Quyết đạt chuẩn phổ cập mầm non

Cập nhật, 06:57, Thứ Tư, 11/11/2015 (GMT+7)

Mầm non là bậc học đầu tiên, góp phần hình thành nền móng xây dựng nhân cách trẻ em. Đề án Phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ 5 tuổi trong toàn quốc hướng tới mục tiêu trên. Tuy nhiên nhiều năm qua, việc đầu tư để đạt chuẩn phổ cập GDMN còn nhiều khó khăn.

Vĩnh Long, tỉnh nằm trong top cuối, phải hoàn thành đề án này trong năm học 2015- 2016. Đến nay, có 3 huyện- thị- thành đạt chuẩn phổ cập. Cả tỉnh đang quyết tâm hoàn thành phổ cập đúng tiến độ đề ra.

Kỳ 1: “Xây” chuẩn trong bộn bề khó khăn

Cơ sở vật chất thiếu, giáo viên thiếu, nhiều trường MN trong tỉnh phải học nhờ, học tạm học ghép lớp, chia sẻ giáo viên từ các lớp học 3, 4 tuổi lên dạy 5 tuổi.

Một phần do tâm lý phụ huynh vùng sâu và điều kiện kinh tế khó khăn nên khó tổ chức cho trẻ học 2 buổi/ ngày, giáo viên cũng thiếu,... Từ khi bắt đầu thực hiện phổ cập GDMN, Vĩnh Long như nằm ở điểm thấp nhất.

Ở trường mầm non Hoa Hồng (xã Mỹ Thạnh Trung – Tam Bình), trẻ vẫn được học bán trú hoặc 2 buổi/ngày trong điều kiện khó khăn
Ở trường mầm non Hoa Hồng (xã Mỹ Thạnh Trung – Tam Bình), trẻ vẫn được học bán trú hoặc 2 buổi/ngày trong điều kiện khó khăn

Cái gì cũng thiếu

Vũng Liêm là huyện gặp nhiều khó khăn nhất của tỉnh Vĩnh Long trong phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi. Huyện có địa bàn rộng với 20 xã- thị trấn và mỗi trường MN ở các xã- thị trấn lại có rất nhiều điểm lẻ, có trường lên đến 6 điểm lẻ.

Bà Nguyễn Thị Bé Chi- chuyên viên phụ trách MN, Phòng GD-ĐT Vũng Liêm- cho biết, so với các địa phương khác, Vũng Liêm có khởi đầu thấp và trễ hơn trong thực hiện phổ cập bậc học này.

“Hiện tại, huyện còn thiếu 39 phòng học cho trẻ 5 tuổi và 43 giáo viên cho cả bậc học. Để khắc phục, phòng tạm thời hợp đồng với 17 giáo viên MN để đảm bảo việc dạy học cho các bé 5 tuổi. Việc cho trẻ học 2 buổi/ngày cũng không dễ, nhất là đối với xã vùng sâu thì phụ huynh ngại đưa rước. 

Hơn nữa, cho trẻ học luôn buổi chiều phụ huynh sẽ tốn thêm tiền (2.000 đ/buổi), công đưa rước”- bà thông tin.

Huyện Tam Bình cũng gặp nhiều khó khăn tương tự. Tam Bình hiện có 18 trường và còn thiếu cả về giáo viên, phòng học.

Trường MN Hoa Hồng (xã Mỹ Thạnh Trung) có 501 trẻ trên 19 lớp, 4 điểm trường, nhưng chỉ có 17 giáo viên. Trong đó, một điểm lẻ mượn cơ sở UBND xã Mỹ Thạnh Trung cũ đã xuống cấp để dạy học.

Thiếu phòng học, điểm chính của trường ở ấp Mỹ Trung 1 phải học 2 ca. “Trường đang cố gắng vận động trẻ 5 tuổi ra lớp và học 2 buổi/ ngày. Để đạt chuẩn về phòng học, trường cần có 6 phòng học mới, sửa chữa 8 phòng đang xuống cấp. Mong muốn của trường là có quỹ đất, xây phòng sớm để đạt chuẩn phổ cập, để trẻ có điều kiện học tập tốt hơn”- cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Mỹ Tiên nói.

Tại huyện Bình Tân, ông Trần Thanh Lâm- Trưởng Phòng GD-ĐT, cho biết: Qua kiểm tra rà soát, đến nay hầu hết các trường mẫu giáo trên địa bàn đều đạt yêu cầu kỹ thuật để được công nhận phổ cập GDMN 5 tuổi.

Chỉ còn xã Tân Thành, nơi còn thiếu phòng học và đồ dùng, đồ chơi theo quy định. Chúng tôi sẽ nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm đồ dùng, đồ chơi cho các trường. Khả năng đầu năm học 2016- 2017 huyện sẽ đạt chuẩn phổ cập GDMN.

Trong khi đó, huyện Long Hồ gặp khó lớn nhất là thiếu quỹ đất dành để xây dựng cơ sở vật chất các trường. Theo chuyên viên MN Phòng GD- ĐT Long Hồ Phạm Thùy Hương, do có thời gian một số địa bàn xã trong huyện gặp khó về việc định vị được mặt bằng dể dành xây trường học cho bậc học này.

Cô Hương nhớ lại cuối năm 2014, Phòng GD- ĐT cùng Phó Chủ tịch UBND huyện Long Hồ khi đó là ông Nguyễn Văn Luân đi thực tế các xã để “dọ” vị trí đất đai xây trường. Cuối cùng sau 2 tháng cũng chưa có kết quả. Lúc đó, một số cán bộ quản lý, phụ trách MN thuộc Phòng GD- ĐT huyện lại vận động, thuyết phục người dân các địa bàn phối hợp hỗ trợ mặt bằng xây dựng trường học.

Bó hẹp

Nhiều thứ thiếu: phòng học, giáo viên, đồ dùng đồ chơi,... nên có cảm giác mọi hoạt động của bậc học này tại không ít cơ sở GDMN rất hẹp, theo đúng nghĩa đen của nó.

Trường Mẫu giáo Hiếu Thuận (Vũng Liêm) có 3 điểm lẻ và 1 điểm chính và là đơn vị còn nhiều khó khăn nhất ở bậc học này tại huyện. Điểm chính trường có 2 phòng học; phòng ban giám hiệu, kế toán phải sử dụng nhờ phòng của Trung tâm Văn hóa xã Hiếu Thuận.

Trường mẫu giáo Hiếu Thuận (Vũng Liêm) ở nhờ nhà văn hoá xã
Trường mẫu giáo Hiếu Thuận (Vũng Liêm) ở nhờ nhà văn hoá xã

Cô Trần Thị Kim Chi- Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hiếu Thuận chỉ tay vào các tủ đồ lỉnh kỉnh quanh “phòng” làm việc của mình: “Đây là tủ của bên quân sự gửi; còn đây là tập, sách của Hội Khuyến học xã; máy tính ở phía trước là của Trung tâm Học tập cộng đồng”.

Tất cả “gói” trong không gian khoảng 20m2, trong đó một nửa là của các đơn vị khác, nửa còn lại để 2 bàn làm việc, tủ hồ sơ cho cả ban giám hiệu và các bộ phận chức năng của trường.

Trường này có đến 5 lớp học ghép, trong đó 1 lớp ghép 3 độ tuổi. Cô Chi cho biết: Ấp Cây Gáo có 1 lớp 3 độ tuổi: 3, 4, 5 với 25 bé; 2 lớp ghép 3, 4 tuổi; 2 lớp ghép 4, 5 tuổi. Các lớp này sĩ số rất ít, nếu mở riêng lớp 5 tuổi thì vừa thiếu phòng học vừa thiếu giáo viên.

Do đó buộc trường phải tổ chức học ghép, vận động phụ huynh đưa các bé 5 tuổi vào học buổi chiều. Ngay cả ở điểm chính ấp Phú Cường với 2 phòng học cũng có đến 3 lớp. Cô Chi nói: “Ưu tiên cho các bé 5 tuổi học 2 buổi/ ngày, còn các bé 3, 4 tuổi học phải học ghép và tương lai sẽ còn... học ghép dài dài”.

Bà Nguyễn Thị Bé Chi nói: “Năm nay, tinh thần chung là quyết tâm đạt chuẩn phổ cập GDMN. Đạt 90%, tức có 18 xã- thị trấn là được công nhận đạt chuẩn phổ cập”.

Theo ông Lê Văn Đôi- Phó Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm, đúng là thời gian qua huyện Vũng Liêm còn tập trung vào những cấp học khác và ít quan tâm đến bậc học MN. Do đó, khi bắt đầu xây chuẩn, huyện gặp nhiều khó khăn và thiếu thốn nhiều thứ.

 

Tính đến thời điểm tháng 9/2015, BCĐ Đề án phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức kiểm tra công nhận 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn (Trà Ôn, TX Bình Minh, TP Vĩnh Long và Mang Thít, trong đó Mang Thít đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ), chiếm 50%. Hiện tại BCĐ đề án các huyện đã tổ chức kiểm tra công nhận 83/109 xã- phường- thị trấn đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, tỷ lệ 76,14%.

>> Kỳ cuối: “Đạt chuẩn giáo dục mầm non 5 tuổi- hoàn thiện cũ, khởi đầu mới”.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN- MINH THÁI