Chăm lo để trẻ em phát triển toàn diện

Cập nhật, 05:37, Thứ Bảy, 31/10/2020 (GMT+7)

 

Trẻ em cần được quan tâm về vật chất lẫn tinh thần để phát triển toàn diện.
Trẻ em cần được quan tâm về vật chất lẫn tinh thần để phát triển toàn diện.

“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, vun bồi cho thế hệ tương lai của đất nước là việc làm vô cùng quan trọng. Trong những năm qua, tỉnh đã dành nhiều cơ chế, chính sách quan tâm đến các vấn đề của trẻ em, đặc biệt là tạo môi trường để trẻ em phát triển toàn diện.

Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em

Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em luôn gắn với nghị quyết và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của từng ngành, địa phương trong tỉnh. Các hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động nguồn lực hỗ trợ trẻ em đã phát huy tính tích cực, từng bước nâng cao trách nhiệm, nhận thức của các ngành, các cấp, gia đình và cộng đồng đối với phát huy quyền tham gia của trẻ em.

Theo bà Phan Hồng Hạnh- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) tỉnh, trong giai đoạn 2016- 2020, ngành đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tuyên truyền về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thông qua tuyên truyền Luật Trẻ em, chương trình văn nghệ, chiếu phim tuyên truyền, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, tai nạn thương tích… với hơn 135.000 lượt người tham dự. Thông qua các lớp kỹ năng, gần 3.000 học sinh tiểu học và THCS học cách tự bảo vệ mình, 7.325 em được dạy bơi ở hơn 200 lớp…

Thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực bảo vệ, chăm lo để trẻ phát triển toàn diện.
Thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực bảo vệ, chăm lo để trẻ phát triển toàn diện.

Các sở, ban, ngành, các địa phương phối hợp chặt chẽ tổ chức nhiều hoạt động thực hiện quyền tham gia của trẻ em. Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích- Phó Giám đốc Sở GD- ĐT cho biết, sở tổ chức triển khai chủ trương, chính sách, pháp luật của ngành liên quan đến nội dung công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, lừa đảo, buôn bán người, xây dựng môi trường văn hóa, tuyên truyền cho phụ huynh không đưa con đến trường bằng phương tiện chưa đảm bảo an toàn.

Nhà trường duy trì tốt các phong trào: học nhóm, đôi bạn cùng tiến, hoa điểm mười, triển khai các cuộc thi: sáng tạo thiếu niên nhi đồng, em yêu lịch sử Việt Nam, duy trì tốt chương trình “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Vĩnh Long” đến 100% liên đội.

Huyện Mang Thít là một trong những địa phương thực hiện tốt chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện- Lê Thành Phương, có 12/12 xã- thị trấn thành lập BCĐ bảo vệ chăm sóc trẻ em cấp xã.

Các ngành trong huyện tích cực phối hợp, tổ chức thăm dò ý kiến, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của trẻ thông qua đối thoại. Năm 2019- 2020, tổ chức lấy ý kiến 4 trường THCS trên địa bàn huyện: Tân An Hội, Tân Long Hội, Mỹ Phước và thị trấn Cái Nhum. Mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em được triển khai tại xã Tân Long Hội và Tân An Hội, tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân trên hệ thống loa không dây của 2 xã với gần 26.000 lượt người nghe.

Nỗ lực nhiều hơn vì thế hệ tương lai

Thời gian qua, tỉnh đã dành nhiều cơ chế, chính sách quan tâm đến các vấn đề của trẻ em, tuy nhiên vẫn còn tồn tại những khó khăn. “Hiện phụ cấp cộng tác viên bảo vệ trẻ em ở ấp- khóm còn khá thấp, sở đã tham mưu để tỉnh nâng mức hỗ trợ. Nhiều phụ huynh chưa quan tâm đến quyền tham gia của trẻ em trong gia đình. Hiện UBND tỉnh đã chỉ đạo nắm số lượng trẻ em không có hộ khẩu thường trú, quản lý chặt để đảm bảo quyền lợi, an toàn của trẻ”- bà Phan Hồng Hạnh cho biết.

Theo Trung tá Nguyễn Văn Hồng- Phó Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Vĩnh Long), ngành công an trong tỉnh phối hợp với các đoàn thể địa phương tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục các em, đặc biệt là việc phòng chống tai nạn thương tích và nạn bạo hành, xâm hại trẻ em.

Ngành kết hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên, trực tiếp đến các trường học tuyên truyền phòng chống xâm hại trẻ em để thầy cô giáo, các em học sinh, đặc biệt là học sinh THCS, các em dễ bị tổn thương nâng cao cảnh giác, phòng ngừa.

“Hiện tình trạng lợi dụng mạng xã hội làm quen, đưa hình ảnh mang tính chất đồi trụy để dụ dỗ, xâm hại trẻ em khá phổ biến. Tuy nhiên, công tác đấu tranh phòng chống gặp khá nhiều khó khăn, chỉ khi gia đình tố giác thì công an mới xác minh được.

Chúng tôi đã được tham gia tập huấn phòng chống xâm hại trẻ em trên không gian mạng do Cảnh sát Anh tổ chức, đó là nội dung rất hay. Họ có cơ quan kiểm soát và phòng chống xâm hại trẻ em kiểm soát thông tin qua phần mềm theo dõi, từ đó có văn bản chuyển về công an địa phương có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh xử lý có hiệu quả. Và chúng tôi đã có kiến nghị với Bộ Công an phối hợp với các nước tiên tiến hỗ trợ để bảo vệ trẻ em thật tốt”- Trung tá Nguyễn Văn Hồng cho biết.

Hoạt động truyền thông về đảm bảo an toàn giao thông, phòng chống xâm hại trẻ em được tổ chức thường xuyên ở các trường học.
Hoạt động truyền thông về đảm bảo an toàn giao thông, phòng chống xâm hại trẻ em được tổ chức thường xuyên ở các trường học.

Qua 2 ngày kiểm tra, giám sát chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em ở tỉnh Vĩnh Long, bà Nguyễn Thị Nga- Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB và XH) đánh giá cao kết quả triển khai các mô hình, công tác truyền thông, các nhóm mục tiêu liên quan đến giáo dục, chăm sóc sức khỏe, quyền khai sinh, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, đấu tranh phòng ngừa liên quan xâm hại trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình...

Để chăm lo tốt hơn cho thế hệ tương lai của đất nước, bà Nguyễn Thị Nga mong muốn tỉnh làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức giáo dục pháp luật, làm thế các mô hình, các chính sách đến với chính trẻ em và gia đình các em.

Đại biểu HĐND cấp huyện, xã cần tổ chức gặp mặt trẻ em, trực tiếp lắng nghe, phổ biến quy định pháp luật, chính sách đến với trẻ em và tiếp nhận mong muốn của trẻ em, của phụ huynh, để công tác bảo vệ trẻ em được tốt hơn.

Theo bà Nguyễn Thị Nga: Hàng năm cả nước có trên dưới 2.000 vụ bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, cơ quan công an vào cuộc xử lý. Về lao động trẻ em, khảo sát độc lập của Bộ Lao động Hoa Kỳ, nước ta có gần 1.031.000 người 5-17 tuổi lao động. Số lượng người chưa thành niên vi phạm pháp luật bình quân trong 3 năm trở lại đây vẫn còn 6.000- 7.000 người bị xử lý hình sự, xử lý hành chính.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY