Đi học kiểu... sinh viên

Cập nhật, 13:15, Thứ Ba, 18/06/2013 (GMT+7)

Trong khi chương trình học bậc phổ thông gắt gao việc giờ giấc thì ở bậc cao đẳng, đại học (CĐ, ĐH) nhiều sinh viên (SV) có “cơ hội” đi học theo kiểu… bữa có bữa không. Tình trạng này diễn ra thường xuyên và có xu hướng tăng đã đặt ra câu hỏi: SV đang học như thế nào nơi giảng đường?


SV cần nắm chắc lý thuyết trong trường, có điều kiện thì ứng dụng thực tế để tự trang bị cho mình khả năng cần thiết.

Thoải mái chuyện nghỉ hay học

T. Mai- SV Trường CĐ Cộng đồng Vĩnh Long cho biết: Không ngờ ở môi trường học này, ngoài việc sinh hoạt tự do thì việc có lên lớp hay không cũng… thoải mái không kém.

“Trong lớp em có một số SV nghỉ nhất định, cứ tới ngày đi thi hay kiểm tra thì sẽ vào. Mặt khác, hiện nay có khá nhiều giáo trình hướng dẫn học tập, nên chuyện SV nghỉ ở nhà tự học là khá nhiều. Trong lớp, có nhiều bạn đi học nhiều môn mà chỉ có… một quyển vở. Tất cả kiến thức đều có trong giáo trình in sẵn”.

Đó có lẽ là thực tế của nhiều trường CĐ, ĐH trong tỉnh, thậm chí cả nước. Võ Lê Anh Pha- SV năm cuối Trường ĐH Văn Lang chia sẻ, mặc dù là chương trình học cũng nặng nề, “khó nuốt” nhưng áp lực đi học thật sự không lớn.

Bên cạnh nhiều SV đi học thật sự thì còn khá nhiều SV đi tới trường chỉ vì “ở nhà buồn, đến trường cho có bạn, có bè sẽ vui hơn”. Pha chia sẻ, không còn các bài kiểm tra 15 phút hay 1 tiết như thời THPT, nhiều SV chỉ xem trọng kỳ thi cuối kỳ, các môn thường xuyên kiểm tra, điểm danh. “Ngay chính bản thân em những ngày đầu theo học ở môi trường mới cũng có suy nghĩ như vậy”.

Trao đổi với Vũ Luân- SV Trường ĐH Xây dựng Miền Tây cho biết: Việc học tập ở môi trường ĐH khác xa so với thời THPT.
 
Không có người kèm kẹp, không ai quản lý, không có sự ràng buộc từ phía thầy cô, gia đình nên hiện nay có khá nhiều SV (đặc biệt là các SV xa nhà) lơ là với việc học. “Một số còn biết tận dụng thời gian trốn tiết học để đi làm kiếm tiền trang trải học phí. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp nghỉ học để đi chơi, la cà ở các quán cà phê, thậm chí là quán nhậu…”

Chất lượng nằm ở đâu?

Nhiều SV khi ra trường mới ngỡ ngàng nhìn lại “gia tài” trong suốt 3- 4 năm học CĐ, ĐH chỉ là một quyển vở ghi chép nhiều môn và một xấp giáo trình, tài liệu in sẵn. Việc bỏ học, trốn tiết,… không còn lạ lẫm với nhiều SV khi chương trình học đang dần thay đổi khiến môi trường học tập đang trở nên thoải mái, tự do.
 
Thầy Nguyễn Thanh Tùng- Quyền Trưởng Phòng Đào tạo- Trường CĐ Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long cho biết: Hiện nhiều trường CĐ, ĐH áp dụng chương trình đào tạo theo quy chế tín chỉ. Các em tự do chọn môn học, có thể học chậm, học nhanh tùy khả năng. Đây là một phương pháp dạy và học tiên tiến được nhiều nước phát triển trên thế giới ứng dụng. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ thích hợp khi người học đủ sự quyết tâm và bản lĩnh tự học.

Mặt trái của quy chế này là SV không bắt buộc phải đi học: “Tùy theo các trường quy định cụ thể thực hiện quy chế tín chỉ, ví dụ như CĐ Sư phạm kỹ thuật quy định nghỉ quá 20% số tiết sẽ cấm thi, điểm danh trong giờ lên lớp… Tuy nhiên, nhiều trường không ra quy định này, nhiều thầy cô giảng dạy không điểm danh hay thậm chí là phương pháp dạy nhàm chán sẽ làm cho một số lượng SV trốn tiết, chất lượng đào tạo do đó cũng giảm theo”.

T. Mai cho biết: Trong lớp có khá nhiều bạn trốn tiết, đến ngày thi mới lo chuyện mượn tài liệu, thậm chí là xin lịch thi. Kết quả là thi rớt hàng loạt, đến khi đóng tiền học lại phải “tính tiền triệu”.

Anh Pha cũng cho biết, do nghỉ học thường xuyên, thi rớt ở các năm đầu nên trong 2 năm cuối, em phải cố gắng để học lại tất cả các môn đã rớt. Nhiều SV không “trả nợ” nổi, phải học thêm 1- 2 học kỳ nữa mới đủ số tín chỉ ra trường.

Nhiều giáo viên, thậm chí là các nhà tuyển dụng cho rằng, nếu các SV cứ tiếp tục học theo cách học hiện nay, không chủ động trong việc tự học, tự nghiên cứu thì cho dù có cầm trong tay tấm bằng tốt nghiệp thì thật sự chất lượng là không đảm bảo.

Lãnh đạo một trường CĐ trên địa bàn cho rằng: Học theo quy chế tín chỉ là để các em tìm hiểu lý thuyết trên giảng đường, tự mày mò nghiên cứu ứng dụng vào thực tế khi tự học. Nếu biết kết hợp lại, khi ra trường, SV sẽ nắm vững kiến thức và cũng đã tự trang bị cho mình những tình huống thực tế nhất định.

Ông Huỳnh Dân Tâm- DNTN Tâm Hữu Tín từng chia sẻ: Nhiều SV ra trường cầm tấm bằng loại khá, giỏi đến xin việc. Tuy nhiên, khi kiểm tra khả năng làm việc thực tế, nhiều em đã không đủ tiêu chuẩn, nếu có nhận thì doanh nghiệp phải đào tạo lại. “Có thể các em trong trường học nhiều lý thuyết hơn thực hành, hay là do… hên mà có kết quả học tốt. Nếu cần lời khuyên, tôi khuyên các em SV nên nắm chắc lý thuyết ở trường, nếu có điều kiện ứng dụng thực tế thì sẽ tốt hơn. Khi đó, các em đã tự trang bị cho mình những khả năng cần thiết để làm việc”.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY