Mở lối mới cho du lịch đồng bằng

Cập nhật, 15:01, Thứ Ba, 12/11/2019 (GMT+7)

13 tỉnh ĐBSCL được chia thành 2 cụm du lịch, là: Tây sông Hậu có 7 tỉnh (An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và TP Cần Thơ) và Đông sông Hậu có 6 tỉnh (Vĩnh Long, Đồng Tháp, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang và Long An). Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến đề xuất xây dựng lại hướng tuyến liên kết mới, sẽ mở ra nhiều cơ hội khai phá tiềm năng du lịch của khu vực này.

TP Cần Thơ đón gần 8,5 triệu khách trong năm 2018 nhưng Vĩnh Long chưa có dự án hay sự kết nối nào để tiếp nhận một phần nhỏ nguồn khách này.
TP Cần Thơ đón gần 8,5 triệu khách trong năm 2018 nhưng Vĩnh Long chưa có dự án hay sự kết nối nào để tiếp nhận một phần nhỏ nguồn khách này.

Sự phân chia theo 2 cụm du lịch hiện nay nhằm phát huy tính liên kết giữa các địa phương, mà theo ông Nguyễn Việt Phường- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL- là nhận thấy đã có nhiều kết quả tốt. Vấn đề hợp tác đã được đặt ra từ lâu và Hiệp hội Du lịch ĐBSCL nhận thấy đã có nhiều kết quả tốt, cần được phát huy.

Nhưng nếu phân tích sâu về nguồn khách quốc tế và nội địa; giữa tính chất tour; sự khai thác chuyên biệt dòng khách cũng như dòng sản phẩm… thì rõ ràng cách chia theo cụm Đông và Tây sông Hậu như bao lâu nay, thì vẫn còn khá khiên cưỡng và cứng nhắc.

Nếu “bóc tách” riêng ra nguồn khách quốc tế truyền thống và lấy TP Hồ Chí Minh là cửa ngõ chính, thì tuyến liên kết từ cửa khẩu Tân Sơn Nhất cung cấp phần lớn nguồn khách cho đồng bằng, được tập trung dày đặc dọc các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và TP Cần Thơ.

Từ đây, một phần nguồn khách sẽ ngược dòng Mekong nối tuyến về Campuchia. Các địa phương tiếp nhận nguồn khách này, nên xếp vào cùng nhóm để từ đó mới có sự liên kết, quy hoạch lại các dòng sản phẩm, vừa bổ sung cho nhau vừa phân chia nguồn khách đặc thù một cách rõ nét hơn. Tuy nhiên, do chưa thực hiện được sự liên kết chặt chẽ này nên các địa phương vẫn xây dựng những sản phẩm “chồng lấn” lên nhau.

Mặt khác, nếu phân chia theo cụm chủ đề rừng ngập ngọt, thì Đồng Tháp và An Giang vẫn có thể kết nối, bổ sung cho nhau thành tuyến vô cùng phong phú, như một lãnh đạo ngành du lịch An Giang, phân tích: cùng là rừng ngập ngọt, nhưng giữa An Giang và Đồng Tháp hoàn toàn khác nhau về cảnh quan môi trường, hệ sinh thái động thực vật cũng khác nhau; mà phân tích sâu có thể thấy giữa 2 địa phương này hoàn toàn có thể “vẽ nên tuyến du lịch sinh thái” vô cùng
độc đáo.

Du lịch có đặc điểm là mang tính liên ngành, liên vùng và tính xã hội hóa rất cao. Nếu không nhận thức và không liên kết, hợp tác, không xã hội hóa thì không làm được.

Thiết nghĩ, các Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch địa phương cần tham mưu cho UBND các tỉnh- thành ký kết hợp tác với nhau trong quản lý nhà nước, xây dựng đội ngũ, quy hoạch, kế hoạch và việc xây dựng các sản phẩm đặc thù. Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch toàn vùng phát triển hơn nữa.

Cầu Cần Thơ mang biểu tượng kết nối Đông và Tây sông Hậu; nhưng trong du lịch chưa khai phá được thế mạnh của chiếc cầu này.
Cầu Cần Thơ mang biểu tượng kết nối Đông và Tây sông Hậu; nhưng trong du lịch chưa khai phá được thế mạnh của chiếc cầu này.

Do đó, cách nói du lịch đồng bằng có nét tương tự nhau chỉ là cách nói “thuận miệng” và chưa có sự phân tích chuyên môn sâu. Tại sao chúng ta không “vẽ” lại những cung đường du lịch mang tính chuyên biệt hơn, ngoài cung đường truyền thống “sông nước miệt vườn” bấy lâu nay, như: tuyến đường ven biển Tây, tuyến đường ven biên giới, tuyến đường văn hóa Khmer Nam Bộ, tuyến biển đảo, tuyến đường ngủ sông, ngủ ruộng…

Và trong các tuyến tour, các cung đường du lịch tạo nên những mối liên kết tương đồng nhau, cũng cần linh hoạt hơn với những mối liên kết chéo qua lại giữa các địa phương, các cụm khác nhau mà không nên cứng nhắc trong cụm du lịch, tuyến du lịch nhất định nào cả. Đó là lý do quan trọng và cần thiết hơn lúc nào hết phải “vẽ lại bản đồ du lịch đồng bằng” với người cầm nhịp là đầu mối TP Hồ Chí Minh.

Trong các mối liên kết theo cụm- tuyến chung, thì giữa các địa phương vẫn chưa có sự năng động, sáng tạo để xây dựng nên những mối “liên kết mềm”.

Chẳng hạn, như Vĩnh Long thuộc Cụm Đông sông Hậu nhưng lại có vị trí địa lý rất tốt trong mối liên kết với TP Cần Thơ thuộc Cụm Tây sông Hậu. Sự cứng nhắc đó đã làm cho cả mảng tiềm năng phía sông Hậu của Vĩnh Long, cho tới nay vẫn chưa được khai thác một cách hiệu quả.

 

 

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG