Giữ sức khỏe mùa thi

Cập nhật, 06:25, Thứ Tư, 15/07/2020 (GMT+7)

 

Các em không nên ngồi học liên tục trong thời gian dài. Cứ mỗi 45- 60 phút hãy thư giãn một lần với vài động tác thể dục, đi một vòng để máu lưu thông tốt.
Các em không nên ngồi học liên tục trong thời gian dài. Cứ mỗi 45- 60 phút hãy thư giãn một lần với vài động tác thể dục, đi một vòng để máu lưu thông tốt.

Kiến thức, kỹ năng là rất quan trọng để có kết quả cao trong kỳ thi THPT quốc gia và thi chuyển cấp. Song, để có kết quả thi tốt nhất, các bạn nên nhớ một số bí quyết chăm sóc sức khỏe, ăn ngủ điều độ, cân đối bữa ăn hợp lý... trong quá trình ôn thi.

Đừng quên ăn, quên nghỉ…

Thời điểm này đang là giai đoạn cao điểm của mùa thi các cấp, các bạn thường chịu nhiều áp lực, căng thẳng trí óc, mệt mỏi, suy nhược cơ thể do phải tập trung nhiều thời gian ôn luyện.

Đặc biệt năm nay khi dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp và khó lường trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có việc ôn luyện thi.

Theo Trung tâm Dinh dưỡng TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân của tình trạng mất sức hay bị bệnh trong mùa thi là do các bạn học sinh ôn luyện quá căng thẳng, ăn uống thất thường, không ngủ đủ giấc và không dành thời gian thư giãn.

Theo đó, các chứng bệnh mà các em thường mắc phải trong mùa thi là đau dạ dày, viêm họng, mất ngủ, nhức đầu, vọp bẻ, có khi bị kiệt sức.

Tình trạng thí sinh ngất xỉu khi đang thi hoặc mới bước vào phòng thi không phải chuyện hiếm gặp. Thông thường, các em này bị hạ đường huyết do bỏ bữa. Khi đó sẽ có cảm giác hoa mắt, mệt mỏi, lả người, vã mồ hôi, lạnh tay chân. Nếu không được cung cấp năng lượng kịp thời thì có thể bị ngất xỉu.

Do đó, trước khi thi, các em nên ăn uống đầy đủ. Tuy nhiên, không nên ăn quá no, tránh tình trạng “căng da bụng, chùng da mắt”.

Ăn uống không khoa học, không đủ chất kết hợp với thức quá khuya để học sẽ khiến các bạn giảm sức đề kháng.

Em Nguyễn Thanh H.- thí sinh từng bị “chột bụng” trong kỳ thi THPT quốc gia 2 năm trước cho biết khi em đang làm bài thi môn Ngữ văn thì bụng âm ỉ đau, em phải chịu đựng cơn đau đến hết 2/3 thời gian làm bài để xin vào nhà vệ sinh. Khỏi phải bàn về chất lượng bài thi Ngữ văn đã giảm sút thế nào khi mà bụng đau nhưng vẫn cố gắng làm bài.

Làm thế nào khỏe để học và thi tốt luôn là vấn đề mà các học sinh quan tâm trong những ngày hội tư vấn tuyển sinh. TS. bác sĩ Trần Thị Minh Hạnh- Phó Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP Hồ Chí Minh- cho rằng: “Nếu có cùng học lực thì người có sức khỏe dẻo dai hơn sẽ dễ dàng vượt qua căng thẳng để thành công mà muốn có sức khỏe dẻo dai thì các em cần được cung cấp đủ năng lượng và dinh dưỡng mỗi ngày, kết hợp với thể dục thường xuyên”.

Khỏe để học và thi tốt

Ăn đủ bữa chính và vài bữa phụ mỗi ngày với các loại thực phẩm khác nhau: tinh bột từ cơm; chất đạm có trong thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu; chất béo trong các loại cá béo, dầu ăn; vitamin, chất khoáng có trong rau xanh và trái cây.

Tùy nhu cầu dinh dưỡng mỗi người mà ăn lượng thức ăn vừa phải. Nếu các em bận đi học và không kịp ăn bữa chính có thể thay thế bằng bữa phụ. Bữa phụ là bánh bao, bánh mì thịt, hộp sữa, gói xôi,…

Thí sinh chú ý thức ăn giàu dinh dưỡng, hợp vệ sinh cho kỳ thi an toàn.
Thí sinh chú ý thức ăn giàu dinh dưỡng, hợp vệ sinh cho kỳ thi an toàn.

Kinh nghiệm của những thí sinh đạt điểm cao trước đây là “rèn sức khỏe mỗi ngày”. Lữ Thanh Thanh- cựu học sinh THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm có điểm 10 duy nhất môn Tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia 2016- chia sẻ: “Để giảm căng thẳng, em dành thời gian mỗi chiều thư giãn bằng cách đạp xe vòng quanh thành phố. Vừa hít hà không khí trong lành, vừa vận động nhẹ nhàng, thư giãn.

Về nhà tắm rửa, ăn cơm chiều xong là tinh thần thoải mái, tỉnh táo học bài thi thật tốt, em ngủ đủ giấc, không thức khuya”.

Theo TS. bác sĩ Nguyễn Thị Minh Hạnh, não cần có chất béo omega-3 từ cá để tạo màng tế bào thần kinh, giúp cho các tín hiệu được truyền tải một cách trơn tru. Nên ăn ít nhất 3 bữa cá mỗi tuần để nhận được chất béo omega-3 cho cơ thể.

Phospholipid có trong lòng đỏ trứng cũng rất cần thiết cho hoạt động của não bộ, đặc biệt là giúp trí nhớ được tốt hơn. Có thể ăn 1- 3 cái trứng mỗi tuần. Nhiều phụ huynh cho con ăn óc heo thường xuyên để “bổ não” là phản khoa học.

Bên cạnh chế độ ăn, các em cần sắp xếp thời gian học phù hợp, nếu các em tạo áp lực quá lớn cho mình sẽ khiến bản thân khó tập trung, học bài lâu thuộc lại mau quên. Ít nhất phải ngủ 6 tiếng/ ngày và đặc biệt là chất lượng giấc ngủ phải tốt.

Các chuyên gia y tế cho rằng, để giữ gìn sức khỏe, đạt được kết quả thi tốt nhất có thể, học sinh cần có kế hoạch học tập tốt, có chế độ học tập và nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống đầy đủ chất, uống đủ nước. Kết hợp tập thể dục, vui chơi giải trí, không tạo áp lực quá lớn, đặc biệt cần ngủ đủ thời gian và có giấc ngủ tốt. Để ngủ tốt, phòng ngủ cần thoáng mát, không bị ồn ào. Trước khi ngủ không nên dùng các chất kích thích như cà phê, chè, rượu, bia, thuốc lá. Khi đi ngủ, cần để đầu óc được nghỉ ngơi, không nên tiếp tục suy nghĩ, lo lắng,... có thể sử dụng một số thuốc vào buổi sáng như vitamin B1, B6, B12, nootropin, tanakan để bồi dưỡng sức khỏe, tăng trí nhớ và cũng giúp giấc ngủ tốt hơn.

Bài, ảnh: QUYÊN HUYỀN