Người lao động đang cần gì?

Cập nhật, 13:45, Thứ Tư, 19/04/2023 (GMT+7)
Đông người lao động đến phiên giao dịch việc làm để thực hiện thủ tục bảo hiểm thất nghiệp, học nghề và tìm việc.
Đông người lao động đến phiên giao dịch việc làm để thực hiện thủ tục bảo hiểm thất nghiệp, học nghề và tìm việc.

(VLO) Ghi nhận nhiều người lao động đến với phiên giao dịch việc làm kết hợp “cà phê việc làm” tại chi nhánh Hòa Phú của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, đa số tiếp tục hưởng hoặc làm thủ tục hưởng mới trợ cấp thất nghiệp. Một số ít ở nhà buôn bán, chăm con, trong khi một số khác được tư vấn sẽ cân nhắc không nhận BHXH một lần, và xin việc mới hoặc tham gia học nghề để tìm việc.

Sáng 17/4, phiên giao dịch việc làm kết hợp “cà phê việc làm” định kỳ giữa tháng diễn ra tại chi nhánh Hòa Phú, có hơn 150 người lao động đến tham dự.

Theo ghi nhận, đa số trong số họ đến thông báo với Trung tâm Dịch vụ việc làm về tình trạng chưa có việc làm để tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, làm thủ tục hưởng mới trợ cấp thất nghiệp khi nghỉ việc...

Anh Văn Giai (ngụ huyện Bình Tân) làm ở Cần Thơ ngành lái xe nâng hàng và kiểm hàng được 16 năm. Anh kể công việc khá đặc thù trong khi thu nhập không cao nên xin nghỉ việc.

Với thời gian làm như vậy, khi nghỉ việc anh được hưởng 12 tháng trợ cấp thất nghiệp, mỗi tháng hơn 3,4 triệu đồng và đợt này đến thông báo để tiếp tục hưởng tháng thứ 9. “Tôi sẽ hưởng đủ định mức. Cũng khá lớn tuổi rồi nên tôi ở nhà buôn bán nhỏ”, lao động này nói.

Chị Bích Ngọc (SN 1978, xã Mỹ Hòa, TX Bình Minh) cùng chị Thúy Diễm (SN 1979, xã Tân Phú, huyện Tam Bình) là những người lao động đến phiên giao dịch với yêu cầu tương tự, nhưng làm thủ tục hồ sơ mới để hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Bên bàn “cà phê việc làm”, hai chị cho biết vừa nghỉ làm ở một công ty có đông công nhân lao động trong KCN Bình Minh.

Sau khi được tư vấn các chị cân nhắc: “Có thể hưởng xong trợ cấp thất nghiệp, sẽ tìm việc làm mới để đóng BHXH hoặc cân nhắc tham gia BHXH tự nguyện để khi hết tuổi lao động được lãnh lương hưu”.

Một nhóm 5-6 người lao động nữ trong lúc ngồi chờ gọi ký thông báo tình trạng việc làm để tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, nói rằng họ mới nhận tháng thứ 2 của quá trình này.

Hỏi về dự định công việc, có chị nói “ở nhà làm thuê thời vụ”, có chị tính “hưởng xong các tháng trợ cấp thất nghiệp rồi có thể đi tìm việc ở công ty”, trong khi chị lại “sẽ học nghề để ổn định công việc”...

Ghi nhận nhanh, nhu cầu người lao động đến làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp để hưởng trợ cấp thất nghiệp khá cao. Trong đó lao động có nhu cầu tìm việc mới, đăng ký học nghề để tự tạo việc làm, tìm kiếm việc làm.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm, trong 3 tháng đầu năm, đơn vị tư vấn chính sách bảo hiểm thất nghiệp hơn 17.500 lượt người; tiếp nhận, giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho hơn 2.700 người, kết quả trình cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trên 2.200 người; hỗ trợ học nghề 490 người hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo bà Lê Thị Huế Nhi- Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm, đối với các chính sách trên, trung tâm tiếp nhận, giải quyết các chế độ hưởng bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ, kịp thời; tư vấn trực tiếp/trực tuyến thông tin việc làm/học nghề; hỗ trợ chăm sóc khách hàng là người lao động đăng ký tìm việc và người sử dụng lao động đăng ký tuyển dụng tại đơn vị.

Phối hợp tổ chức các phiên giao dịch việc làm kết hợp “cà phê việc làm” định kỳ hàng tháng tại chi nhánh Hòa Phú và tại Trường CĐ Vĩnh Long.

Đồng thời tăng cường tuyên truyền, tư vấn việc làm, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đào tạo nghề, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động các huyện, lao động chấm dứt hợp đồng, đoàn viên thanh niên là chiến sĩ nghĩa vụ... để người lao động sớm quay trở lại tham gia vào thị trường lao động.

Bài, ảnh: MINH THÁI