh nghiệp, tạo môi trường thu hút đầu tư, góp phần giải quyết tình trạng SV tốt nghiệp “nằm chờ”.

Xuất khẩu lao động, tham gia chương trình thực tập sinh cũng là một trong những giải pháp đáng lưu ý cho bài toán thất nghiệp.

Ông Trần Anh Tuấn cho biết: “Hiện, chúng tôi đang kết hợp để cho học sinh tham gia chương trình thực tập sinh tại Nhật Bản.

Khi đến Nhật, các em sẽ vừa học vừa làm để học hỏi khoa học kỹ thuật, tác phong công nghiệp,… Khi về nước, các em SV này sẽ được giới thiệu việc làm”.

Ở tầm vĩ mô, các địa phương, đặc biệt là Chính phủ cần quan tâm hơn bằng những cơ chế, hoạch định chiến lược thu hút đầu tư vào khu vực, mà trong đó ưu tiên cho công nghệ sạch, đòi hỏi ứng dụng khoa học công nghệ cao.

Như quyết định đầu tư khu nuôi tôm công nghệ cao ở tỉnh Bạc Liêu là tín hiệu vui cho ĐBSCL. Mạnh dạn giảm bớt kêu gọi đầu tư gia công, dễ biến khu vực trở thành “xưởng gia công” của nước ngoài, với hàng ngàn lao động giản đơn nhưng việc sử dụng lực lượng trí thức trẻ thì ít.

Cử nhân thất nghiệp cao là sự lãng phí lớn nguồn nhân lực quan trọng, nó tạo nên “sức ỳ” trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội của khu vực.

Đây là thực trạng báo động và việc giải bài toán thất nghiệp cho đội ngũ trí thức trẻ đồng bằng là việc làm vừa cấp bách, vừa lâu dài, phải có lộ trình và phối hợp đồng bộ từ nhiều phía.

Riêng các cử nhân, cần phải thực sự có trình độ, kỹ năng và rèn luyện tác phong thật tốt để tìm việc khi ra trường.

Phát biểu tại buổi lễ khai giảng năm học mới 2016- 2017 tại Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long, ông Lữ Quang Ngời- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh: “Các em học sinh, SV cần siêng năng, tích cực chủ động sáng tạo, không xem nhẹ các giờ thực hành để vận dụng tốt kiến thức đã học vào cuộc sống. Bên cạnh đó, cần tham gia hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt tập thể, rèn luyện kỹ năng mềm để phục vụ tốt công việc sau này”.

---------

Ông Trần Anh Tuấn- Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Vĩnh Long: “Chúng tôi giáo dục nghề nghiệp nên hơn 80% chương trình học viên, SV được thực hành, thực tập. Khi ra trường, các em có thể đi làm ngay. Chương trình học cũng thường xuyên thay đổi các mô- đun theo yêu cầu của doanh nghiệp. Khi tư vấn tuyển sinh thì chúng tôi yêu cầu các trường trung học phải mời được cả phụ huynh đến, vì phụ huynh mới là người cần được tư vấn nhiều nhất”.

--------- 

Anh Thái Trung Tín: “Các bạn trẻ nên chọn đường đi phù hợp cho mình, không chỉ có vào ĐH mới thành công. Một khi mình đã giỏi nghề thì đi đâu cũng làm được. Khi tuyển dụng, tôi chỉ cần nhìn hồ sơ xem người đó học trường nào là có thể quyết định 80% vì môi trường đào tạo rất quan trọng, phần còn lại là kỹ năng của các bạn khi trả lời những câu hỏi”.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN- NGỌC TRẢNG