Nghị lực của người phụ nữ khuyết tật

Cập nhật, 15:29, Thứ Tư, 13/03/2024 (GMT+7)
Chị Huỳnh Thị Xậm vẽ tranh bằng chân tại buổi giao lưu với nữ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Vĩnh Long.
Chị Huỳnh Thị Xậm vẽ tranh bằng chân tại buổi giao lưu với nữ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Vĩnh Long.

Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ vừa qua, nữ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Vĩnh Long có dịp giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm sống cùng nghị lực phi thường của chị Huỳnh Thị Xậm, nhân viên thư viện Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP Hồ Chí Minh.

Người phụ nữ này là 1 trong số 68 gương điển hình tiêu biểu toàn quốc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được vinh danh và nhận huy hiệu Bác Hồ vào tháng 11/2023; từng vinh dự là 1 trong 3 phụ nữ Việt Nam lọt Top 100 phụ nữ tiêu biểu toàn cầu.

Ngay từ khi chào đời, chị Huỳnh Thị Xậm (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) đã không may mắn khi bị khuyết tật tứ chi, chỉ có một chân là cử động được vài ngón chân. Không tự làm được việc gì nên cuộc sống của chị Xậm hoàn toàn dựa vào sự chăm sóc và tình yêu thương của cha mẹ và các em.

Sinh ra không được may mắn như bao đứa trẻ khác nhưng ước mơ được đi học luôn cháy bỏng trong chị, gia đình thấy khát khao của con nên cố gắng đáp ứng nguyện vọng của con.

Tới năm 15 tuổi chị Xậm mới được đi học. Gia đình nghèo, lại đông anh em nên hành trình tìm con chữ của chị Xậm lắm gian nan, thử thách. Quá trình tập luyện viết chữ bằng chân vô cùng khó khăn, đau đớn nhưng cũng là niềm hạnh phúc vô bờ đối với chị.

Trải qua chặng đường nhiều gian nan, thử thách, với ý chí và nghị lực, chị Xậm tốt nghiệp THPT và được vào học nghề tại Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP Hồ Chí Minh, học lớp đầu là khóa vi tính văn phòng, sau đó học lớp vẽ tranh.

Sau khi tốt nghiệp khóa học, chị Xậm được trung tâm dạy nghề sắp xếp làm thủ thư. Ngoài công việc trên thư viện hàng ngày, chị Huỳnh Thị Xậm cùng đồng nghiệp còn mở lớp dạy chữ cho mọi người, giúp đỡ các em trong cuộc sống hàng ngày.

Qua nhiều năm cố gắng chị luôn luôn tìm tòi học hỏi từ đồng nghiệp trong trung tâm và không ngừng tự học nâng cao kiến thức. Với tinh thần lạc quan, ý chí vươn lên, chị Xậm đã truyền cảm hứng về nghị lực sống đến rất nhiều người, đặc biệt là người cùng cảnh ngộ.

Nhớ lại những năm tháng bắt đầu thực hiện ước mơ học vẽ của mình, từng chút một với biết bao khó khăn thử thách. Phải mất vài tháng, mấy ngón chân của chị mới điều khiển được cọ vẽ để vẽ nên những nét chỉn chu.

Sau 2 năm miệt mài luyện tập, chị Xậm mới hoàn thành được bức tranh đầu tiên. Chị Xậm đã dùng chính ước mơ của mình để vẽ vào tranh. Những bức tranh của chị Xậm là những cảnh đồng quê, cây cỏ hoa lá, cuộc sống thiên nhiên tươi đẹp, thanh bình…

Chị vẽ tranh trên giấy và trên túi xách vải, được chị bán với giá bình dân, sản phẩm của chị còn được tạo điều kiện đi trưng bày giới thiệu sản phẩm handmade, được rất nhiều người yêu thích và thán phục nghị lực và tài hoa của chị.

Từ cuộc đời đầy gian khó của mình, chị Xậm đã đưa vào tranh tinh thần lạc quan, nghị lực sống. “Khi gặp khó khăn và thất bại, tôi không bao giờ nản chí. Nếu các bạn tiếp tục cố gắng, bạn sẽ đạt được mục tiêu”- chị Xậm chia sẻ.

Ước mơ trở thành cô giáo dạy chữ cho trẻ khiếm khuyết và là một họa sĩ vẽ tranh bằng chân của chị Xậm giờ đây đã thực hiện được. Từ một cô bé khuyết tật cả chân lẫn tay, chị Huỳnh Thị Xậm từng bước đã đạt được những mơ ước của mình.

Để có được điều này, ngoài những nỗ lực phi thường của bản thân, chị Xậm còn biết ơn những người thân, bạn bè, đồng nghiệp, thầy cô đã đồng hành bên chị với tấm lòng bao la, nâng đỡ chị trong cuộc đời.

Tập luyện vẽ tranh bằng chân là cả một quá trình nỗ lực của người phụ nữ khuyết tật đầy nghị lực.
Tập luyện vẽ tranh bằng chân là cả một quá trình nỗ lực của người phụ nữ khuyết tật đầy nghị lực.

Câu chuyện của chị Huỳnh Thị Xậm như một nguồn năng lượng tích cực giúp cho chị em phụ nữ có thêm niềm tin, thêm động lực tiếp tục cố gắng, không đầu hàng số phận, không dừng chân trước thất bại và khó khăn, luôn hướng đến một tương lai tốt đẹp với một trái tim nhiệt huyết và tinh thần quật cường.

Chị Huỳnh Thị Xậm chia sẻ: “Mỗi người phụ nữ là một bông hoa tỏa hương sắc mỗi ngày, góp sức cho đời xây dựng nên những điều tốt đẹp. Bản thân chịu khiếm khuyết nhưng chỉ mong được sống có ý nghĩa với chính bản thân mình, có ích cho gia đình và xã hội”.

Bài, ảnh: HẢI YẾN

Các tin khác: