Đại học không phải là con đường duy nhất

Cập nhật, 10:01, Thứ Ba, 30/07/2013 (GMT+7)


Cao đẳng nghề hiện nay thu hút nhiều bạn trẻ tham gia học.

Khi cánh cửa đại học (ĐH) khép lại đối với hàng trăm ngàn thí sinh dưới điểm sàn của Bộ GD- ĐT thì hàng loạt các vấn đề được đặt ra: làm sao nói với gia đình- những người đã đặt kỳ vọng vào mình? Mình sẽ làm gì trước bước ngoặt cuộc đời?

Song, các bạn hãy mau chóng tạm gác nỗi buồn đó lại để xác định hướng đi mới của mình đó là luyện thi lại hay chọn trường cao đẳng hay trung cấp nghề để học bởi ĐH không phải là duy nhất để các bạn lựa chọn vào đời. Quan trọng là các bạn trẻ cần xác định mình yêu thích ngành nghề nào, năng lực bản thân ra sao để quyết định làm những điều phù hợp với bản thân…

Rớt ĐH: Đừng vội buồn

Nhận được tin nhắn báo kết quả thi ĐH Y dược Cần Thơ, em Kh.D. (TP Vĩnh Long) buồn xo. Với tổng điểm 22,5, em khó có cơ hội trúng tuyển vào ngành y của trường, bởi năm nay trường tăng điểm chuẩn.

Em tâm sự: “Dù rất buồn nhưng em may mắn được ba mẹ, chị an ủi, động viên giúp em mau chóng vượt qua nỗi buồn. Em vẫn thích làm bác sĩ để trị bệnh cho mọi người nên em xem mình có hy vọng được trúng tuyển theo diện đào tạo theo địa chỉ địa phương có nhu cầu. Còn không may mắn, em sẽ ôn thi lại”.

Trong khi đó, nhiều em thi rớt ĐH luôn tỏ ra buồn chán và xem mình “là người vô dụng”. Tuy nhiên, suy nghĩ này là không đúng bởi ngoài việc học ĐH, xã hội còn trọng dụng rất nhiều trình độ, lao động khác nhau, mà khi đó, nếu cố gắng sẽ làm nên thành công.

Theo các công ty tuyển dụng, học sinh tốt nghiệp các trường nghề hiện nay không đủ cung cấp cho nhu cầu của doanh nghiệp; các doanh nghiệp cần nhiều “thợ” hơn “thầy” trong khi xã hội lại đang thừa “thầy” thiếu “thợ”. Khi học các trường nghề, bạn trẻ vẫn có cơ hội vào làm ở những nơi tốt nhất chứ không phải học ĐH mới là con đường tốt nhất, duy nhất.

Cô Nguyễn Thị Giang- Quyền Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long từng chia sẻ: Xã hội đâu chỉ quý trọng những cử nhân ĐH mà ngay cả CĐ, trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp đều được trọng dụng. Quan trọng là các em có biết vươn lên, tự cố gắng nỗ lực hay không thôi. Cô cho biết, nhiều em khi tốt nghiệp không phải là bằng ĐH nhưng vẫn có việc làm ổn định, vẫn có những bước tiến trong xã hội. “Đừng quan trọng bằng cấp, bởi năng lực làm việc, kiến thức mới là đều quan trọng”.

Trong khi đó, bà Châu Thu Thủy- Phó Giám đốc Honda Tân Thành từng nói: Phần lớn nhân viên của công ty chỉ tốt nghiệp trình độ CĐ, còn bộ phận kỹ thuật hầu hết là trung cấp nghề. Tuy nhiên, các nhân viên đều cố gắng học hỏi, vươn lên, hàng năm, các nhân viên kỹ thuật đều đạt các giải cao trong các kỳ sát hạch nghề trong nước và khu vực.

Thành công không chỉ riêng ĐH

Bạn Nguyễn Trương Kim Phụng- nhân viên Công ty DNTN Bánh kẹo Á Châu- TP Hồ Chí Minh chia sẻ- cách đây 10 năm tôi thi rớt ĐH. Buồn lắm, song tôi quyết định xét tuyển vô ngành công nghệ thực phẩm của Trường Cao đẳng Cộng đồng Vĩnh Long. Ra trường, tôi xin được việc làm tại Công ty Bánh ABC Bakery.

Tại đây, tôi được tạo điều kiện để học làm các loại bánh. Càng làm tôi càng say với nghề và có năng khiếu làm các loại bánh mì. Tôi tham gia vào các kỳ thi làm bánh mì trong nước và khu vực. Tháng 3/2012, tôi vinh dự là một trong 3 đại diện của Việt Nam trình diễn nghệ thuật làm bánh mì tại Pháp. Để đạt được kết quả trên tôi phải nỗ lực rất nhiều cùng với sự ủng hộ của gia đình và công ty đã tạo điều kiện cho tôi đứng vững với nghề.
 
Tôi hy vọng các bạn trẻ khi đứng trước biết bao lựa chọn, biết bao ngã rẽ của cuộc đời hãy lựa chọn cho mình một con đường phù hợp nhất. Và dù đó là con đường nào thì các bạn cũng phải luôn luôn có một ý chí phấn đấu vững vàng và một tinh thần cầu tiến. Đó chính là chìa khóa quan trọng nhất để các bạn mở cánh cửa thành công của cuộc đời mình.

Trải qua những lần nhận tin rớt ĐH, anh Quân (Long Hồ) nhất định không thi nữa mà khăn gói lên TP Hồ Chí Minh học nghề sửa xe gắn máy. Không ngờ lại thích thú với nghề mới mà hiện giờ anh đều thông thạo các loại xe 4 thì, 2 thì, tay ga.

Anh cho biết: Hiện anh đã mở được một căn tiệm sửa xe riêng cho mình. Tiệm tuy mới mở nhưng càng ngày càng đông khách. “Nếu ngày xưa cố đeo thi ĐH thêm 1 năm nữa mà chưa chắc đậu thì quá phí thời gian. Bây giờ cũng có nghề nghiệp trong tay, tự làm chủ bản thân nên cũng cảm thấy thoải mái, không thấy gò bó”.

Còn bạn Nguyễn Thị Ngoan (Vũng Liêm) cho biết: Không thi đậu ĐH năm đầu tiên nên quyết định chọn một trường CĐ ở TP Hồ Chí Minh học. Qua 3 năm vừa học trong trường, vừa học các kiến thức, kỹ năng mềm bên ngoài mà hiện giờ mình đã có một công việc ổn định.

“Với công việc chính là biên tập các nội dung bài viết ở một website, phù hợp với ngành học và kỹ năng sẵn có nên thu nhập hiện giờ cũng tương đối khá. Có thể nói, nếu cố gắng hết mình thì sẽ thành công, cho dù con đường ngoài ĐH có khó khăn hơn. Các bạn trẻ sau này cũng không nên bi quan quá vào việc mình bị rớt ĐH”- Ngoan chia sẻ.

Bài, ảnh: QUYÊN- DUY