Làm du lịch kiểu "Hai Lúa" miền Tây

Cập nhật, 08:01, Thứ Sáu, 11/08/2017 (GMT+7)

Du khách đến miền Tây là đến với con người miền sông nước, vườn cây, ruộng lúa. Trên nền văn hóa sông nước đặc trưng của ĐBSCL- cũng là miệt vườn cây ăn trái, ruộng đồng cò bay thẳng cánh, đời sống người dân hiền hòa gắn bó với thiên nhiên… nhưng những người nông dân ở mỗi miệt vườn đã làm nên khác biệt cho từng điểm đến.

Họ không ngừng sáng tạo, tận dụng những sản vật có sẵn, cảnh quan tự nhiên, nét tính cách mộc mạc cộng thêm những ý tưởng “độc” để tạo nên những sản phẩm du lịch mới lạ, có một không hai.

Khi “Hai Lúa” làm du lịch, họ không chỉ tạo ra một điểm đến, mà còn giúp du khách hòa vào cả một không gian văn hóa cộng đồng sống động với lòng hiếu khách, sự chơn chất. Và từ cái kiểu làm tự nhiên “cây nhà lá vườn, có gì đãi nấy” chính là sự quyến rũ để níu chân du khách.

Kỳ 1: Làm “cá lóc bay” và du lịch kiểu chơn chất

Từ khi nông dân Lê Trung Tín điều khiển được đàn “cá lóc bay”, góp phần tạo thêm sức hút cho du lịch cộng đồng miệt vườn cồn Sơn (quận Bình Thủy- TP Cần Thơ).

Ngẫu hứng “cá lóc bay”

Vừa dẫn đoàn khách vào nhà mời uống nước, ăn trái cây, đoàn khách mới vào đòi coi “cá lóc bay” liền được ông Tín vui vẻ dẫn ra mương vườn.

Đứng bên vèo cá lóc độ 2 tháng tuổi, ông làm tín hiệu cho cá chuẩn bị và du khách sẵn sàng máy ảnh, chú ý rồi quăng thức ăn, bỗng nhiên hàng trăm con cá bay lên mặt nước đớp mồi, đều tăm tắp, vô cùng đẹp mắt.

Ông Tín làm lại vài lần cho du khách coi, lần nào cũng bay lên đớp mồi như những vũ công chuyên nghiệp trong tiếng ồ, ố, a… thích thú của du khách.

Những “vũ công” cá lóc bay.
Những “vũ công” cá lóc bay.

Chủ vườn là nông dân rặt ri nói ông có nghề nuôi cá lóc 20 năm qua, từng “lên bờ xuống ruộng” trúng- thất đều có hết.

Ông hiểu tập tính loài cá lóc háu ăn và nghĩ “sẽ làm gì đó”. Bắt tay vào tập cho cá bay lên khỏi mặt nước mỗi lần cho ăn, ông Tín bảo: “Từ nhỏ tập riết thành thói quen. Cá lóc tui nuôi không cho ăn bình thường mà rất khác thường, mỗi lần rải thức ăn xuống cá phải bay lên”.

Khác thường nữa, theo ông Tín, tính trọng lượng cá tương ứng với lượng thức ăn tiêu thụ và chia nhỏ khẩu phần ăn trong ngày.

Đó là cách ông “luyện” cho đàn cá lóc biết bay, ai cũng biết “cá đói, nên khi cho ăn nó bay là cái chắc” nhưng chưa từng có ai làm trước đây. Và khi “đã luyện đàn cá bay đẹp và cải tạo vườn đẹp” ông quyết định dùng “tuyệt chiêu cá lóc bay” để làm du lịch, mở cửa vườn đón khách.

“Cá lóc bay” trở thành “thương hiệu” của vườn Tín Hòa, mỗi khi qua cồn Sơn khách tò mò muốn tận mắt nhìn “cá lóc bay” cho biết.

Tận dụng cơ hội này, từ 4.000m2 mương vườn, ông Tín mạnh dạn thuê thêm 2.000m2 đất mở rộng vườn cây ăn trái, nuôi cá, trồng thêm ao sen, bắc cây cầu khỉ… “cho khách tham quan, chụp hình”. Theo ông Tín, những ngày cuối tuần, nghỉ lễ, vườn của ông đón cả trăm lượt khách ghé qua coi “cá lóc bay”.

Trong đó một số đoàn khách có nhu cầu ăn uống thì gia đình ông cũng phục vụ luôn, vừa bán được sản phẩm tại vườn (cá thịt, trái cây) vừa có thêm việc làm tăng thu nhập.

“Đặc sản là “cá lóc bay” 7 món, khách rất mê vị cá ngọt. Còn giá “cá lóc bay” bán ra thị trường cả trăm ngàn đồng một ký, khách chịu mua vì cảm nhận thịt cá rất ngon”- ông Tín thiệt tình cho biết.

Hiện đàn cá ông đang nuôi trên 20.000 con, với nhiều lứa khác nhau. Khi cá đạt trọng lượng nhất định thì phải bán và đưa lứa khác làm nhiệm vụ “bay” phục vụ khách.

Ông Tín hướng dẫn du khách cách móc mồi câu cá.
Ông Tín hướng dẫn du khách cách móc mồi câu cá.

Làm du lịch chơn chất như nông dân cồn Sơn

Trước khi ông Tín làm “cá lóc bay”, nhiều nhà vườn đã bắt tay làm du lịch, mỗi nhà làm một món đãi khách và không “đụng hàng”.

Và điều thu hút du khách ở đây là cảnh thiên nhiên, món ăn miệt vườn đậm chất quê và nhất là sự chơn chất, thiệt tình của người dân.

Hôm chúng tôi ghé nhà ông Nguyễn Hoàng Hải để đục mưa, mới biết đây là điểm phục vụ đờn ca tài tử khi khách có yêu cầu.

Gia đình ông Hải làm du lịch hơn năm nay, bà con chòm xóm chung tay làm. Nhà làm món bồ câu, nhà món cá, nhà bánh dân gian, nhà nấu cháo gà. Riêng nhà ông Hải có nuôi ếch nên chuyên làm các món về ếch.

Ông Hải cũng cho biết các hộ làm du lịch đang bàn bạc với nhau thành lập CLB du lịch cồn Sơn để liên kết cho chặt hơn, hiện đã được 13 hộ đăng ký tham gia.

Trong khi đó, dù trời mưa tầm tã, nhưng bà Lê Thị Mỹ Hòa- chủ vườn Chín Nhỏ- vẫn đội nón lá đạp xe gửi món ăn ở các nhà vườn khác. “Vì trời mưa khách không xuống vườn tui mà ghé vườn Song Khánh cho gần, ở đó làm món cháo gà.

Khách kêu món tép xào lục bình, cá lóc nướng trui vườn tui làm, lẩu mắm Vườn Bưởi làm… tụi tui làm rồi đem tới Song Khánh gửi món”- bà Mỹ Hòa nói vui- “ngày nào khách đông, hết chạy lên đầu cồn rồi chạy vô trong vườn… muốn hụt hơi, vậy mà vui”.

Các vườn thỏa thuận với nhau, khách vào vườn nào vườn đó phục vụ món riêng của mình, nếu kêu thêm các món khác thì điện thoại các vườn chuyên món đó chế biến và gửi món cho nhà vườn có khách phục vụ.

Các nhà vườn có đội ngũ con- em- cháu hầu hết là học sinh dẫn đường cho khách đến từng điểm vườn và phụ trách ghi món khách yêu cầu, thu tiền… Cuối tuần, ban điều phối mới thanh toán tiền cho các nhà vườn.

Bà Mỹ Hòa cho biết “món ăn của tui toàn rau vườn thôi”.
Bà Mỹ Hòa cho biết “món ăn của tui toàn rau vườn thôi”.

Ở đây nhiều vườn, họ không mua rau chợ mà “món ăn của tui toàn rau vườn thôi: cát lồi, lá cách, rau thơm ăn sống, lục bình, rau mát, rau trai, bông so đũa nhúng lẩu mẻ, chanh, ớt… quanh vườn đều có hết”.

“Ngày đông khách, 4 giờ sáng tui đã rọi đèn pin ra hái rau vườn”- bà Mỹ Hòa khoe với chúng tôi và còn dự định khi trời ngớt mưa sẽ trồng thêm các loại rau cải, bí rợ “ăn hoài hổng hết, siêng siêng là có ăn hà”- bà Mỹ Hòa thiệt tình.

Còn ông Hải tự tin ở đây “vườn tự có” rất nhiều, nguồn cá, gà, rau vườn… nên không lo thiếu “mồi” đãi khách. Như hiện nay vườn bưởi của ông còn nhỏ, khách thích thì “mượn” vườn nhà kế bên cho khách vô tham quan.

Mô hình du lịch cộng đồng này vẫn đang trong giai đoạn hình thành, nhưng nhiều nhà vườn mong muốn phát triển ngày càng bền chặt hơn, thêm thắm tình làng nghĩa xóm. Vì các nhà vườn không chỉ chia sẻ, bổ sung cho nhau những cái còn thiếu, mà còn giúp họ nâng cao thu nhập kinh tế vườn, cải thiện cuộc sống.

 

Theo bà Lê Thị Bé Bảy- Phó Phòng Văn hóa Thông tin quận Bình Thủy: Ở cồn Sơn, lâu nay người dân đã sống nương tựa vào nhau nên khi cùng làm du lịch, họ vẫn còn giữ nếp cũ, không cạnh tranh cùng một sản phẩm với nhau. Điều này tạo ra sự đặc sắc riêng của du lịch cồn Sơn mà không lẫn với du lịch cộng đồng ở những nơi khác của miền Tây.

 

Bà con nơi đây sống bằng nghề trồng cây ăn trái và chăn nuôi nhỏ. Nhờ phát triển du lịch, đời sống kinh tế và văn hóa của người dân cồn Sơn đã từng bước được cải thiện.

>> Kỳ sau: “Hai Lúa” mở đồng sen đón khách

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- THẢO LY