Lớp học “không ồn ào là không học được”

Cập nhật, 13:18, Thứ Tư, 24/09/2014 (GMT+7)


Các em tự tổ chức học nhóm, giáo viên sẽ là người hướng dẫn các em.

Đó là mô hình trường học mới ở Trường Tiểu học Tân Lược B, với cách dạy rất khác so với truyền thống. Ở mỗi lớp học, học sinh (HS) phải ồn ào, nhốn nháo mới có thể học được…

Tự do trao đổi với VNEN

Đến với bất kỳ một lớp học nào của Trường Tiểu học Tân Lược B, chúng tôi không khỏi bất ngờ với việc học tập của các em HS. Ở đây, các em không phải giữ trật tự, im lặng để nghe giáo viên giảng bài mà được tự do bàn luận, có lúc nhốn nháo như một cái… chợ.

Thêm vào đó, thay vì ngồi theo từng dãy bàn học như lớp học truyền thống, cách bố trí bàn cũng rất khác. Nếu nhìn qua, nhiều người sẽ nghĩ rằng: Cách học như vậy sao có thể đạt chất lượng tốt? Tuy nhiên, kiểu ồn ào, nhốn nháo đó lại là mục tiêu của mô hình “Trường tiểu học mới- VNEN” đang được Bộ GD- ĐT triển khai thí điểm. Riêng Vĩnh Long chỉ có duy nhất Trường Tiểu học Tân Lược B tham gia.

Theo mô hình VNEN, HS được tổ chức ngồi học theo nhóm, ngồi quay mặt vào nhau để cùng trao đổi nghiên cứu và tự học. Mỗi nhóm sẽ có một nhóm trưởng do các em tự bầu ra.

Đây là một biện pháp giúp HS phát huy quyền làm chủ trong quá trình học tập. HS còn có điều kiện hiểu rõ quyền và trách nhiệm trong môi trường giáo dục, được rèn luyện các kỹ năng tổ chức nhóm, kỹ năng tham gia, hợp tác trong các hoạt động.

Bên cạnh đó, việc tổ chức không gian lớp học với “Góc học tập”, “Góc đồ dùng”, “Góc địa phương”, “Thư viện lớp học”, “Góc sinh nhật”,… kết hợp với việc trang trí lớp học đầy màu sắc đã tạo ra môi trường giáo dục thân thiện, kích thích sự đam mê học tập cho HS.

Mô hình VNEN vừa kế thừa mô hình học truyền thống vừa kết hợp với sự đổi mới về mục tiêu đào tạo, nội dung chương trình, tài liệu học tập, phương pháp dạy và học, cách đánh giá, cách tổ chức quản lý lớp học, cơ sở vật chất phục vụ dạy và học.
 
Một bài học được thiết kế bao gồm những hoạt động như: hoạt động cơ bản, thực hành và ứng dụng. Tùy từng môn học mà tài liệu sẽ có sự thiết kế phù hợp với hoạt động cá nhân, cặp đôi và nhóm HS.

Quan sát lớp học VNEN, với cách học nhóm từng nội dung, khi nhóm nào hoàn thành bài học trước, các em sẽ đồng thanh hô lớn kết hợp với động tác tay để báo hiệu. Vai trò của từng thành viên, đặc biệt là nhóm trưởng rất quan trọng trong lúc làm bài.

Các em có quyền bàn luận, nói nhỏ, nói to, miễn sao là bài tập được hoàn thành. Ở mỗi lớp học VNEN, giáo viên chỉ đóng vai trò hướng dẫn, còn việc tổ chức làm bài, làm việc nhóm đều do các em tự làm. HS được hình thành thói quen làm việc trong môi trường tương tác, nhận thấy ưu điểm của bạn, được học hỏi bạn để tự hoàn thiện mình.

Tăng chất lượng HS

Theo thầy Hiệu trưởng Lê Văn Triệu, mô hình này được áp dụng từ năm học 2012- 2013, đến nay đã áp dụng cho tất cả các khối lớp, trừ khối 1. Sách ở các môn chính là sách mới với chương trình dành riêng cho mô hình VNEN, giáo viên không cần soạn giáo án mà dựa vào sách để dạy.

HS dựa vào sách mà làm việc cá nhân, nhóm hay cả lớp. Ban đầu áp dụng mô hình này rất khó trong khâu tổ chức nhóm học, đối với HS đọc yếu cũng cần rèn luyện thêm rất nhiều để các em có thể hiểu được nội dung bài học.

Theo đánh giá của cô Trương Ngọc Lắng- giáo viên dạy khối lớp 2, các em mới lên lớp 2 phải làm quen với chương trình khoảng 3 tháng.

Trong đó, các em phải tập học nhóm, mạnh dạn phát biểu và trao đổi trong lớp. Tuy có nhiều khó khăn ban đầu nhưng cuối năm các em mạnh dạn giao tiếp, nói chuyện, viết trôi chảy. Giáo viên đánh giá năng lực của các em thông qua các kỹ năng, đánh giá nhận xét hoàn thành bài học thay vì điểm số như trước.

Điểm nhấn của mô hình này là tạo điều kiện tối đa cho HS sáng tạo. Theo thầy Hiệu trưởng Lê Văn Triệu, cuối năm nếu HS nào giỏi thì “giỏi rất chất”, các em sẽ rất nhạy bén, linh động, sáng tạo, HS giao tiếp với nhau, với thầy cô giáo mạnh dạn hơn rất nhiều…

Theo đánh giá của Bộ GD- ĐT, VNEN là mô hình tổ chức lớp học phù hợp với phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, hướng tới các mục tiêu đổi mới sư phạm, đổi mới phương pháp dạy và nhấn mạnh đổi mới phương pháp học, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục.

Theo thầy Hiệu trưởng Lê Văn Triệu: Việc đánh giá HS bằng nhận xét cũng được áp dụng với mô hình này, giúp HS hoàn thiện các kỹ năng giao tiếp, sáng tạo. Cơ sở vật chất nhà trường từng bước hoàn thiện, đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY