Nơi an toàn lại có nguy cơ xảy ra xâm hại trẻ em

Cập nhật, 15:51, Thứ Sáu, 29/05/2020 (GMT+7)

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9- Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã dành cả ngày 27/5 để tiến hành giám sát tối cao “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”. Trong đó, có đại biểu nêu lên thực trạng đau lòng là: nơi thật sự an toàn nhất đối với trẻ lại là nơi có nguy cơ xảy ra các vụ xâm hại trẻ em.

Chưa phát hiện kịp thời trẻ bị xâm hại

Tính đến cuối tháng 6/2019, trẻ em chiếm 25,75% dân số cả nước. Đến nay, tất cả trẻ dưới 6 tuổi được hưởng BHYT miễn phí, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tham gia tiêm chủng mở rộng, trẻ 5 tuổi được đi học mẫu giáo đạt gần như tuyệt đối và khoảng 90% trẻ có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng chính sách trợ giúp xã hội.

Đặc biệt, là trong 20 năm qua, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng chưa bao giờ đi học hoặc thôi học đã giảm mạnh, từ 20,9% năm 1999 xuống còn 16,4% năm 2009 và đến năm 2019 chỉ còn 8,3%. Tuy nhiên, số liệu thống kê cũng cho thấy, vấn đề bảo vệ, chăm sóc trẻ em vẫn còn hạn chế, tỷ lệ trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, có cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật vẫn còn nhiều.

Từ đầu năm 2015 đến giữa năm 2019, cả nước đã phát hiện, xử lý hành chính và hình sự 8.442 vụ xâm hại trẻ em, với hơn 8.700 trẻ bị xâm hại. Trong đó, xâm hại tình dục chiếm đa số (73,85%), bạo lực trẻ em (9,84%), mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em (1,22%). Nhiều trường hợp trẻ bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, nhất là các hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất và tinh thần.

Nhiều vụ xâm hại trẻ em xảy ra nơi kín đáo, biệt lập hoặc có vụ xảy ra ngay tại gia đình các em trong thời gian dài mới bị phát hiện. Một số kẻ lợi dụng mạng xã hội với thông tin cá nhân giả gây nhiều khó khăn trong thu thập thông tin, điều tra, xử lý của các cơ quan chức năng. Điều này dẫn đến số vụ việc xâm hại trẻ em đã bị phát hiện, xử lý nêu trong các báo cáo chưa phản ánh đầy đủ tình hình trẻ em bị xâm hại trên thực tế.

Tham gia thảo luận về vấn đề này, đại biểu Trần Thị Hiền (đơn vị tỉnh Hà Nam) cho rằng những con số thống kê về các vụ xâm hại trẻ em vừa nêu đã “tăng đột biến và mang tính cảnh báo nghiêm trọng”. Những nơi thật sự an toàn nhất đối với trẻ như gia đình, trường học, cơ sở bảo trợ xã hội,… lại là nơi có nguy cơ xảy ra các vụ xâm hại trẻ em.

Phối hợp chưa chặt chẽ

Nhận định tình trạng xâm hại trẻ em đang diễn ra ở mức độ nghiêm trọng, đại biểu Phạm Văn Hòa (đơn vị tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, điều này không chỉ để lại hậu quả nặng nề với bản thân các em mà còn ảnh hưởng đến gia đình và xã hội.

Riêng vấn đề xâm hại tình dục trẻ em, một phần nguyên nhân là do suy giảm nghiêm trọng về đạo đức xã hội trong một bộ phận người dân; tình trạng lạm dụng rượu bia, chất kích thích; phim bạo lực, khiêu dâm, những thông tin độc hại trên trang mạng xã hội, Internet tràn lan, tác động rất tiêu cực đến trẻ em. Có trường hợp phụ huynh phát hiện con mình bị xâm hại nhưng mặc cảm, sợ bị trả thù nên không trình báo cơ quan chức năng hoặc trình báo trễ, ảnh hưởng đến quá trình điều tra, xử lý.

Trong khi đó, sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong phòng, chống xâm hại trẻ em đôi khi chưa hiệu quả, có hiện tượng phó mặc cho ngành lao động- thương binh- xã hội và ngành giáo dục, mặc dù đã có quy định rõ ràng trong Luật Trẻ em là cơ quan nào chủ trì, cơ quan nào phối hợp, đến khi xảy ra sự việc thì xem là nhiệm vụ của cơ quan tư pháp, nhất là của công an. Do đó các ngành, đoàn thể khác không thể đứng ngoài cuộc.

Một vấn đề cũng được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận là thực trạng trẻ em bị xâm hại trên môi trường không gian mạng.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đơn vị tỉnh Bắc Kạn) dẫn chứng số liệu, mỗi ngày có hơn 720.000 hình ảnh xâm hại trẻ em được đưa lên mạng với hầu hết là clip bạo lực, xâm hại tình dục. Trong khi đó, công tác điều tra tội phạm mạng đang gặp rất nhiều khó khăn, đối tượng phạm tội hầu hết đều thành thạo công nghệ, sử dụng thông tin ảo, mạo danh.

Theo đại biểu, trong thời đại công nghệ số, chúng ta không thể cấm trẻ em tham gia không gian mạng vì điều này sẽ hạn chế cơ hội tiếp cận thông tin, tri thức. Nhưng, vấn đề là phải hướng dẫn trẻ kiến thức, kỹ năng khai thác thông tin an toàn.

Đại biểu kiến nghị Bộ GD-ĐT đưa nội dung giảng dạy về an toàn trên môi trường mạng vào giờ học tin học, Bộ Công an thông tin đầy đủ về thủ đoạn của loại tội phạm này để trẻ em và gia đình đề cao cảnh giác. Riêng các bậc phụ huynh hãy dành thời gian gần gũi, hướng dẫn trẻ sử dụng mạng an toàn, là công dân có trách nhiệm trên mạng xã hội.

Nhấn mạnh vai trò của hệ thống chính trị cơ sở, đại biểu Lưu Thành Công (đơn vị tỉnh Vĩnh Long) đề nghị trong các giải pháp tới đây cần có những quy định cụ thể về trách nhiệm của chính quyền địa phương. Cụ thể, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm khi quyền lợi của trẻ em không được triển khai thực hiện, thiếu quan tâm để xảy ra những vụ xâm hại nghiêm trọng đối với trẻ em. Đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cần nghiên cứu thêm về công tác cán bộ phụ trách lĩnh vực trẻ em các cấp. Trong đó, cần kiểm tra, rà soát lại để có chỉ đạo thống nhất trong các địa phương trên toàn quốc, cấp huyện phải có cán bộ làm chuyên trách trẻ em, không kiêm nhiệm như hiện nay; mỗi xã phải có cán bộ chăm sóc trẻ em, có thể là công chức hoặc không chuyên trách nhưng chăm sóc trẻ em là nhiệm vụ chính, sau đó mới kiêm nhiệm những nhiệm vụ khác.

 

NGUYỄN THỊNH