Để người khuyết tật sống độc lập

Cập nhật, 05:14, Thứ Năm, 18/04/2024 (GMT+7)

 

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Người khuyết tật và Bảo trợ xã hội vận động tặng laptop hỗ trợ học sinh khuyết tật.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Người khuyết tật và Bảo trợ xã hội vận động tặng laptop hỗ trợ học sinh khuyết tật.

 Ngày 18/4 hàng năm được chọn là ngày Người khuyết tật (NKT) Việt Nam. Năm nay, ngày NKT Việt Nam có chủ đề: “Cùng hành động để NKT tiếp cận và sống độc lập”. Cộng đồng không chỉ nâng cao nhận thức về NKT mà hãy hành động để thúc đẩy bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, gần gũi với NKT, để nâng cao chất lượng sống độc lập cho NKT một cách hiệu quả.

Những hành động thiết thực

Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Vĩnh Long là một trong những “ngôi nhà chung”, tạo điểm tựa cho những trẻ em khuyết tật vượt lên khiếm khuyết, hòa nhập với cộng đồng.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc- Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, cho biết: Theo thống kê của trung tâm, năm học 2023-2024 trên địa bàn tỉnh có trên 1.600 học sinh khuyết tật đang tham gia học tập hòa nhập tại các cơ sở giáo dục và tại trung tâm có trên 130 trẻ khuyết tật trí tuệ, khuyết tật nghe, nói; khuyết tật thần kinh, tâm thần và khuyết tật khác đang theo học.

Trung tâm không ngừng nâng cao chất lượng, hỗ trợ việc tiếp cận với các chính sách, chương trình chăm sóc, giáo dục cho học sinh khuyết tật, làm tăng cơ hội được đi học, phát triển cho các em học sinh. Ông Nguyễn Hoàng Phúc nhấn mạnh: “Chúng ta đừng nhìn khiếm khuyết của con, mà hãy lấp đầy khiếm khuyết đó bằng tình yêu thương để con phát triển một cách cân đối nhất”.

Với phương châm “Sống cho đi là còn mãi”, gần 25 năm nay, bà Quách Thanh Vân là người tình nguyện tham gia công tác từ thiện và là chiếc cầu nối đưa các nhà hảo tâm đến với người nghèo, NKT.

Trong giai đoạn 2019-2023, bà Quách Thanh Vân đã ủng hộ và vận động nguồn lực hỗ trợ các chương trình để trợ giúp cho nạn nhân chất độc da cam, NKT, trẻ mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và bệnh nhân nghèo đạt giá trị phúc lợi 4,1 tỷ đồng, trợ giúp cho 12.048 lượt đối tượng.

Bà Vân chia sẻ: “Là người làm công tác nhân đạo, trên tinh thần nhường cơm sẻ áo, ngoài sự đóng góp của bản thân gia đình, tôi không ngừng gõ cửa những trái tim nhân ái trong tỉnh và thân nhân ở nước ngoài để cùng chung tay đóng góp, giúp đỡ cho người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội tại tỉnh nhà”.

Thường được mọi người gọi cái tên thân tình là “bà ngoại Út”, từng là Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng tỉnh, bà Nguyễn Ngọc Điểu về hưu và lập nên Cơ sở Phục hồi chức năng trẻ bại não tại nhà.

“Thấy thời gian nhàn rỗi nhiều, còn sức khỏe, có tay nghề phục hồi chức năng cho trẻ. Nên từ đó, tôi suy nghĩ trong lòng vẫn yêu nghề và thương những đứa trẻ bị bại não rất cần những bàn tay chăm sóc phục hồi. Từ đó tôi quyết định sử dụng căn nhà của mình làm phòng tập phục hồi chức năng cho trẻ bại não”- bà Ngọc Điểu cho biết.

Đến nay cơ sở phục hồi được trang bị đủ các phương tiện tập luyện và có 3 kỹ thuật viên thực hiện các bước điều trị. Sau 15 năm hoạt động, nơi đây điều trị được 5.324 bệnh nhân với kết quả hết bệnh hòa nhập cộng đồng được 2.395 bệnh nhân, bệnh nhân còn lại đều được phục hồi từng di chứng.

Để người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng

Dành nhiều tâm huyết và tình thương cho những đứa trẻ khiếm khuyết, bà Nguyễn Ngọc Điểu còn có những việc làm thiết thực trợ giúp NKT hòa nhập với cộng đồng như: cấp xe lắc cho NKT bại não, lao động tăng thu nhập để chăm lo đời sống cho bản thân và gia đình. Phương tiện xe lắc để đi bán vé số, đi lao động, đi học nghề.

Hỗ trợ vốn nuôi bò giống giúp gia đình NKT nghèo. Giải pháp này có nhiều hộ gia đình chí thú làm ăn, chăm sóc tốt, có nhiều hộ phát triển đàn bò lên từ 4-5 con, gia đình thoát nghèo bền vững…

Anh Nguyễn Minh Tâm vừa nhận bằng khen của Bộ Lao động-TB-XH vì những đóng góp cho công tác an sinh xã hội, hỗ trợ NKT. Sinh ra trong gia đình có hai người con đều bị sốt bại liệt lúc còn nhỏ, anh Tâm bị tật ở chân, khó khăn trong đi lại. Nỗ lực vượt lên nghịch cảnh, anh Tâm hiện là Ủy viên BCH Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, NKT và Bảo trợ xã hội tỉnh.

Anh đã vận động trợ giúp vốn sinh kế cho 40 lượt NKT nghèo bán vé số, chăn nuôi, buôn bán nhỏ (bình quân 1 triệu đồng/lượt trợ giúp), vận động hỗ trợ 20 xe lăn để NKT làm phương tiện sinh hoạt, vận động tặng 10 xe lắc giúp NKT còn khả năng lao động làm phương tiện mưu sinh như bán vé số, vận động tặng trên 300 phần quà hỗ trợ NKT nghèo…

“Bản thân bị khuyết tật nên tôi rất hiểu sự khó khăn trong cuộc sống của người cùng cảnh ngộ, khi được tham gia các hoạt động trợ giúp của hội, niềm vui và niềm tin trong tôi càng trở nên mãnh liệt, tin vào lòng nhân ái của cộng đồng xã hội, luôn quan tâm chia sẻ khó khăn cho những hoàn cảnh còn khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống, trong đó có NKT”- anh Tâm chia sẻ.

Trong buổi gặp gỡ NKT, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc, ông Trần Thanh Mẫn- Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, nhấn mạnh, công tác bảo vệ, chăm sóc, giúp đỡ NKT, trẻ mồ côi những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, do hậu quả nặng nề của chiến tranh, do thiên tai, bão lũ, tai nạn, mắc bệnh hiểm nghèo,... nhu cầu cần được chăm sóc, giúp đỡ của NKT, trẻ mồ côi ở nước ta vẫn còn nhiều. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, Đảng, Nhà nước, Nhân dân luôn dành tình cảm, sự chăm sóc, hỗ trợ tận tình, chu đáo NKT, trẻ mồ côi. Đây là đạo lý, truyền thống của dân tộc ta, là sự nghiệp cao cả đòi hỏi tình cảm, trách nhiệm, chung sức, chung lòng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Những buổi gặp gỡ, biểu dương để người khuyết tật, người bảo trợ lan tỏa tinh thần vì cộng đồng.
Những buổi gặp gỡ, biểu dương để người khuyết tật, người bảo trợ lan tỏa tinh thần vì cộng đồng.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội gửi lời nhắn nhủ: “Các anh chị, cháu khuyết tật, các cháu mồ côi tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được, lan tỏa nghị lực sống tích cực tới cộng đồng, nhất là những người đồng cảnh ngộ, để cùng nhau tự tin vươn lên, mang lại nhiều kết quả ý nghĩa hơn nữa cho cuộc sống của chính mình và cho cả cộng đồng xã hội”.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ