Nâng chất tuyển sinh

Cập nhật, 07:00, Thứ Tư, 06/01/2016 (GMT+7)

 

Năm 2015, Trường ĐH Cần Thơ tuyển sinh (đợt 1) với 8.600 chỉ tiêu.
Năm 2015, Trường ĐH Cần Thơ tuyển sinh (đợt 1) với 8.600 chỉ tiêu.

Năm 2016, các trường ĐH, CĐ sẽ xác định chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên Thông tư 32 mới ban hành. Nhiều lãnh đạo trường cho rằng thông tư rất hay và sẽ nâng cao được chất lượng tuyển sinh, nếu thực hiện đúng.

Nâng chuẩn

Theo đánh giá của lãnh đạo các trường ĐH, CĐ ở Vĩnh Long, Thông tư 32 có nhiều điểm quy định cụ thể, rõ ràng so với Thông tư 57- quy định về chỉ tiêu tuyển sinh áp dụng các năm trước.

Có 3 điểm mới được quy định: tỷ lệ sinh viên/giảng viên theo khối ngành; diện tích sàn xây dựng 2,5 m2/sinh viên; quy mô sinh viên chính quy tối đa của cơ sở giáo dục ĐH cũng chia làm 3 mức: 5.000 sinh viên ở các cơ sở giáo dục ĐH khối ngành nghệ thuật; 8.000 sinh viên đối với các cơ sở giáo dục thuộc khối ngành sức khỏe; 15.000 sinh viên đối với các cơ sở giáo dục ĐH thuộc khối ngành: khoa học giáo dục, giáo viên; kinh doanh và quản lý, pháp luật; khoa học sự sống, khoa học tự nhiên; kỹ thuật công nghệ, nông lâm thủy sản,…

Trước đây, Thông tư 57 của Bộ GD-ĐT chỉ dừng lại ở yêu cầu xác định chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên đội ngũ giảng viên cơ hữu chung của toàn trường, không phân chia theo khối ngành đào tạo. Một số trường đã tập trung tuyển sinh các ngành “hot”, dễ tuyển dẫn tới chất lượng sinh viên đầu ra không cao.

Bên cạnh đó, diện tích sàn xây dựng cũng tăng từ 2m2/sinh viên thành 2,5m2/sinh viên. Việc quy định số sinh viên chính quy tối đa của cơ sở giáo dục ĐH thực chất không ảnh hưởng đến các trường ở Vĩnh Long.

Ths. Nguyễn Cao Đạt- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long cho biết: “Nếu áp dụng Thông tư 32, trường chúng tôi có thể tuyển sinh hơn 3.000 chỉ tiêu. Tuy nhiên, năm 2016, chúng tôi lên kế hoạch tuyển khoảng 2.000 sinh viên”.

Áp dụng Thông tư 32, một số trường ĐH sẽ bị cắt giảm bớt chỉ tiêu do quy định về quy mô tuyển sinh. Tuy nhiên, đã đến lúc chúng ta đào tạo sâu về chất lượng, không chạy theo số lượng. Lãnh đạo một trường ĐH nói: Chúng ta nên nhớ rằng, làm giáo dục để đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài chứ không làm giáo dục để kiếm tiền.

Cân đối nguồn tuyển

TS. Cao Hùng Phi- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long cho rằng: “Thông tư 32 hay và chặt chẽ hơn những thông tư trước đây. Với việc áp dụng thông tư này, các trường sẽ thuận lợi hơn trong xác định chỉ tiêu và tuyển sinh”.

Ths. Nguyễn Cao Đạt cũng đồng tình Thông tư 32 có nhiều điểm mới, sáng hơn: “Thứ nhất, nó hạn chế số lượng sinh viên trong một trường, vì theo tôi nhiều trường đã quá tải. Thứ hai, nó là chế tài và phân tầng các trường ĐH: đào tạo nhân lực, đào tạo nhà nghiên cứu, tinh hoa,…”.

Là trường ĐH có đào tạo hệ CĐ, Ths. Nguyễn Cao Đạt cũng đồng tình với việc giảm chỉ tiêu CĐ và hướng tới ĐH chỉ tuyển sinh hệ ĐH. Ông cho rằng: “Việc cắt giảm chỉ tiêu hệ CĐ trong trường ĐH, theo tôi không cần lộ trình dài lắm. Tuy nhiên, để bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn thì cần có lộ trình”.

Các trường CĐ cũng phấn khởi với việc cắt giảm chỉ tiêu ĐH. Nói như ông Trần Thanh Tùng- Hiệu trưởng Trường CĐ Cộng đồng Vĩnh Long thì: “Trường ĐH còn xét tuyển hệ CĐ thì làm sao trường CĐ có thể cạnh tranh được?” Nay đã có lộ trình cho các trường ĐH giảm chỉ tiêu CĐ đến năm 2020.

Tuy nhiên, ở tiêu chí 3 được xem là điều kiện ràng buộc để đảm bảo chất lượng, quy mô đào tạo của các trường đã khiến không ít trường có quy mô lớn băn khoăn.

Đào tạo không quá 15.000 sinh viên đối với các cơ sở giáo dục ĐH thuộc khối ngành khoa học giáo dục, giáo viên; khối ngành kinh doanh và quản lý, pháp luật; khối ngành khoa học sự sống, khoa học tự nhiên; khối ngành kỹ thuật, công nghệ, nông lâm thủy sản,…

Như vậy, trường ĐH đa ngành như Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Sài Gòn… quy mô đào tạo lớn hơn con số 15.000 sinh viên có trường lên đến 30.000 sinh viên đang nằm trong vòng chờ Bộ trưởng xem xét.

Tuyển sinh năm 2016 hy vọng có nhiều điểm sáng, hay hơn so với các năm qua. Nhưng vẫn còn chút băn khoăn bởi nếu giảm quy mô một cách đột ngột, một số trường sẽ giảm nguồn thu, giảng viên thất nghiệp,…

 

 

Bộ GD-ĐT quy định, cơ sở giáo dục ĐH đang đào tạo trình độ CĐ, mỗi năm phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh hệ CĐ ít nhất 30% so với năm 2015, để dừng tuyển sinh hệ CĐ trước năm 2020. Cơ sở giáo dục ĐH có đào tạo trình độ trung cấp phải chấm dứt vào năm 2017.

Bên cạnh, chỉ tiêu tuyển sinh liên thông chính quy được xác định không quá 15% chỉ tiêu chính quy đối với khối ngành sức khỏe, không quá 20% chỉ tiêu đối với các khối ngành còn lại. Đối với hệ đào tạo vừa làm vừa học (liên thông, văn bằng 2), chỉ tiêu không quá 30% tổng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy hàng năm. Chỉ tiêu hệ đào tạo từ xa sẽ được Bộ GD-ĐT xem xét căn cứ theo đề án của từng cơ sở và không được đào tạo khối ngành khoa học giáo dục, giáo viên.

 

Bài, ảnh: CAO HUYỀN