Giữ lửa nghề vì "tình yêu chiếc nón lá"

Cập nhật, 15:51, Thứ Tư, 02/03/2022 (GMT+7)

Sinh ra trong xóm nón hay lập gia đình về xóm nón lá… rồi gắn bó với nghề làm nón. Các dì, các chị ở xóm nón (thị trấn Long Hồ- huyện Long Hồ) cho hay “nghề làm nón lá vất vả và cần tỉ mỉ nhưng đã làm thì ghiền, chịu khó ngồi cho có nón”.

Các công đoạn làm ra chiếc nón cần tỉ mỉ và khéo léo.
Các công đoạn làm ra chiếc nón cần tỉ mỉ và khéo léo.

“Lớn lên đã có nghề”

Hơn 45 năm gắn bó với nghề chằm nón lá, dì Nguyễn Thị Ánh Hồng ở Khóm 6 (thị trấn Long Hồ) cho biết: “Hồi còn nhỏ tôi tới nhà hàng xóm chơi, thấy chằm nón lá thì học theo. Mỗi ngày đi học về tôi đều ngồi chằm vài cái nón. Do đó, khi vừa lớn lên tôi đã có nghề chằm nón lá trong tay rồi. Sau này, cũng nhờ nghề này mà nhà tôi lo được 2 đứa con ăn học tới nơi, tới chốn”.

Thoăn thoắt xỏ chỉ để úp lá mặt cho chiếc nón, dì Hồng xởi lởi: Nguyên liệu làm ra nón lá là thân cây trúc và lá mật cật. Để làm ra một chiếc nón qua rất nhiều công đoạn và hoàn toàn bằng thủ công. Đầu tiên là mua lá về luộc rồi phơi khô, sau đó lấy mẻ chảo chụm lửa rồi vuốt lá và phải “để dịu cục vuốt mới vuốt được”. Kế tiếp là chọn lá (lá đẹp thì úp lá mặt, lá xấu hơn thì để xoay trong), dùng chỉ xỏ 18- 19 lá lại với nhau. Thân cây trúc khi vuốt ra được dùng để vô vành khuôn, kế đến là dùng lá đã xỏ để xoay lá trong, rồi chèn, úp lá mặt. Sau đó là chằm, nức, xỏ dây để cột quai và cuối cùng là thoa dầu bóng. “Mỗi công đoạn đều cần có sự chỉn chu, tỉ mỉ, khéo léo”- dì Hồng nói.

Khoe chiếc nón thành phẩm “dù xoay thưa vẫn đẹp”, dì nhẩm tính: một cặp lá có thể làm ra ít nhất 50- 60 chiếc nón lá. Trừ tiền mua lá và vành 330.000đ thì còn lời khoảng 400.000đ.

Có hơn 100 khuôn làm nón, còn lá trong kho lúc nào cũng trữ sẵn mấy chục cặp, hiện dì Hồng làm ra 2 loại nón: nón chằm dày thì bỏ mối 30.000đ/cái, còn nón chằm thưa thì 17.000- 19.000 đ/chiếc tùy xa gần. Theo dì Hồng, người mới vào làm thì chỉ cần 5 cái khuôn, 2 cặp lá với khoảng 1,4 triệu là đã có thể... theo nghề.

Chịu khó ngồi cho “có nón”

Là “người xóm nón và lấy chồng cũng ở xóm nón”, dì Trần Thị Thu Lan cho biết: “Tui làm nghề này từ hồi còn trẻ, tới mùa thì cắt lúa, hết mùa thì xoay qua làm nón”. Hiện chỉ chằm nón thôi, mỗi ngày “4 giờ sáng dậy đốt lửa vuốt lá, rồi chằm tới 10 giờ đêm” là xong 10 cái nón thưa. Xong công đoạn này mình bán lại cho người trong xóm thu mua giá 13.000/cái, bên đó “nức và tha dầu bóng bán ra 18.000/cái, tới tay người mua đội là 25.000/cái”.

“Chằm nón lá tuy cực nhưng ghiền lắm, ai rủ đi đâu tui cũng ít khi đi, chịu khó ngồi cho có nón”. Vừa mang lại nguồn thu nhập trang trải chi phí sinh hoạt, dì Lan nói làm nón có ưu điểm là làm tại nhà không dãi nắng dầm mưa, vừa có thể làm việc nhà, chăm sóc con cháu... Đặc biệt “mình xoay cái nón cho chắc thì khi thấy người ta đội đẹp, xài bền mình cũng thấy vui!”.

Chị Bùi Thị Hồng Phấn cho biết, từ lúc 8 tuổi chị theo mẹ chằm nón và gắn bó với việc chằm nón tới giờ. Hiện chị chằm được 4- 7 chiếc nón/ngày. “Chằm thưa và không chăm chút kỹ thì mau xong nhưng nón sẽ không đẹp. Chằm xong được nón đẹp thì rất vui vì nghĩ tới người đội nón sẽ bền và đẹp hơn”. Theo dì Hồng, với 1 cặp lá, người chằm giỏi có thể trong 2 ngày là xong. Dì kể: “Khi chưa có máy gặt đập liên hợp, cứ ra tết tui cho ra thị trường 2.000- 3.000 cái nón mà có khi vẫn không đủ bán. Từ đầu làng đến cuối làng đều chằm nón lá, mỗi hộ làm ra 20- 30 chiếc nón lá/ngày”.

Xóm nón ở thị trấn nên theo những người làm nón thì đi lại đường sá thuận tiện, đỡ tốn chi phí trong vận chuyển nguyên liệu, chở nón phân phối ở các nơi và đặc biệt là gần chợ nên dễ bán. Hiện, bình quân mỗi tháng, dì Hồng xoay được khoảng 500- 600 nón, cộng với mua nón các hộ trong xóm về nức, tính ra dì cung cấp ra thị trường cả ngàn cái nón/tháng. Mối quen của dì là các hộ bán nón ở các chợ trong tỉnh. Cứ mỗi cuối tuần, chồng dì lại chở đi khắp các chợ giao nón cho khách.

Các dì, các chị âm thầm giữ lửa nghề vì tình yêu chiếc nón lá.
Các dì, các chị âm thầm giữ lửa nghề vì tình yêu chiếc nón lá.

Qua bao năm tháng, các dì, các chị vẫn âm thầm gắn bó, giữ lửa nghề không chỉ vì giúp thêm thu nhập mà vì tình yêu dành cho chiếc nón, niềm vui mang đến những chiếc nón che nắng che mưa cho người phụ nữ khi ra rẫy, ra đồng… Tuy nhiên, theo dì Hồng, số hộ làm nghề ngày càng ít, bình quân 10 hộ chỉ còn lại 1- 2 hộ làm do vất vả mà thu nhập không nhiều như đi làm ở khu công nghiệp hay một số công việc khác. Do đó, lớp trẻ hiện rất ít ai “nối nghiệp”. “Một mai này, xóm nón lá còn có ai theo nghề chằm nón?”- đó là trăn trở của dì Hồng, cũng là trăn trở của những ai dành tình yêu cho chiếc nón lá, cho xóm nón lá giữa lòng thị trấn.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- TUYẾT HIỀN