Xây dựng "câu chuyện du lịch"

Cập nhật, 12:23, Thứ Ba, 18/06/2019 (GMT+7)

Du lịch Vĩnh Long cần dấn sâu thêm một bước, cần tăng thêm hàm lượng chất xám đầu tư, chăm chút cho sản phẩm tạo nên những chiều kích, không gian văn hóa độc đáo trong những “câu chuyện du lịch” một cách khái quát mà riêng biệt nhất.

Du khách đi thuyền trên sông.
Du khách đi thuyền trên sông.

Đó cũng là hướng đi đã được manh nha và khởi động trong thời gian gần đây và tạo nên hiệu ứng tốt. Tuy nhiên, vẫn còn là những sản phẩm rời rạc; chúng ta cần xâu chuỗi, kết nối lại như “người kể chuyện” để dẫn dắt du khách có dịp khám phá những tầng lớp, không gian văn hóa Nam Bộ.

Trong đó, đan xen những câu chuyện xưa- nay và lấy Vĩnh Long làm trung tâm của câu chuyện. Đây là đường dây kết nối tour tuyến hướng đến nguồn khách chuyên đề, định vị ở phân khúc thị trường trung và cao cấp.

Trước tiên, chúng tôi xin nói rõ lý do vì sao Vĩnh Long cần phải xây dựng sản phẩm hoàn chỉnh theo hướng này; đó là vì nhu cầu của du khách, yêu cầu đặt hàng của các hãng lữ hành đối tác lâu năm, nắm bắt rõ về tiềm năng du lịch địa phương và đặc biệt, đây sẽ là dòng sản phẩm mà nếu muốn mua tour thì bắt buộc du khách chỉ có đến Vĩnh Long, mà không phải đâu khác.

Bởi đây là sản phẩm du lịch được xây dựng trên câu chuyện kể về văn hóa, lịch sử của vùng đất Vĩnh Long.

Như một đại diện của Saigontourist, chia sẻ: “Vùng đất Vĩnh Long để dành cho những tour, nhóm khách hướng về chiều sâu; do đó, đòi hỏi hàm lượng văn hóa cao hơn so với những tỉnh lân cận”. Đó là “đơn đặt hàng” và cũng là hướng đi mang tính quyết định sống còn đối với du lịch Vĩnh Long trong điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Trước đây, du lịch Vĩnh Long đã từng tổ chức tour xuôi dòng Mekong cho đoàn khách Nhật đến từ Trường ĐH Chuoo (Osaka, Nhật Bản), vì là đoàn nghiên cứu sinh, thực hiện đề tài tốt nghiệp nên nội dung tour cực kỳ chuyên sâu về lịch sử, văn hóa, tập quán sinh hoạt người dân Nam Bộ.

Du khách tự bơi thuyền và ngủ lều trong những khu vườn nhà dân dọc theo dòng Mekong bắt đầu từ tỉnh An Giang, đi qua các tỉnh: Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang.

Đây là hình thức của dạng tour chuyên đề, đòi hỏi cao và sẵn sàng trả giá cao; đó là một dạng kể chuyện bằng tour du lịch, đòi hỏi có sự đầu tư lớn về chất xám và nguồn nhân lực đủ mạnh. Về mặt địa lý tạm gọi đó là một “lát cắt dọc”, xuôi theo dòng chảy Mekong là câu chuyện văn hóa về một dòng sông.

Bánh dân gian- món quà quê khiến không ít du khách thích thú.
Bánh dân gian- món quà quê khiến không ít du khách thích thú.

Còn cụ thể, để xây dựng “câu chuyện du lịch” lấy Vĩnh Long làm trung tâm, dựa theo đóng góp của các đoàn famtrip, chúng tôi đề xuất một tuyến du lịch cụ thể kết nối lịch sử 2 dòng sông Tiền và sông Hậu, gắn liền với con đường Nam tiến của ông cha ta, bắt đầu từ cái mốc lịch sử năm 1732, Long Hồ dinh được thành lập.

Vẫn dựa trên hướng tour hiện tại đón khách từ cửa ngõ Cái Bè, nhưng được xây dựng hoàn toàn khác biệt và nó không dừng lại ở 4 xã cù lao Long Hồ, mà được nối vào cung đường sông Măng Thít đến bờ Bắc sông Hậu ở TX Bình Minh và kết thúc tour, trả khách ở TP Cần Thơ hoặc tiễn khách ở sân bay Cần Thơ.

Từ đây, khách có thể nối tuyến đi Hà Nội hoặc Campuchia, thay vì “nằm tàu” lên tận biên giới như hiện nay. Đây là một lượng khách rất lớn nối tour từ miền Tây đi Campuchia.

Trên dọc tuyến sông Măng Thít, từ hàng chục năm nay hầu như chỉ là những điểm du lịch nhỏ chủ yếu do các hãng lữ hành trên TP Hồ Chí Minh tự khám phá, với những dịch vụ dừng chân một cách tự phát, chưa được quan tâm đầu tư.

Cần có những chuyến khảo sát, định vị lại những điểm dừng để xây dựng những sản phẩm phù hợp, kết nối vào tour tổng thể từ Cái Bè- 4 xã cù lao- dọc tuyến sông Măng Thít- điểm homestay Bình Minh- kết thúc TP Cần Thơ.

Như vậy, chúng ta sẽ có 2 điểm homestay chính là 4 xã cù lao và TX Bình Minh; đồng thời, có thể là những điểm homestay phụ trên dọc tuyến sông Măng Thít.

Đây là câu chuyện mở đầu khai phá vùng đất Long Hồ dinh, kết nối vào dòng chảy văn minh miệt vườn và lát cắt lịch sử khoảng thời gian Nam tiến từ sông Tiền cho đến khai phá văn minh miệt Hậu Giang.

Đó là trục tour chính, định hướng phát triển, mở rộng không gian khai thác cho du lịch Vĩnh Long, vốn chỉ bó hẹp khu vực Long Hồ trong suốt 4 thập niên qua.

Trên trục tour chính đó, chúng ta xây dựng những sản phẩm gì? Những tour ngắn ngày, dài ngày như thế nào?...

Điều này cần những chuyến khảo sát, những đoàn famtrip đánh giá tổng thể, để xây dựng những gói tour cụ thể cho từng nhóm khách, từng phân khúc thị trường khác nhau.

Tour này khi được hình thành, như một “câu chuyện du lịch” hoàn chỉnh, chắc chắn rằng sẽ tăng lượng ngày lưu trú và chi tiêu dịch vụ tại Vĩnh Long tăng lên nhiều lần.

Trên trục tour này khi đã hình thành những sản phẩm ổn định, nhất là khu vực TX Bình Minh đã xây dựng được những sản phẩm homestay, cùng những dịch vụ xung quanh, thì chúng ta có thể đón những nguồn khách từ TP Cần Thơ, từ sân bay Cần Thơ, vượt sông đến Bình Minh và có thể ngược dòng sông Măng Thít khám phá dần đến cửa ngõ Cái Bè (trả khách).

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG