Mùa làm thêm của sinh viên

Cập nhật, 14:50, Thứ Sáu, 17/01/2014 (GMT+7)


Sinh viên tất bật làm thêm tết để kiếm thêm thu nhập.

Những ngày này, khi nhiều sinh viên (SV) háo hức về quê ăn tết thì có nhiều SV lại tất bật làm thêm. Từ phụ bán quần áo, bán hoa tết, chở hàng hóa đến làm nhân viên vệ sinh,… đã giúp các bạn trẻ có thêm thu nhập và trang bị nhiều vốn sống thực tế.

Tranh thủ làm thêm

Thi học kỳ vừa xong là Quốc Anh- SV Trường Cao đẳng Cộng đồng Vĩnh Long lại bắt tay làm thêm kiếm tiền cho học kỳ tiếp theo.
 
Hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cha mẹ phải đi làm ăn xa nên lúc nào Quốc Anh cũng cố gắng phấn đấu học thật tốt. Hơn nữa, em luôn tranh thủ thời gian rảnh hay kết thúc học kỳ phụ bán hàng, phát tờ rơi giới thiệu sản phẩm cho các cửa hàng kinh doanh để kiếm tiền đỡ đần phụ cha mẹ.

Quốc Anh chia sẻ: “Mình làm thêm để học kỳ sau khỏi phải xin mẹ tiền học phí”. Tết này, Quốc Anh sẽ đi Bình Dương thăm cha mẹ nên mấy ngày nay em làm thêm cả ngày với mong muốn “có tiền mua vé xe và mua quần áo mới tặng cha mẹ”.

Khi tiết trời se se lạnh báo hiệu sắp vào xuân thì nhóm bạn Tuyết Thanh, Ngọc Thi, Mỹ Trân- SV Đại học Cần Thơ- lại lên facebook để bán các loại hàng handmade do chính tay các bạn làm ra như: bình hoa voan, hoa nhựa đến các sản phẩm bánh kẹo…
 
Các bạn cho biết để có những sản phẩm “ra lò” thì các bạn phải chuẩn bị mấy tháng trời. Hàng trăm bình hoa rực rỡ sắc màu là thành quả mà các bạn bày bán tết này. “Sản phẩm mình bán thường có giá rẻ lại đẹp nên được nhiều người đặt mua lắm. Tết năm nào cũng “hút” hàng hết”- Ngọc Thi hồ hởi nói.

Không thuận lợi như nhiều SV khác nhưng Duy Hiệp- Đại học Xây dựng Miền Tây cũng kiếm được việc làm sau mấy ngày lang thang trên mạng. Dù làm nhân viên vệ sinh cho các cơ quan, công ty, bệnh viện mỗi ngày kiếm chẳng được bao nhiêu nhưng Hiệp cảm thấy rất vui. Theo Hiệp, đây là một số tiền không hề nhỏ đối với những SV nghèo.
 
“Công việc làm thêm này tuy có vất vả mỗi ngày tích góp được vài chục ngàn cũng đủ phụ cha mẹ em sắm sửa ngày tết rồi”- Hiệp tâm sự.

Phụ bán hàng hay làm nhân viên tại các quán cà phê, quán ăn là công việc được nhiều bạn trẻ lựa chọn vì đây là công việc đơn giản, hơn nữa tiền công mỗi ngày cũng cao hơn so với bình thường. Mấy ngày nay, phụ bán quần áo cho shop thời trang ở Phường 2 (TP Vĩnh Long).

Dù có hơi vất vả nhưng Ngọc Phương cảm thấy công việc này rất phù hợp. Mỗi ngày số lượng khách đến mua sắm ngày càng tăng cũng là cơ hội để Phương thử tài kinh doanh của mình.
 
Ngọc Phương cho hay: “Thay vì xin tiền cha mẹ chi tiêu trong tết thì em tranh thủ đi làm. Vừa có tiền chi tiêu lại vừa rèn luyện cách sống không phụ thuộc vào gia đình”.

Thêm thu nhập, thêm kinh nghiệm

Đối với nhiều SV, tết chính là cơ hội để kiếm thêm thu nhập, được trải nghiệm cuộc sống để hiểu được giá trị của những đồng tiền do chính mình làm ra.

Những bài học thực tế khi phụ bán hàng cũng giúp Quốc Anh thêm tự tin, năng động hơn. “Tuy chỉ là buôn bán nhỏ, thời vụ nhưng cũng giúp em biết cách kinh doanh, rèn luyện khả năng giao tiếp. Điều đó cũng rất có ích đấy chứ”- Quốc Anh cười tươi.


Phụ bán hàng là công việc được nhiều SV chọn lựa vì dễ tìm lại rèn luyện kỹ năng kinh doanh.

Mặc dù nhóm bạn Tuyết Thanh dù đều sinh ra trong những gia đình khá giả nhưng các bạn vẫn muốn tự tay bán những sản phẩm do chính mình làm ra. Mỗi khi có khách mua hàng thì các bạn phấn khởi lắm vì “vừa thỏa mãn niềm đam mê kinh doanh mà thu nhập lại không thua kém các bạn đi bán hàng cho các shop quần áo, hay mỹ phẩm”.

“Khi tự kiếm được một chút tiền dù nhỏ chúng em sẽ biết trân trọng đồng tiền hơn. Số tiền ấy chúng em sẽ dùng vào để học thêm tiếng Anh và các việc ý nghĩa khác”- Tuyết Thanh cho hay.

“Làm thêm không chỉ cho thêm thu nhập mà nó cho SV nhiều kinh nghiệm bổ ích”. Đó là lời chia sẻ của bạn Kim Bằng- SV Cao đẳng Cộng đồng sau những lần đi làm thời vụ. Đối với Bằng, đi làm thêm là tập cho mình cách sống tự lập và tích lũy thêm vốn sống cho bản thân để ra trường đi làm khỏi bỡ ngỡ. Chính vì thế, Kim Bằng chọn công việc bán hàng, bán bảo hiểm phù hợp với ngành học trong trường.

Kim Bằng cho biết: “Bây giờ khi ra trường các doanh nghiệp, công ty tuyển dụng họ đòi hỏi SV phải có kinh nghiệm thực tế”.

 

Bài, ảnh: PHƯƠNG VY