Làm du lịch kiểu "Hai Lúa" miền Tây

Kỳ cuối: "Trái cây bao bụng"- đặc sản của nông dân miệt vườn

Cập nhật, 15:00, Thứ Ba, 15/08/2017 (GMT+7)

Còn gì thích thú bằng khi được vào vườn, tự hái những trái chôm chôm đỏ mọng, những chùm nhãn chín no tròn và ăn tại chỗ dưới tán cây mát rượi, toòng teng trên võng.

Nắm bắt thị hiếu của du khách, những nông dân đã mở “trái cây bao bụng” khách vào vườn ăn tới… no bụng thì thôi. Kiểu làm du lịch hào sảng, hiếu khách của người dân miệt vườn cù lao An Bình (huyện Long Hồ- Vĩnh Long) hiền hòa cũng là một đặc sản thứ thiệt phải lòng rất nhiều du khách.

Chú Hai Trình khoe vườn chôm chôm đang chín rộ.
Chú Hai Trình khoe vườn chôm chôm đang chín rộ.

“Khui vườn” chôm chôm đón khách

4 xã cù lao An Bình thuộc huyện Long Hồ- còn được biết tới là xứ sở của nhiều trái cây đặc sản như: chôm chôm, mận, nhãn, ổi,... Từ lợi thế vườn cây ăn trái chuyên canh, từ lâu nhiều nhà vườn mở loại hình du lịch sinh thái thu hút du khách.

Tới đây, hỏi chỗ nào mới “khui vườn” chôm chôm, khách cũng được người dân tận tình chỉ đường, hay đò đưa đến tận bến sông lên vườn…

Đường đan cặp con rạch nhỏ ở ấp An Thới (xã An Bình) chỉ hơn 1km mà có gần chục vườn “trái cây bao bụng”, “cho vào vườn (chôm chôm, nhãn, ổi…)”. Nhiều vườn như vườn Bi- Bo, vườn Bảy Tô, vườn Hai Trình,... chôm chôm đang chín rộ “bao” khách vào vườn. Khách trả cho chủ 50.000- 60.000đ thì thoải mái vào vườn.

Vừa dừng chân trước tấm bảng giới thiệu vườn chôm chôm Hai Trình, chủ vườn Nguyễn Văn Trình đon đả: “Vào vườn chôm chôm hái trái cây đi cô chú, trái cây bao bụng, bao ngon, bao ngọt, ở tới chiều cũng được”.

Mời khách ngồi “làm ly nước trà cho ấm bụng”, chú Hai Trình “tiếp thị”: “Vườn tui có 10 công trồng chôm chôm java, chôm chôm Thái, nhãn, ổi. Năm trước khui vườn trễ nên chỉ đón khách hơn tháng đã hết chôm chôm, năm nay mở vườn cho khách vào sớm hy vọng đón nhiều khách hơn”.

Để đón khách, chú Hai Trình bắt tay dọn dẹp mương vườn thông thoáng, làm đường dẫn ra vườn để trời mưa khách không bị dính bùn đất, rồi treo vài cái võng, làm căn chòi nghỉ chân giữa vườn...

Làm du lịch kiểu “cây nhà lá vườn”, nên khách có nhu cầu “trải chiếu ngồi giữa vườn cho mát” chú Hai Trình cũng chiều luôn.

“Từ khi khu vườn làm du lịch, nhà tui huy động cả chục người con cháu, hàng xóm cùng phụ tiếp khách. Khách tới người pha trà, bưng nước, người mần gà nấu cháo... vui lắm. Gà vườn, cá ao sẵn có… khách muốn ăn gì thì có ngay”- chú Hai Trình nói năm nay đã có kinh nghiệm tiếp khách.

Hơn nữa, “trước đây tui trồng cây ăn trái chỉ để bán cho thương lái, khi thất mùa, khi mất giá, hụp lên hụp xuống. 2 năm nay cho khách vào vườn, một phần trái cây bán tại chỗ và gia đình có thêm khoản thu nhập”.

Trong khi đó, những nhà vườn có kinh nghiệm làm du lịch hơn chục năm như cô Phạm Thị Phụng (ấp An Thuận) thì “Làm du lịch riết ghiền.

Trước đây, tui chỉ bán trái cây, nước uống cho khách. Lúc đầu, vườn tui chỉ có mận, sau này khách đông nên tui trồng thêm ổi, măng cụt, mít, nhãn... cho khách có thêm lựa chọn. Vườn tui cũng sửa sang lại đẹp hơn, mát hơn”.

Phải lòng nông dân miệt vườn Vĩnh Long

Đối với nhiều chủ vườn, làm du lịch không chỉ giải quyết một phần “đầu ra” sản phẩm trái cây, mà làm du lịch còn là niềm vui. Hơn nữa, “tui cũng đi tham quan, học hỏi cách làm du lịch ở nhiều nơi để hoàn thiện vườn của mình hơn”- cô Phụng cho biết nhà vườn làm du lịch cũng luôn đổi mới, sáng tạo.

Cô Phụng làm du lịch là phải vui tính và cỡ nào cũng chiều khách hết.
Cô Phụng làm du lịch là phải vui tính và cỡ nào cũng chiều khách hết.

“Làm du lịch phải vui vẻ, hết mình vì khách và hơn hết là thái độ tiếp khách như người nhà”- đó là chia sẻ của nhiều chủ vườn về “bí quyết” thu hút khách.

“Khách có người tính này, người tính kia, cũng có nhiều người khó tính, đòi hỏi nhiều nhưng mình phải biết chiều khách. Người miệt vườn hiền hòa, thân thiện thì sao khách không nhớ tới mình”- chú Hai Trình nói.

Mà nhà vườn thì luôn nói thiệt tình với khách “vườn trái cây của tui không phải lo phân thuốc. Khách khoái ghé vườn tui vì vườn đẹp, còn vì bà chủ vườn vui tính, cỡ nào cũng chiều khách hết”- cô Phụng cho biết nhờ vậy khách rất yên tâm ăn trái cây vườn.

Nhiều du khách đã phải lòng không chỉ đặc sản trái cây, mà còn vì kiểu làm du lịch hào sảng, hiếu khách của người dân miệt vườn.

Chị Minh Diệu ở TP Hồ Chí Minh đến Vĩnh Long rất ấn tượng: “Những con kinh rạch len lỏi giữa vườn cây trái xanh, món bánh xèo nhân thịt vịt gói rau vườn tươi rói, đêm cù lao yên bình nghe đờn ca tài tử,… và nhất là vào vườn chôm chôm hái trái.

Còn được bác chủ vườn vui tính, nhiệt tình dắt tay qua cầu khỉ, hướng dẫn cách bẻ cành, tỉa trái bỏ vào giỏ và thỉnh thoảng bóc một trái chín căng bóng “con ăn thử coi, ngọt lắm đó”. 

Thỉnh thoảng chị lại dẫn thêm những người bạn về với miệt vườn Vĩnh Long, thăm người dân địa phương hiền hòa như sông như nước”.

Anh Lê Minh Phúc- Giám đốc một ngân hàng chi nhánh tại TP Cần Thơ- lần đầu đưa gia đình qua miệt vườn cù lao An Bình, cũng vô cùng thích thú với sáng tạo của nhà vườn cho vào “trái cây bao bụng”.

Được thoải mái hái trái và ăn ngay dưới gốc đến… no căng. Anh ấn tượng chủ nhà hiếu khách, thân tình.

Du khách trẻ thích thú vào vườn “chôm chôm bao bụng” tự tay hái trái.
Du khách trẻ thích thú vào vườn “chôm chôm bao bụng” tự tay hái trái.

“Chủ vườn nói không có làm món ăn. Chúng tôi la đói quá, có cá, gà gì tụi con ăn cũng được. Chủ vườn đành chiều, kêu mấy nhỏ dí bắt con gà vườn, nấu cháo làm gỏi chuối cây. Rồi trải chiếu dưới vườn dọn ra, tôi chắc đó là món cháo gà ngon nhất từng được ăn”- anh Phúc kể lại kỷ niệm.

Điều làm anh thấy hãnh diện là ngay sau đó, chủ vườn đã duy trì món cháo gà, còn có thêm cá lóc nướng trui, ốc hấp tiêu phục vụ khách theo kiểu “cây nhà lá vườn”. Và mỗi năm tới mùa, anh Phúc lại gọi qua chủ vườn hỏi “trái cây chín chưa, tụi con qua chơi được chưa?”.

 

Ông Trần Minh Triết- Trưởng Phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch): Hiện nay nhiều nhà vườn làm du lịch tự phát đã được Khu du lịch Vinh Sang liên kết, tạo ra sản phẩm du lịch cộng đồng độc đáo và đa dạng như: làm bánh dân gian, tát ao bắt cá, vào vườn “trái cây bao bụng”...

 

Ngành du lịch đang tổng hợp các sản phẩm làng nghề, nhà vườn để nghiên cứu kêu gọi doanh nghiệp đầu tư sản phẩm phù hợp, qua đó hỗ trợ người dân thiết kế sản phẩm du lịch bài bản hơn.

 

Cũng theo ông Trần Minh Triết, thời gian tới ngành du lịch của tỉnh sẽ tăng cường quảng bá, hỗ trợ nông dân nâng chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch. Ví dụ làm bánh phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hướng dẫn nông dân thực hiện vệ sinh, thái độ phục vụ ân cần, thân thiện đồng thời với bảo vệ môi trường xung quanh

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- THẢO LY