Trông chờ quy chế tuyển sinh mới

Cập nhật, 07:06, Thứ Tư, 28/01/2015 (GMT+7)

Hiện nhiều học sinh (HS) và lãnh đạo các trường THPT đang có tâm lý chờ quy chế thi và tuyển sinh chính thức của Bộ GD- ĐT. Trong khi đó, các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) đã công bố các phương án tuyển sinh.

 

Chờ quy chế

Năm nay, Bộ GD- ĐT giao các trường ĐH- CĐ phải nộp phương án tuyển sinh, bao gồm phương án thi, chỉ tiêu từ sớm và dự kiến đến tháng 1/2015 sẽ công bố các phương án tuyển sinh nào được bộ chấp nhận. Tuy nhiên, đến hôm 27/1 vẫn chưa có công bố các phương án tuyển sinh được chọn. Cũng như, chưa có quy định chính thức về cụm thi, thi
ở đâu?

So với mọi năm, quy trình này có vẻ “ngược”. Nghĩa là, mọi năm Bộ GD- ĐT công bố quy chế thi trước cho các trường làm phương án tuyển sinh rồi sau đó mới có chỉ tiêu. Năm 2015, lần đầu tiên đổi mới cách thi và kiểm tra đánh giá: gộp 2 kỳ thi làm một gọi là kỳ thi THPT quốc gia, kết quả của kỳ thi này là cơ sở để các trường ĐH, CĐ xét tuyển.

Phương án tuyển sinh năm nay của các trường ĐH, CĐ phổ biến ở 2 dạng: xét tuyển dựa vào học bạ và xét tuyển dựa trên điểm của kỳ thi quốc gia. Trong đó, có nhiều trường dành từ 30- 50% để xét tuyển học bạ.

Một số trường xét điểm trung bình các môn trong tổ hợp lớp 12 nhưng sau đó đã có quy định mới của bộ bắt buộc xét cả 3 năm 10, 11 và 12,… nên phải thay đổi. Nhìn chung, thí sinh có học bạ trên 5,5 có cơ hội vào CĐ và từ 6,5 trở lên có cơ hội vào ĐH.

Thời gian thi đã cận kề (đầu tháng 7) và các thí sinh đang cần có những hướng dẫn, quy định chính thức cho kỳ thi. Nhiều trường THPT đã chủ động liên hệ các trường ĐH, CĐ để tư vấn cho các em.

Thầy Đặng Hoàng Dũng- Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Long cho biết: Trường đã chủ động cho HS đăng ký môn thi. Trong các buổi sinh hoạt chủ nhiệm, sinh hoạt dưới cờ, giáo viên cũng xen vào tư vấn cho các em. Tuy nhiên, trường cũng dựa trên cơ sở những cái mình biết và những cái đã được công bố riêng các phần khác thì vẫn còn chờ.

Trường THPT Trà Ôn cũng còn chờ mới tư vấn cho HS. Hiện trường chỉ nói với các em những phần trong phạm vi có thể. Thí sinh tự do Trần Thị Kim Ngân (Phường 2- TP Vĩnh Long) băn khoăn: “Em năm nay định thi ĐH. Em phải thi lại từ đầu để lấy điểm xét tuyển, em không biết nếu đề chuyển sang dạng mở gì đó mình có làm tốt hơn không khi mà em học vẫn theo chương trình cũ?”

Tư vấn kỹ

Để giúp HS hiểu hơn về các trường và ngành mình muốn thi, trước hết, các trường THPT kết hợp với trường CĐ, ĐH tổ chức các buổi tư vấn hướng nghiệp cho HS các trường. Nhờ đó, các em chủ động hơn trong khâu chuẩn bị hành trang cho mình.

Vừa rồi, HS Trường THPT Hiếu Phụng (Vũng Liêm) đã đến Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long để được tư vấn hướng nghiệp. Qua buổi tư vấn, có thể thấy hầu hết các em quan tâm tới việc xét tuyển, môn thi và ngành nghề ra trường có việc làm. Có thể nói, hiểu biết của các em HS về kỳ thi quốc gia là rất hạn chế và các em đều có tâm lý lo lắng trước những đổi mới.

Thầy Hiệu trưởng Đỗ Văn Sử- Trường THPT Nguyễn Hiếu Tự (Vũng Liêm) đang cho HS đăng ký môn thi và tiến hành tư vấn, giải đáp cho các em. Thầy cho biết: “Nhiều trường CĐ- ĐH sẽ đến tận trường tư vấn cho các em. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ tổ chức cho HS đến những buổi tư vấn khác”.

Hiện nay, giáo viên các trường chủ yếu tư vấn cho HS mình cách chọn môn thi cho phù hợp với khối ngành. Có 3 môn thi bắt buộc là: Toán, Ngữ văn và Anh văn vừa đủ cho tổ hợp khối D1. Vậy em nào muốn xét khối A có thể thi thêm Vật lý, Hóa học; muốn thi khối A1 thi thêm Lý,…

Tuy nhiên, giáo viên cũng lưu ý HS không nên “ôm đồm” thi nhiều môn để cơ hội xét tuyển cao mà quên đi việc ôn tập sao cho đạt chất lượng cao nhất. Các em cũng không quên điểm liệt để phòng khi “rớt tốt nghiệp mà đậu đại học” thì không biết phải làm sao?

Riêng các trường có tổ hợp môn không giống khối thi truyền thống, HS cũng phải chuẩn bị sẵn tâm lý. Vì, Bộ GD- ĐT chưa công bố các phương án tuyển sinh nào được chấp nhận nên không thể ỷ lại vào phương án của trường.Ví dụ trường chọn tổ hợp 3 môn: Anh văn, Ngữ văn, Lịch sử nhưng sau đó bộ không chấp nhận phải đổi lại thành Văn, Sử, Địa theo khối C truyền thống thì các em sẽ hụt hẫng khi không học kịp.

Thiết nghĩ, Bộ GD-ĐT cần sớm ban hành quy chế thi. Bởi, kỳ thi đang đến gần khiến cho phụ huynh, HS càng thêm lo lắng.

Các điểm mới trong kỳ thi quốc gia năm 2015

Chỉ còn một kỳ thi quốc gia duy nhất. Cấu trúc đề thi THPT quốc gia 2015 tăng cường độ phân hóa, nhiều câu hỏi mở. Dùng thang điểm 20 thay cho thang điểm 10 (tức là điểm 1 môn cao nhất ngày trước là 10 bây giờ sẽ là 20), điểm liệt là 2.

Chỉ có công nhận tốt nghiệp THPT, không xếp hạng tốt nghiệp. Mỗi thí sinh có 4 giấy chứng nhận kết quả. Kỳ thi THPT quốc gia dự kiến sẽ được tổ chức từ 1- 4/7/2015 với 4 môn thi bao gồm 3 môn thi bắt buộc là Văn, Toán, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong các môn sau: Lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý.

Đăng ký dự thi THPT quốc gia chậm nhất ngày 1/4/2015.

Các trường bắt đầu sử dụng kết quả học bạ của các năm THPT (cấp 3) để xét tuyển
đầu vào.

Ngoại ngữ thi trắc nghiệm toàn bộ, không còn câu hỏi viết tự luận như năm 2014.

Thí sinh tự do đăng ký môn phù hợp với mục đích của mình.

Đăng ký tuyển sinh vào các ngành, trường sau khi thi. Ít nhất 2 tỉnh (cụm thi liên tỉnh). Thông tin trên Atlas địa lý được ghi trên đề thi. Các trường ĐH-CĐ được phép tự chủ tuyển sinh. Các trường vẫn phải giữ tổ hợp các môn mà năm trước xét tuyển vào trường bên cạnh phương án tuyển sinh mới.
 
“Sẽ có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào thay “điểm sàn”. Trước ngày 1/1 hàng năm, các ĐH, học viện, trường ĐH, CĐ công bố mức độ và cách thức sử dụng kết quả của kỳ thi để tuyển sinh. Lộ trình dự kiến sẽ thi theo bài tích hợp nhiều môn

.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN