Về chơi Ba Thắc- Bãi Xàu

Cập nhật, 14:18, Thứ Ba, 29/11/2016 (GMT+7)

Đã nhiều lần chúng tôi về thăm vùng đất Sóc Trăng, nhưng bao giờ cũng có cảm giác “đất địa” này còn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn, chuyện đời và những truyền thuyết xen lẫn vào nhau tạo nên một không gian văn hóa lịch sử riêng biệt, chẳng khác nào một “miền cổ tích” vẫn đang song hành cùng thời đại.

Trong đó, địa danh Bãi Xàu với những chuyện kể về “cơm sống thời binh đao”, cùng ngôi cổ miếu thờ Neack Ta Ba Thắc có đôi rắn thần mất trứng... làm say đắm lòng người mỗi khi về chơi Ba Thắc- Bãi Xàu.

Khung cảnh miếu Neack Ta Ba Thắc năm 2004.
Khung cảnh miếu Neack Ta Ba Thắc năm 2004.

Cổ miếu có “phong cách tân cổ điển”

Không gian ngôi cổ miếu hiện giờ vẫn còn mang nét hoang sơ như thuở nào “dưới sông sấu lội- trên bờ cọp um” của miệt “Hậu Giang- Ba Thắc”.

Qua nhiều lần trùng tu nhưng đến nay, cổ miếu Neack Ta Ba Thắc vẫn giữ khá nguyên vẹn hình dáng của đợt trùng tu đầu tiên vào năm 1927.

Trên những hàng đầu cột, góc mái là những dấu ấn của phong cách kiến trúc tân- cổ điển thời kỳ Pháp thuộc những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ở Việt Nam với những hình thức trang trí sử dụng cách thức, chi tiết cổ điển La Mã, Phục hưng, Baroque.

Những đường nét trang trí này ngày nay vẫn còn hiển hiện nhiều trên những căn nhà xưa dọc theo rạch Bãi Xàu. Chưa hết, tuy là một ngôi cổ miếu của người Khmer nhưng bên trong gian miếu còn có nhiều ban thờ với câu liễn, hoành phi Hán tự.

Đã có sự pha trộn nhiều nên văn hóa Đông Tây và sự tiếp biến văn hóa bản địa của 3 dân tộc: Kinh- Hoa- Khmer ngay trong ngôi cổ miếu này.

Ban thờ Neack Ta Ba Thắc đặt ở vị trí trung tâm trong cổ miếu, với bệ thờ cao trong một cấu trúc khung trang trí uy nghi. Người Khmer thờ Neack Ta như người Việt thờ một vị thần bảo hộ nhưng căn cứ vào nhiều nguồn gốc hơn.

Căn cứ vào tên của vị thần này, người ta suy đoán được rằng- ông được suy tôn là vị thần bảo hộ cho xứ Ba Thắc xưa. Theo TS. Huỳnh Vũ Lam- Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng thì địa danh Ba Thắc được lý giải như sau: “Những cứ liệu lịch sử cho ta biết rằng Bassas hay Ba Thắc là tên của một vùng đất xưa nằm ở bờ Tây sông Hậu, trong đó có tỉnh Sóc Trăng. Đọc những sách cũ ta vẫn thường gặp từ “Hậu Giang- Ba Thắc”.

Còn Bãi Xàu gắn liền với những truyền thuyết về “Bãi Sao- cơm chưa chín”. Đặc biệt trong đó có một truyền thuyết cho rằng,“ông Ba Thắc chính là một hoàng tử của nước Lèo” vì những xung đột tranh giành vương quyền mà phiêu bạt về đây.

Những địa danh gắn liền với truyền thuyết này được nhắc đến như “Sóc Bà Lèo” ở Lịch Hội Thượng, rồi “xóm Bà Lèo” ở ấp Chợ Cũ. Như vậy có thể thấy rằng từ Ba Thắc có trước địa danh Bãi Xàu”.

Hiện nay, bao trùm ngôi cổ miếu là một không gian chứa đựng sự “hỗn dung tín ngưỡng” trong quá trình giao thoa và tiếp biến văn hóa theo chiều dài thời gian trên mảnh đất này. Điều ngạc nhiên nhất của chúng tôi chính là ở ban thờ “Chiến sĩ trận vong” trước sân cổ miếu Ba Thắc. Tuy nhỏ nhắn nhưng đường nét của bệ thờ mang đậm phong cách Châu Âu.

Thắc mắc của chúng tôi đã được cụ Nguyễn Văn Nhung mà cô, bác ở đây vẫn thường gọi là “cụ Năm Nhung”- một “pho từ điển” của vùng đất này giải đáp rằng: “Miễu Neack Ta Ba Thắc còn được bà con ở đây gọi là “chùa Ông Ba”.

Cụ Nguyễn Văn Nhung-“pho tự điển sống” của đất Bãi Xàu.
Cụ Nguyễn Văn Nhung-“pho tự điển sống” của đất Bãi Xàu.

Ngôi chùa này được trùng tu nhiều lần nhưng đáng chú ý là 2 lần vào năm 1927 và 1941 mà trong đó người góp công, góp của nhiều nhất là ông Lê Văn Hoạnh- một ông chủ lớn ở Mỹ Xuyên. Ổng “mê Pháp sát ván” cho nên trong kiểu xây dựng đều mang kiểu của Pháp.

Năm 1941, ổng còn cho đắp một tượng bán thân Thống chế Pê-Tanh (Petain) ngay trước “chùa Phật Lớn”... và ngày khánh thành thì rước Tỉnh trưởng qua ăn mừng rình rang lắm. Vào năm 1945, tượng này đã bị Thanh niên Tiền Phong phá bỏ”.

Đây được xem là giải thích khá xác đáng vì sao có sự pha trộn kiến trúc Châu Âu, trong miễu thờ mang đậm nét văn hóa bản địa ở Sóc Trăng.

Thương cảng Bãi Xàu xưa

Chúng tôi cũng ghé thăm Đồng An hội quán ở ngay đầu con hẻm dẫn vào miễu Neak Ta Ba Thắc. Nơi đây từng là hội quán của 7 bang người Hoa đóng sở để điều hành việc giao thương hàng hóa và quản lý kiều dân. Vẫn còn đó cái giếng cổ- dấu ấn về đặc thù địa lý của vùng đất này khi xưa, vốn khó khăn về nguồn nước ngọt.

Lần theo con rạch cũ dọc theo “xóm Bà Lèo” nay đã bị bồi lắng, thật khó hình dung khi xưa, đây chính là con rạch huyết mạch để làm nên một thương cảng Bãi Xàu mà theo cố đạo Levasseur đã ghi chép vào năm 1876: “Lúa gạo ở đây thay vì chở lên Sài Gòn, thương gia địa phương- chủ yếu là người Hoa đứng ra chịu mối với các ghe buôn từ nước ngoài đến. Ghe thuyền buôn đều là của người Hoa, đậu san sát từ 100 đến 150 chiếc để thâu mua lúa gạo”.

Ban thờ “Chiến sĩ trận vong” trước miễu Neack Ta Ba Thắc.
Ban thờ “Chiến sĩ trận vong” trước miễu Neack Ta Ba Thắc.

Con rạch chợ Bãi Xàu hay còn gọi là chợ Bảo nay cũng đã bồi lắng. Dấu tích của một thương cảng lúa gạo ngày xưa nay chỉ còn là những dãy kho vựa, nhà xưa dọc theo con rạch.

Thật may mắn khi chúng tôi được diện kiến một “thợ gằn” trứ danh trong nghề xay xát gạo ở vùng này với hơn 40 năm trong nghề. Đó là ông Huỳnh Thắng Tôn- năm nay đã 74 tuổi.

Ngay trước nhà ông là một hồ nước lớn nhưng nay đã cạn..., ông cho biết đây chính là hồ nước để chứa nước của nhà máy xay lúa Diệp Văn Giáp, 1 trong 2 nhà máy xay xát lúa trứ danh ở đất này khi xưa. Nhà máy này còn có tên gọi dân dã là “nhà máy lửa” vì sử dụng chính lượng trấu trong quá trình xay xát gạo để vận hành máy hơi nước.

Câu chuyện mà ông kể lại cùng chúng tôi đã phác họa được sự nhộn nhịp của Bãi Xàu cách đây chưa xa lắm: Nhà máy lửa xưa mỗi lần chạy là liên tục hơn 20 ngày. Cứ hầm hì ngày đêm vì có nhiều công ty cùng gom lúa để chạy một lượt.

Công suất hồi đó cứ tính 6 tiếng thì cho ra 100 bao gạo xuất khẩu (mỗi bao 100kg). Hồi đó phải lựa lúa để xay gạo xuất khẩu dữ lắm. Lúa không tốt, không đều là căng vì chỉ cần 10 hạt gạo chỉ được lẫn 1 hột mẻ đầu là không được, còn nhiều hơn thì kiểm lượng không nhận.

Còn vô mùa xay lúa, lúc nào 2 cầu tàu cũng có ghe chài đậu san sát. Đầy lúa thì có tàu kéo đi, rồi còn có cả ghe chài chở lúa mà chèo tay nữa. Thời đó máy móc đâu nhiều như bây giờ.

Dẫu có nhiều truyền thuyết về địa danh “Bãi Xàu- cơm sống” vì chuyện binh đao mà nấu cơm không chín, nhưng chúng tôi vẫn yêu nhất truyền thuyết về con cá sấu giữ ổ trứng ở mảnh đất này, hay chuyện đôi rắn thần rượt đuổi người đi rừng vì bị mất trứng- những câu chuyện nhắc nhớ về một thời khai phá rừng hoang của những lớp người xưa đi mở đất.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- CAO LONG