Thi môn xã hội học khối ngành gì?

Cập nhật, 14:37, Thứ Sáu, 22/05/2020 (GMT+7)

Những năm gần đây, tỷ lệ thí sinh chọn môn xã hội để dự thi ngày càng cao hơn. Bên cạnh lý do đổi hình thức thi từ tự luận sang trắc nghiệm ở các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân thì sự đa dạng ngành nghề, tổ hợp xét tuyển cũng là một yếu tố. Khi chọn bài thi tổ hợp xã hội thì bạn có thể lựa chọn những khối ngành nào? Cơ hội việc làm ra sao?

Thí sinh nên tìm hiểu kỹ thông tin ngành nghề và cách xét tuyển của từng trường.
Thí sinh nên tìm hiểu kỹ thông tin ngành nghề và cách xét tuyển của từng trường.

Mở cánh cửa ra thế giới

PGS. TS. Phương Hoàng Yến- Phó trưởng Khoa Ngoại ngữ- ĐH Cần Thơ cho rằng: “Chọn ngành ngoại ngữ như chọn mở cánh cửa bước ra thế giới”.

Qua thực tế khảo sát sinh viên ra trường gần đây của khoa, cơ hội việc làm của khối ngành này rất đa dạng: biên dịch, phiên dịch, nhân viên văn phòng, phát thanh viên, biên tập viên, doanh nhân,…

Cô Yến điểm danh 4 điều mà nhiều sinh viên ngoại ngữ có được khi tốt nghiệp là: được trang bị thái độ cởi mở sẵn sàng học cái mới; cầu tiến; học tập suốt đời; kỹ năng giao tiếp tốt.

Trường ĐH Cửu Long cũng đào tạo ngành ngôn ngữ Anh nhiều năm nay với 2 chuyên ngành là Tiếng Anh thương mại và Tiếng Anh biên- phiên dịch.

Cựu sinh viên Trường ĐH Cửu Long, phát thanh viên Hồ Anh Thơ đang làm việc tại Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long cho biết: “Nhiều phát thanh viên cũng xuất thân từ ngành ngôn ngữ Anh như tôi. Hình như những người học ngôn ngữ Anh rất nhạy cảm với ngôn ngữ và có khả năng dẫn chương trình, thuyết minh,… khá tốt”.

Việt Nam học cũng là một ngành mở cánh cửa bước ra thế giới với chuyên ngành hướng dẫn viên du lịch. PGS. TS. Nguyễn Kim Châu- Phó trưởng Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn- ĐH Cần Thơ cho biết: “ĐH Cần Thơ được tổ chức cấp chứng chỉ hướng dẫn viên du lịch.

Bên cạnh, trường còn liên kết với các trường ĐH nước ngoài như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc,… và các nhà hàng, khách sạn lớn để cử đoàn sinh viên tham quan thực tế, thực tập”.

Thắc mắc liên quan đến ngành này, em Đoàn Trọng Huyền gửi câu hỏi, theo em biết, Tổng cục Du lịch đang quản lý gần 30.000 hướng dẫn viên du lịch. Số lượng hướng dẫn viên tăng gần 10% hàng năm. Vậy với chỉ tiêu 170 thì liệu sau khi ra trường em có thể tìm được việc làm không?

Thầy Nguyễn Kim Châu cho rằng “ngành du lịch có xu hướng phát triển mạnh do nhu cầu phát triển du lịch cao, chỉ tiêu 170 chỉ ở Cần Thơ, ngành này còn 80 chỉ tiêu ở Hòa An. Qua khảo sát tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm ngành này năm 2018 hơn 95% và năm 2019 là 98,59%”.

Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long cũng đã sẵn sàng cơ sở vật chất cho ngành du lịch, năm 2020 tuyển sinh 100 chỉ tiêu. Có 4 tổ hợp xét tuyển cho ngành này là A01, D01, C00, C19.

Học văn vẫn có thể vào ngành báo chí

Báo chí là lĩnh vực không ít học sinh quan tâm trong những năm gần đây. Trong khi, các trường ĐH ở ĐBSCL chưa tuyển sinh ngành báo chí.

Tuy nhiên, các thầy cô tư vấn và thực tế cho biết rằng, không phải học ngành báo chí thì mới làm việc ở lĩnh vực này được.

Văn học là ngành đào tạo kiến thức sâu về ngôn ngữ, phóng viên, biên tập viên. Làm công tác văn phòng cho công ty tiếp thị quảng cáo,...

PGS. TS. Nguyễn Kim Châu cho biết: “Có 3 định hướng khác nhau cho sinh viên sau khi chọn ngành văn học: chọn các môn tự chọn thiên về báo chí; thiên về văn hóa hay thiên về văn phòng. Khả năng làm ở cơ quan báo chí cao khi học ngành văn học, việc làm cũng cực kỳ phong phú đa dạng: phóng viên, biên tập viên, nhân viên truyền thông,...”.

Học sinh Nguyễn Lư Thùy Linh hỏi: “Học ngành văn học thì cơ hội làm việc báo chí cao không?” Trả lời câu hỏi này, thầy Kim Châu khẳng định: “Tỷ lệ sinh viên Ngữ văn ra trường làm việc ở các cơ quan thông tấn báo chí là rất cao. Ưu điểm của sinh viên ngành văn học là không chỉ có khả năng viết và nói tốt mà còn có kỹ năng giao tiếp, tự tin và cởi mở hơn”.

Ngành văn học ĐH Cần Thơ xét các tổ hợp C00, D01, D14, D15; trong khi ĐH Cửu Long có ngành tiếng Việt và văn hóa Việt Nam chia ra các chuyên ngành ngữ văn học, truyền thông báo chí đa phương tiện, quản lý văn hóa và quản trị văn phòng, xét tuyển các tổ hợp như ĐH Cần Thơ.

Một học sinh tên Tuyết Nhi hỏi: “Em muốn biết về vị trí việc làm của ngành xã hội học?” Ban tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Cần Thơ cho rằng: “Hiện nay nhu cầu nhân lực của ngành xã hội học khá lớn, trong đó có: phóng viên, biên tập viên trong các cơ quan truyền thông, báo chí, tham gia hoạt động trong các cơ quan truyền thông báo chí, truyền thanh, truyền hình”.

Báo chí là ngành chuyển tải những vấn đề khác nhau trong xã hội: kinh tế, văn hóa, chính trị, y tế, giáo dục,... đến công chúng. Dĩ nhiên những người học ngành báo chí sẽ có những ưu thế khi ra trường, nhưng cũng có nhiều người ở các ngành nghề khác nhau cũng làm tốt trong ngành báo chí.

Hiện nay, rất nhiều trường ĐH, CĐ có đào tạo ngành ngôn ngữ Anh và mức điểm trúng tuyển và phương thức xét tuyển cũng khác nhau ở từng trường. Thậm chí, cùng trường đào tạo nhưng sinh viên học ở ĐH Cần Thơ và học tại khu Hòa An sẽ có mức điểm ngưỡng khác nhau. Thông thường, điểm chuẩn ở khu Hòa An sẽ thấp hơn 1-2 điểm.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN