Đào tạo nghề gắn giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới

Cập nhật, 19:01, Thứ Ba, 20/10/2020 (GMT+7)

 

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh biểu dương những đóng góp của tập thể, cá nhân trong thực hiện Đề án 1956.
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh biểu dương những đóng góp của tập thể, cá nhân trong thực hiện Đề án 1956.

Cuối năm 2009, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020” (gọi tắt Đề án 1956). Tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2011- 2020 triển khai đề án đã đạt được rất nhiều kết quả tích cực. Ngày 15/10/2020, BCĐ tỉnh hội nghị tổng kết 10 năm đề án này, đồng thời gợi mở nhiều hướng mới đối với công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho LĐNT trong giai đoạn tới.

Trên 100.000 LĐNT đã được đào tạo nghề

Điểm nhấn của các kết quả đào tạo nghề cho LĐNT những năm qua trên địa bàn tỉnh có thể kể: đào tạo rất nhiều ngành nghề, giải quyết việc làm, tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho người LĐNT, góp phần giảm nghèo và đóng góp vào công tác xây dựng nông thôn mới...

Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cũng là cơ quan Thường trực BCĐ đề án tỉnh cho biết, giai đoạn 2010- 2020, toàn tỉnh đã tổ chức 4.503 lớp đào tạo nghề cho 100.267 LĐNT. Chia ra cụ thể: giai đoạn 2010- 2015, tổ chức được 3.214 lớp đào tạo nghề/67.495 LĐNT; giai đoạn 2016- 2020, số liệu tương ứng 1.289 lớp/32.772 LĐNT (đã gồm ước thực hiện năm 2020 đào tạo 5.000 người).

Trong cả giai đoạn, trên 20 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo nghề cho LĐNT; có khoảng 60 ngành nghề (25 nghề nông nghiệp, 35 nghề phi nông nghiệp) được người LĐNT đăng ký tham gia học. Đáng chú ý, đã có hàng trăm lớp đào tạo nghề mở cho hàng ngàn LĐNT các xã điểm nông thôn mới phục vụ xây dựng nông thôn mới.

Công tác giải quyết việc làm cho LĐNT luôn được chú trọng quan tâm bằng nhiều hình thức: đào tạo nghề theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng; doanh nghiệp tuyển dụng, bao tiêu sản phẩm; được tư vấn tự tạo việc làm, vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh; đào tạo nghề gắn tạo nguồn lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng... Trong cả giai đoạn, số LĐNT sau đào tạo nghề có việc làm ổn định là 87.863 người, đạt 87,63%.

Phạm Thùy Trang là 1 trong số 17 học viên dự khai giảng lớp đào tạo nghề điều dưỡng chăm sóc người cao tuổi/người bệnh, do Sở Lao động- Thương binh và Xã hội và đơn vị xuất khẩu lao động khai giảng hồi giữa tháng 9. Thùy Trang bày tỏ sẽ hoàn thành tốt khóa học (kèm kỹ năng kiến thức, văn hóa, lối sống...) để làm hành trang sang Nhật Bản làm việc. Lớp nghề điều dưỡng này là nhằm tạo nguồn lực tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Anh Thạch Vay (xã Tân Mỹ) làm thầu công trình và tham gia lớp nghề xây dựng dân dụng mở ở xã. Như anh em, ngày tổng kết lớp anh Thạch Vay nói đã biết thêm kiến thức, quy chuẩn của sắt thép, bê tông, nền móng, an toàn thiết bị, an toàn lao động: “Anh em học viên lớp nghề xây dựng đã hiểu theo tầm hiểu của mình để làm việc hiệu quả hơn...”.

Tỷ trọng ngành nghề phi nông nghiệp được đào tạo chiếm cao hơn nông nghiệp và việc đào tạo nghề đã gắn với việc làm tại chỗ ở các địa phương, tham gia xuất khẩu lao động như đã nêu. Ở quy mô tỉnh, ước tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm 2020 đạt 55%, trong đó lao động qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ từ sơ cấp trở lên là 17%. Kết quả đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho LĐNT đã góp phần nâng chất lượng nguồn nhân lực các địa phương và sẽ đóng góp vào tỷ lệ chung này của tỉnh.

Để chính sách ngày thêm đi sâu vào cuộc sống

Cuối năm 2019, thống kê lực lượng lao động tỉnh hơn 622.000 người; trong đó LĐNT hơn 532.000 người (chiếm 85%). Trên tinh thần chung, công tác hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho LĐNT tiếp tục chú trọng, quan tâm với phương châm: “Chỉ đào tạo nghề khi xác định được giải pháp việc làm và thu nhập sau học nghề”.

Sở Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp các đơn vị liên quan mở lớp nghề điều dưỡng, nhằm tạo nguồn tham gia làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Sở Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp các đơn vị liên quan mở lớp nghề điều dưỡng, nhằm tạo nguồn tham gia làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Ông Trần Văn Khái- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết: 10 năm qua, Đề án 1956 được hầu hết các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm, xác định là một trong những nhiệm vụ công tác quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hàng năm.

Qua đó giải quyết các nhóm mục tiêu: đào tạo ngành nghề theo chủ trương định hướng phát triển kinh tế- xã hội các địa phương; đào tạo nghề gắn với tự tạo việc làm, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho LĐNT; góp phần nâng chất lượng nguồn nhân lực, cung cấp đội ngũ lao động có tay nghề và tạo nguồn để xuất khẩu lao động...

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, Trưởng BCĐ thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020” của tỉnh- đã biểu dương BCĐ các cấp về thực hiện Đề án 1956 trong 10 năm qua. Bà cho rằng nguồn lực đầu tư cho đề án rất lớn, kết quả đem lại là đã đào tạo được ngành nghề, gắn với tạo được việc làm cho LĐNT, giúp người LĐNT nâng cao thu nhập, thoát nghèo...

Tại hội nghị trên, các huyện- thị- thành đã đề xuất chỉ tiêu đào tạo nghề dự kiến 25.550 LĐNT ở giai đoạn 2021- 2025. Theo ông Trần Văn Khái, một trong các kiến nghị quan trọng: BCĐ tỉnh đã đề xuất Trung ương tiếp tục có chính sách và hỗ trợ đầu tư kinh phí cho tỉnh để đào tạo, bồi dưỡng cập nhật nghề nghiệp cho LĐNT giai đoạn tiếp theo. Và khi triển khai thì phải làm ở tầm cao hơn, với tác động và hiệu quả tốt hơn.

Dự và phát biểu tại hội nghị tổng kết 10 năm Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020”, ông Nguyễn Minh Dũng- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long- nhấn mạnh: Công tác tuyên truyền về đề án đã đi sâu sát, kết quả thu hút người LĐNT tham gia học nghề đạt cao. Đề án đã đạt được các kết quả rất quan trọng và đi vào cuộc sống!

Ở giải pháp tới, đại diện lãnh đạo tỉnh gợi mở, trong khi chờ Trung ương có chính sách tiếp theo đối với đào tạo nghề cho LĐNT thì ngành chức năng cần tham mưu để tỉnh có bước đi cụ thể, phù hợp ở địa phương trong hỗ trợ đào tạo nghề cho đối tượng LĐNT như đề án 10 năm qua. Và khi triển khai chính sách phải gắn chặt giữa các nhu cầu: học viên LĐNT, doanh nghiệp, điều kiện từng địa phương... để làm sao phát huy cao nhất hiệu quả của chính sách.

Bài, ảnh: MINH THÁI